Khai mạc triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề
(PNTĐ) - Tối 22/12, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa tổ chức khai mạc Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Hòa Lâm, Ứng Hòa 2023 tại Khu di tích làng nghề may áo dài thôn Trạch Xá.
Với quy mô khoảng 2.000m2 gồm: Khu trưng bày sản phẩm mới, thiết kế sáng tạo và làng nghề; Khu trưng bày trung tâm và khu gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, nghệ nhân ngành lụa và thêu ren trên địa bàn huyện Ứng Hòa (tương đương 60 gian hàng tiêu chuẩn), Triển lãm là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu ngành may áo dài, lụa và thêu ren của huyện Ứng Hòa nói riêng và các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố nói chung đến với người dân Thủ đô.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Ứng Hòa là huyện phía Nam của Thủ đô Hà Nội, nơi có 21/138 làng có nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận như: Chẻ tăm hương, làng bún Bặt, dệt may, sơn mài, tre đan, giang đan, guột tế, rèn, khảm trai…
Thời gian gần đây, một số làng nghề truyền thống đang được các bạn trẻ ở Hà Nội và những vị khách du lịch quốc tế quan tâm, đến tham quan, khám phá. Huyện Ứng Hoà cũng đang rất quan tâm đến việc xây dựng điểm trải nghiệm văn hóa làng nghề truyền thống.
Ngày 14/12/2023, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 6385/QĐ-UBND ban hành Bộ tiêu chí và Quy trình đánh giá, hướng dẫn, phát triển Mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương Hà Nội được giao hướng dẫn, xây dựng và phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp khẳng định: “Làng nghề truyền thống Trạch Xá, huyện Ứng Hòa nổi tiếng với nghề may áo dài, là địa điểm có tiềm năng phát triển mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Mô hình khi được công nhận sẽ hứa hẹn nơi hội tụ các nhà thiết kế, các nghệ nhân làng nghề để quảng bá, giới thiệu, trình diễn cũng như sáng tạo những sản phẩm mang đặc trưng làng nghề như áo dài, cổ phục…, là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế”.
Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Hòa Lâm, Ứng Hòa 2023 là sự kiện cuối trong chuỗi các sự kiện để quảng bá, giao thương kết nối các sản phẩm OCOP, làng nghề phục vụ du lịch được thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa tổ chức, trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm truyền thống làng nghề ngành may áo dài, lụa và thêu ren.
Đây là cơ hội để tạo liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ; các trường đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã nói chung và huyện Ứng Hòa nói riêng.
Thông qua Triển lãm, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo, phát huy những ý tưởng, thiết kế ra những mẫu sản phẩm mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng; từ đó có thể phát triển, hình thành điểm đến về thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Triển lãm cũng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề nói chung và ngành may áo dài, lụa và thêu ren nói riêng.
Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Triển lãm sẽ diễn ra tại Khu di tích thôn Trạch xá, xã Hòa Lâm, Ứng Hòa đến hết ngày 24/12/2023. Ngay trong tối khai mạc đã có hàng nghìn người dân đến tham quan và mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền.