Hội LHPN TP Hà Nội: Thành lập 1.931 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng trong 4 năm

Chia sẻ

Ngày 28/10, Hội LHPN TP Hà Nội phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Đề án 938 giai đoạn 1, tham vấn định hướng giai đoạn 2”.

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về việc thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2021", đồng thời định hướng hoạt động giai đoạn 2, 2022-2027.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo ban Gia đình-Xã hội, Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo Hội LHPN TP Hà Nội, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn TP Hà Nội, đại diện ban điều hành, ban chủ nhiệm mô hình thực hiện Đề án 938 tại các quận, huyện, thị xã.

Bà Trương Thị Thu Thuỷ, Trưởng ban Gia đình-Xã hội, Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội thảoBà Trương Thị Thu Thuỷ, Trưởng ban Gia đình-Xã hội, Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, bà Trương Thị Thu Thuỷ, Trưởng ban Gia đình-Xã hội, Hội LHPN Việt Nam cho biết, Đề án 938 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017 với hai giai đoạn thực hiện từ 2017-2021 và 2022-2027 trên phạm vi toàn quốc với 3 nội dung can thiệp là: An toàn thực phẩm, giáo dục cha mẹ nuôi dạy chăm sóc bảo vệ con và phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới; 2 nội dung xuyên suốt là: Tuyên truyền phổ biến pháp luật và tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức.

Năm 2021, Trung ương Hội phối hợp với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tiến hành đánh giá sơ kết giai đoạn 1 Đề án 938, trong đó tổ chức thội thảo tại 4 tỉnh, thành phố gồm Hà Giang, Hà Tĩnh, Hà Nội và Bến Tre để tìm hiểu sâu hơn về kết quả, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, từ đó triển khai giai đoạn 2 của Đề án 938.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảoBà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.

 “Tại Hà Nội, kinh phí phân bổ các năm khoảng từ 700 triệu-1 tỷ đồng cho việc triển khai đề án, ở mức cao so với các tỉnh, thành cả nước, cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với các vấn đề xã hội có tính liên quan đến phụ nữ. Hội thảo hôm nay có ý nghĩa quan trọng giúp Trung ương Hội có thông tin minh chứng cụ thể cho những nhận định, đánh giá về quá trình thực hiện Đề án 938 giai đoạn vừa qua tại các địa phương, từ đó xác định định hướng gia đoạn tiếp theo để báo cáo thủ tướng chính phủ” – bà Thu Thuỷ cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi Thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án 938, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số229/KH-UBND ngày 10/11/2017 triển khai thực hiện đề án 938 của Chính phủ “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2018-2027” trên địa bàn Thành phố.

Các đại biểu tham dựCác đại biểu tham dự Hội thảo.

Ngày 16/11/2017, Hội LHPN Hà Nội ban hành Đề án số 02/ĐA-BCH triển khai thực hiện Đề án 938 của Chính phủ trong các cấp Hội. Hàng năm Hội LHPN Hà Nội chủ động xây dựng Kế hoạch gắn với chủ đề của ban điều hành Trung ương và nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, đưa các nội dung, chỉ tiêu của đề án trong kế hoạch năm, có tiêu chí cụ thể. Theo đó, Hội đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động xuống các cấp cơ sở. 100% quận huyện địa bàn thành phố đã có văn bản triển khai kế hoạch 938, đồng thời nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương. Một số đơn vị còn kêu gọi được nguồn xã hội hoá...

Đánh giá kết quả thực hiện, bà Dương Thị Lý Anh, Trưởng ban Chính sách luật pháp, Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, sau 4 năm triển khai Đề án 938, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã chủ động tham mưu hoàn thành tốt các nội dung của đề án, có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch đề ra. Điển hình, các cấp Hội không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà tổ chức Hội không lên tiếng kịp thời; 579/579 xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất 1 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội.

Bà Trương Thị Thu ThuỷBà Trương Thị Thu Thuỷ mong muốn, đề án sẽ tiếp tục phát huy nhiều sáng kiến hơn nữa, đi vào những vấn đề thực chất như an toàn thực phẩm, lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em…

Đặc biệt, các cấp Hội đã phát hiện 72 trường hợp xâm hại phụ nữ và trẻ em; tư vấn trực tiếp 340 trường hợp về hôn nhân gia đình, đất đai, bạo lực gia đình… Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và cơ sở phối hợp tổ chức 317 buổi trợ giúp pháp lý cho 47.550 phụ nữ, trong đó tư vấn trực tiếp 2.458 trường hợp. Các cấp Hội cũng duy trì hoạt động 122 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, 110 “Nhóm phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật”, 15 câu lạc bộ “Phòng, chống buôn bán phụ nữ trẻ em”, 258 câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, 10 câu lạc bộ “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông”, 879 chi hội phụ nữ thực hiện “Thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”, 1.931 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng…

Hội Phụ nữ các cấp xây dựng mới 1.273 và nhân rộng mô hình chi hội phụ nữ thực hiện “Thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”, nâng tổng số trong toàn Thành phố là 1.561 chi hội (với 56.448 hội viên phụ nữ tham gia), tập trung vào các nội dung như: “Kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ”, “Sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn”; “thực hiện mô hình trong trồng rau và cây ăn quả an toàn”; “Đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm chín”; “An toàn thực phẩm trong sản xuất rau sạch, chăn nuôi, sản xuất bánh kẹo”; “Trồng cây ăn quả sạch”; Mô hình “sử dụng 2 dao, 2 thớt trong chế biến thực phẩm tại gia đình”…

Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực tư duy, sáng tạo, thành lập nhiều mô hình mới, cách làm hay như: Mô hình Xây dựng Nhà trọ an toàn (huyện Đông Anh); CLB Gia đình nói không với bạo lực; Chi hội Phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ; Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ; Nhóm Phụ nữ khuyết tật tự lực,… Các mô hình đã trở thành nơi thu hút, tập hợp cán bộ, hội viên tích cực, chủ động tham gia công tác giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã có các tham luận, góp ý về thực trạng, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em, đồng thời đề xuất giải pháp của các ngành thành viên tham gia thực hiện đề án...

Kết thúc Hội thảo, bà Trương Thị Thu Thuỷ ghi nhận thành quả và sự cố gắng trong chỉ đạo, truyền thông và xây dựng mô hình thực tiễn tại cơ sở. Với chức năng chăm lo, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, Hội LHPN TP Hà Nội cần đầu tư thêm kỹ năng lên tiếng, hướng dẫn kỹ thuật đối với các mô hình và sự lan toả rộng rãi của mô hình đến các chị em phụ nữ. “Tôi mong muốn, đề án sẽ tiếp tục phát huy nhiều sáng kiến hơn nữa, đi vào những vấn đề thực chất như an toàn thực phẩm, lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em… để giảm thiểu các vụ bạo lực, xâm hại, xây dựng môi trường sống an toàn, bình đẳng cho phụ nữ, trẻ em” – Trưởng ban Gia đình-Xã hội, Hội LHPN Việt Nam đề nghị.

HỒNG NHUNG 

Tin cùng chuyên mục

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Sở Y tế Hà Nội

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Sở Y tế Hà Nội

(PNTĐ) - Sáng 26/4, Đoàn giám sát số 1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Tổ trưởng Tổ 2 đoàn giám sát đã có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 thuộc Sở Y tế Hà Nội”.
Phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024

Phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024

(PNTĐ) - Ngày 26/4, Ban chỉ đạo Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Trung ương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024. Chủ đề tháng hành động ATVSLĐ năm 2024 là “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Ngày 5/5/2024 ( tức Chủ Nhật), Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP hưởng ứng tham gia hoạt động đồng diễn dân vũ đồng loạt trên nền nhạc ca khúc "Qua miền Tây Bắc - Chiến thắng Điện Biên - Inh lả ơi". Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Biểu dương báo Phụ nữ Thủ đô đã tặng công trình an sinh tại tỉnh Điện Biên trị giá 450 triệu đồng

Biểu dương báo Phụ nữ Thủ đô đã tặng công trình an sinh tại tỉnh Điện Biên trị giá 450 triệu đồng

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ công tác báo chí thành phố tháng 5/2024. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học chủ trì Hội nghị.
Bài 2: Ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ

Bài 2: Ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Nói về chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví “Điện Biên Phủ như là một cột mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi dấu nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã; đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.