Hơn 200 người lao động được giải đáp về “Sức khỏe và an toàn lao động tại nơi làm việc“

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 3/5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thanh Oai tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách chuyên đề “Sức khỏe và an toàn lao động tại nơi làm việc” với sự tham gia của hơn 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Thanh Oai.

Dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến có Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng; Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng.

Hơn 200 người lao động được giải đáp về “Sức khỏe và an toàn lao động tại nơi làm việc“ - ảnh 1
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Sức khỏe của người lao động cũng là tài sản vô giá của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bởi người lao động có đủ sức khỏe mới có thể lao động, công tác tốt, từ đó giúp thúc đẩy hiệu quả công tác, nâng cao năng suất lao động.

Trong khi đó, sức khỏe của người lao động tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào môi trường làm việc của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có được xanh, sạch đẹp, đảm bảo an toàn hay không? Nói một cách khác, sức khỏe của người lao động và vấn đề đảm bảo an toàn lao động là những điều được cả người lao động và chủ sử dụng lao động chú trọng, quan tâm.

Nhằm cung cấp cho cán bộ doanh nghiệp, đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ nói riêng và bạn đọc những kiến thức về chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn lao động, từ đó bảo vệ tốt hơn tính mạng, sức khỏe của người lao động tại nơi làm việc, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, Ban Tổ chức đã lựa chọn chủ đề của buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến: “Sức khỏe và An toàn lao động tại nơi làm việc”.

Tham gia chương trình có các vị chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) sẵn sàng giải đáp, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc cho đoàn viên, CNVCLĐ và bạn đọc quan tâm.

Hơn 200 người lao động được giải đáp về “Sức khỏe và an toàn lao động tại nơi làm việc“ - ảnh 2
Các chuyên gia tham gia đối thoại và giải đáp cho người lao động

Tham gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật lao động, chính sách An toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp: Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; Bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm Ô xy cao áp Việt Nga; ông Nguyễn Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Hơn 200 người lao động được giải đáp về “Sức khỏe và an toàn lao động tại nơi làm việc“ - ảnh 3
Chị Nguyễn Thị Thanh, Công ty Tanaphar hỏi chuyên gia

Đặt câu hỏi với các chuyên gia, chị Nguyễn Thị Thanh, Công ty Tanaphar hỏi: Khi công nhân chưa ký hợp đồng lao động, đang trong thời gian thử việc, nếu xảy ra tai nạn lao động thì họ có được hưởng các chế độ, quyền lợi gì không? Trường hợp người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động bị tai nạn lao động thì Công ty có nghĩa vụ gì?

Trả lời chị Thanh, chuyên gia Nguyễn Việt Đức cho biết, nếu chưa ký hợp đồng lao động, theo Luật An toàn vệ sinh lao động có nói rõ, các đối tượng đang thử việc bị tai nạn lao động, theo luật được hưởng 2 nguồn hỗ trợ: Từ người sử dụng lao động và chi từ Quỹ Bảo hiểm lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người lao động đang thử việc, theo quy định không bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội, không bắt buộc đóng bảo hiểm tai nạn lao động. Vì vậy người lao động thử việc sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên người lao động sẽ được hưởng hỗ trợ từ người sử dụng lao động.

Đối với người lao động khi có hợp đồng lao động với nhiều đơn vị, nhiều người sử dụng lao động, thì mỗi người sử dụng lao động thì đều phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Nếu trong trường hợp người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, khi người lao động bị tai nạn lao động thì ngoài việc chi trả trợ cấp theo trách nhiệm, người sử dụng lao động sẽ phải thay Quỹ bảo hiểm lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả toàn bộ nội dung mà Bảo hiểm xã hội sẽ phải chi trả cho người lao động. Ngoài bồi thường trợ cấp, người lao động có thể được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, trợ cấp hàng tháng…

Hơn 200 người lao động được giải đáp về “Sức khỏe và an toàn lao động tại nơi làm việc“ - ảnh 4
Quang cảnh buổi đối thoại

Trả lời câu hỏi của chị Nguyễn Thị Lựu, trường Mầm non thị trấn Kim Bài về việc người lao động làm việc trong môi trường độc hại nguy hiểm được hưởng chế độ gì, chuyên gia Nguyễn Văn Hà cho biết: Quyền của người lao động làm việc trong môi trường độc hại sẽ có nhiều ưu đãi hơn so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, cụ thể:

Về thời gian làm việc, người lao động được đảm bảo giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm; yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Về nghỉ hằng năm, người lao động làm việc trong môi trường độc hại khi làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động thì sẽ được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương như sau: 14 ngày đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đối với lao động nữ, nếu lao động nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được giảm bớt 1 giờ làm việc/ngày hoặc chuyển công việc nhẹ hơn.

Đối với người lao động cao tuổi, chủ sử dụng lao động chỉ được sử dụng lao động cao tuổi khi đảm bảo điều kiện an toàn. Đối với người lao động khuyết tật, chỉ được sử dụng người khuyết tật làm công việc này nếu họ đồng ý.

Về chế độ hưu trí, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc; độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại; nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Chế độ ốm đau, người lao động làm việc trong môi trường độc hại được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày: 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày); 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày); 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày);

Người lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo một số quy định khác của Bộ LĐTB&XH.

Hơn 200 người lao động được giải đáp về “Sức khỏe và an toàn lao động tại nơi làm việc“ - ảnh 5
Ban tổ chức chương trình tặng hoa các chuyên gia

Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, bà Nguyễn Thị Hảo, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai cho biết, buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến hôm nay đã góp phần tuyên truyền phổ biến những quy định mới về pháp luật lao động, chính sách ATVSLĐ và sức khỏe cho lao động tới cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động.

Tại buổi đối thoại, các chuyên gia đã trả lời cho đoàn viên, người lao động hiểu rõ, hiểu kỹ những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc; từ đó tiếp tục tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động thực thi tốt chính sách pháp luật; đồng thời trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất để chăm sóc sức cho bản thân.

Tin cùng chuyên mục

Trung tâm dữ liệu MobiFone Node 3 vinh dự nhận chứng chỉ ANSI/TIA-942 Rated 3

Trung tâm dữ liệu MobiFone Node 3 vinh dự nhận chứng chỉ ANSI/TIA-942 Rated 3

(PNTĐ) - Trung tâm dữ liệu MobiFone Node 3 trở thành một trong số ít các Trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại TP.HCM đạt tiêu chuẩn ANSI/TIA-942 Rated 3. Đây là chứng chỉ quốc tế uy tín nhất về xây dựng và vận hành Trung tâm dữ liệu, thuộc bộ tiêu chuẩn ANSI/TIA-942 do Hiệp hội công nghiệp viễn thông của Hoa Kỳ ban hành, được cấp bởi tổ chức Enterprise Products Intergration Pte Ltd (EPI) – Đơn vị đánh giá độc lập, cấp chứng nhận ANSI/TIA-942 số một thế giới.
Khách “mắc kẹt” khi mua căn hộ Libera Nha Trang qua MDG Land

Khách “mắc kẹt” khi mua căn hộ Libera Nha Trang qua MDG Land

(PNTĐ) - MDG Land do Đinh Thị Ngọc Thơ làm Chủ tịch được quảng cáo là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng cộng đồng bất động sản chuyên nghiệp, nhưng nhiều khách hàng đặt cọc thanh toán tiền theo tiến độ mua căn hộ dự án Libera Nha Trang do MDG Land phân phối lại đang bị “mắc kẹt” không được ký hợp đồng mua bán, không lấy lại được tiền.