Kết quả hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố:

Khẳng định sự coi trọng trong quan hệ hợp tác và tình hữu nghị Việt - Trung

PHẠM HẰNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 13/11, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X đã diễn ra phiên toàn thể với chủ đề “Mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh thành phố hành lang kinh tế Việt -Trung nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới”. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã báo cáo kết quả triển khai nội dung Biên bản Hội nghị hành lang kinh tế Việt – Trung lần thứ IX, đồng thời đề xuất một số nội dung cụ thể.

Kể từ Hội nghị lần thứ 9 diễn ra vào tháng 10 năm 2019, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhiều nội dung hợp tác chưa được triển khai như mong muốn; tuy nhiên các tỉnh, thành phố trên hành lang kinh tế vẫn duy trì sự kết nối thông qua các hoạt động gửi thư, chúc mừng nhân dịp các ngày lễ, Tết hay những sự kiện quan trọng khác; tiếp tục duy trì tốt mối quan hệ mật thiết giữa các địa phương, khẳng định sự coi trọng trong quan hệ hợp tác và đặc biệt là tình hữu nghị Việt - Trung.

Trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã tích cực phối hợp thúc đẩy triển khai các hạ tầng giao thông kết nối quan trọng trong hành lang kinh tế và cả nước như: Cầu biên giới Bản Vược, kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc; đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tổ chức chạy thí điểm Tuyến vận tải hành khách, hàng hóa Côn Minh – Cửa khẩu Hà Khẩu– Cửa khẩu Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; phê duyệt bổ sung Danh mục tuyến vận tải cố định liên tỉnh Lào Cai – Hà Nội... tiếp tục phát huy vai trò của cơ chế hội đàm vận tải đường bộ quốc tế giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, hợp tác hành lang kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các biện pháp thúc đẩy tiêu chuẩn hóa thương mại và tạo điều kiện công bằng cho các doanh nghiệp cả hai nước đã giúp tăng cường sự hợp tác kinh doanh. Tổ chức một số hoạt động gắn kết, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có các tỉnh trong Hành lang kinh tế.

Trong lĩnh vực Du lịch, các tỉnh, thành phố đã cùng tổ chức Hội nghị xúc tiến khởi động lại tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến”.

Trong lĩnh vực giáo dục, y tế cũng có những kết quả đáng ghi nhận trong việc tỉnh Vân Nam tổ chức bồi dưỡng học tiếng Trung cho cán bộ, tạo điều kiện học tập cho lưu học sinh phía Việt Nam; đặc biệt, chính quyền tỉnh Vân Nam đã tặng các thiết bị y tế để phòng, chống dịch Covid 19 cho các địa phương phía Việt Nam.

 
Khẳng định sự coi trọng trong quan hệ hợp tác và tình hữu nghị Việt - Trung - ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Từ năm 2020, mỗi địa phương đều bị ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 và sau đó là suy giảm kinh tế toàn cầu, tuy nhiên kinh tế thành phố Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng khá:

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 năm 2020-2022 tăng bình quân 5,41%; 9 tháng đầu năm 2023 tăng 6,08%; GRDP bình quân đầu người đạt 142 triệu đồng, tương đương 6.000 USD.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 17,13 tỷ USD; nhập khẩu đạt 40,9 tỷ USD. Giai đoạn 2020-2022, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 7,14 tỷ USD; Trong 10 tháng đầu năm 2023, thu hút 2,6 tỷ USD – tăng gấp 1,47 lần so với cả năm 2022.

Tại Hội nghị này, thành phố Hà Nội mong muốn 5 tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp và hợp tác hiệu quả trong thời gian tới cũng như mở rộng thêm các đối tác, địa phương trên tuyến hành lang như tỉnh Yên Bái.

Về phía thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất các nội dung cụ thể như sau:

Một là, duy trì tổ chức Hội nghị cấp cao giữa 5 tỉnh, thành phố luân phiên; đẩy mạnh hoạt động hợp tác của các nhóm, các cặp trong các lĩnh vực có thế mạnh; tích cực trao đổi, cung cấp thông tin và đôn đốc thực hiện các nội dung hợp tác.

Khẳng định sự coi trọng trong quan hệ hợp tác và tình hữu nghị Việt - Trung - ảnh 2
Các đại biểu tại phiên thảo luận toàn thể

Hai là, xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức hút mạnh hơn về cung cầu và sức lan tỏa về công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không ngừng mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác đối ngoại thông qua những bản ký kết ghi nhớ, chương trình, dự án hợp tác cụ thể, thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giao thông vận tải, văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế…

Ba là, các địa phương cùng đề nghị Chính phủ hai nước quan tâm sớm triển khai và đưa vào vận hành các tuyến vận tải liên quan đến toàn tuyến của hành lang, đặc biệt là tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn nhằm nâng cao năng lực vận tải trao đổi hàng hoá. Đẩy mạnh hợp tác vận tải hành khách đường bộ quốc tế.

Bốn là, tăng cường cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và minh bạch, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên trao đổi, ký kết hợp tác, thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch; tiếp tục hỗ trợ hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP; xây dựng tuyến điểm du lịch hấp dẫn, khai thác tối đa giá trị của di sản, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách; Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thủ tục về xuất nhập cảnh, đầu tư nâng cấp điểm đến, hỗ trợ khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác. Đẩy mạnh trao đổi việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông.

Năm là, đẩy mạnh mở rộng hợp tác tới cấp cơ sở; tích cực lan toả ảnh hưởng của Hành lang kinh tế tới các địa phương. Chính quyền mỗi tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho các sở, ban, ngành, quận, huyện thường xuyên gặp gỡ trao đổi công tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Đề xuất cán bộ đầu mối hợp tác tại các cơ quan quản lý chuyên ngành, lĩnh vực để triển khai Thỏa thuận hợp tác đạt hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tin tưởng Hội nghị hợp tác lần thứ 10 này sẽ đạt được những thỏa thuận quan trọng làm nền tảng, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn và toàn diện hơn giữa 5 tỉnh, thành phố.

 

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.