Khẳng định tài năng phụ nữ Thủ đô bằng “sản phẩm tốt mỗi ngày”

Chia sẻ

Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19 nhưng với sự nhạy bén, thức thời của mình, các nữ doanh nhân Thủ đô đã chuyển đổi tư duy kinh doanh, phương thức bán hàng, nâng tầm sản phẩm. Năm 2021, Hội đồng bình chọn ý tưởng, sản phẩm sáng tạo của Hội LHPN Hà Nội đã lựa chọn và vinh danh 10 ý tưởng sản phẩm sáng tạo tiêu biểu của phụ nữ Thủ đô.

Nhiều sản phẩm sáng tạo, nâng tầm nông sản Việt

Với mong muốn nâng tầm giá trị hàng nông sản Việt, công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Moris đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu sinh học tạo ra sản phẩm mật ong lên men Mola với công thức riêng. Đây là dòng sản phẩm đặc trưng, sử dụng mật ong, giấm táo và các loại thảo dược quý làm môi trường nuôi dưỡng, đưa lợi khuẩn đa chủng, dạng bào tử vào đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh và hỗ trợ tăng cường sức khoẻ người dùng.
Chị Nguyễn Thị Hường, Giám đốc công ty cho biết, hiện công ty có 10 dòng sản phẩm mật ong lên men và bún rau củ khác. Bình quân mỗi tháng, công ty cung ứng ra thị trường từ 600-800 triệu sản phẩm các loại, trong đó, có 1.000 chai mật ong lên men, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động chính thức và 15 lao động thời vụ. “Trong năm 2021, công ty tiếp tục đăng ký 5 sản phẩm tham gia đánh giá Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của huyện Thanh Oai, tạo đà cho bước phát triển mới” - nữ Giám đốc chia sẻ.
Có ông ngoại làm về thuốc Nam gia truyền nên từ nhỏ, chị Trịnh Kim Thư, Giám đốc công ty Cổ phần MD Queens đã được biết về các loại thảo dược của Việt Nam và những công dụng tuyệt vời mà thảo dược Việt mang lại cho sức khoẻ. Từ tình yêu và niềm đam mê với thảo mộc, chị Thư đã cho ra mắt sản phẩm thương hiệu trà xạ đen với với 7 loại thảo mộc thiên nhiên như xạ đen, linh chi, trinh nữ hoàng cung, trà xanh, rau má, cỏ ngọt, gạo lứt huyết rồng… Trà xạ đen có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, đặc biệt tốt cho người hay uống rượu. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018 với 3 tiêu chí không hương liệu, không chất tạo màu, không phụ gia độc hại và đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của Hà Nội. “Sau khi được “gắn sao”, thành phố đã hỗ trợ các chủ thể OCOP xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, hội thảo, hội chợ… Qua đó, đã có nhiều khách hàng, đại lý tìm tới đặt hàng và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm” - chị Thư cho biết.
Hơn một năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tồn tại. Bà chủ thương hiệu trà xạ đen MD Queens Trịnh Kim Thư cũng phải tìm cách “bẻ lái”. Chị Kim Thư đã tập trung đẩy mạnh kinh doanh bằng hình thức trực tuyến, thông qua các kênh website, Facebook và một số sàn thương mại điện tử, không chỉ “giữ chân” khách hàng quen thuộc mà còn vươn tầm, hướng đến nhiều khách hàng ngoài nước…
Mật ong lên men Mola và Trà MD Queen là 2 trong 10 dự án được lọt vào vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng sáng tạo năm 2021 của Hội LHPN Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân nữ Hà Nội đánh giá, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Song, các nữ doanh nhân đã tạo ra “cú hích” với ý tưởng và chiến lược kinh doanh cụ thể. Trong số hơn 100 ý tưởng sáng tạo của phụ nữ Thủ đô gửi dự thi, có 10 ý tưởng được vinh danh năm nay ở nhiều lĩnh vực như thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, công nghệ… đã tạo ra được sản phẩm, tiếp cận người tiêu dùng.
“Mỗi ý tưởng đều có đặc trưng riêng, cho thấy sức sáng tạo và định hình môi trường, đối tượng khách hàng ngày càng “chuẩn” của chị em. Tôi rất vui với một số ý tưởng hướng đến sự bền vững, tạo dấu ấn cho không chỉ sản phẩm mà còn là nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Tôi đặc biệt ấn tượng với sản phẩm làm hoa khô từ lá cỏ, cây, thảo mộc, đặc biệt là sử dụng những vật liệu dư thừa từ nông sản như bẹ ngô, lõi ngô, vỏ cây, thân cây, bẹ chuối… Sản phẩm này không chỉ thể hiện văn hoá, thẩm mỹ, sự khéo léo của phụ nữ mà còn giúp đỡ nhiều lao động là phụ nữ yếu thế có cơ hội vươn lên, làm chủ cuộc sống” – bà Nguyễn Thị Hảo cho biết.

Các nữ doanh nhân cùng ấn nút khởi động diễn đàn “Women can do” - Phụ nữ làm đượcCác nữ doanh nhân cùng ấn nút khởi động diễn đàn “Women can do” - Phụ nữ làm được (Ảnh: NA)

Phát huy nội lực và vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế

Những năm qua, phụ nữ, trong đó đó các nữ doanh nhân ngày càng khẳng định vị trí của mình trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tri thức, xã hội. Nhiều người đã đạt được thành tựu to lớn, góp phần gia tăng giá trị kinh tế, nguồn thu cho đất nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng khởi nghiệp của phụ nữ, từ năm 2018, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã trở thành một kênh uy tín, giới thiệu các sản phẩm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo đến đông đảo người tiêu dùng, tạo sân chơi lành mạnh để các nữ doanh nhân được sáng tạo, cống hiến. Bà Nguyễn Thị Hảo tự hào: Chưa bao giờ, sự sáng tạo, tận dụng thời cơ của các nữ doanh nhân Thủ đô lại được phát huy mạnh mẽ như hiện nay. Điều này khẳng định chắc chắn một điều, phụ nữ hoàn toàn làm được và ngày càng làm tốt, đồng thời, thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội.
Bà Hảo chia sẻ, những ngày đầu “vận động” chị em dám nghĩ, dám làm để khởi nghiệp, làm giàu, nhiều phụ nữ còn mặc cảm, tự ti, e ngại và cho rằng “đó là giấc mơ xa vời”. Bởi khi phụ nữ khởi nghiệp, họ gặp không ít khó khăn, thử thách, bị trói buộc bởi rào cản xã hội, khả năng tiếp cận tới những nguồn lực, mở rộng quan hệ cho tới việc cân bằng giữa công việc và vai trò làm vợ, làm mẹ. So với nam giới, phụ nữ khởi nghiệp phải nỗ lực gấp ba, bốn lần và cần gia đình tạo điều kiện, động viên, khích lệ để họ tự tin với chính mình.
Qua 4 năm, Trung tâm đã giúp đỡ hơn 2.000 phụ nữ khởi sự thành công. Nhiều chị em mở rộng cơ sở sản xuất, thị trường tiêu thụ, sản xuất kinh doanh có quy mô cao. Có nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường quốc tế…
Trước tình hình của dịch bệnh Covid-19, năm 2021, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ đã khuyến khích các nữ chủ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh. Trung tâm đã mở nhiều khoá đào tạo trang bị kiến thức và kỹ năng số cho nữ chủ doanh nghiệp trong quản lý và mở rộng kinh doanh. Năm 2021, Trung tâm đã triển khai diễn đàn “Phụ nữ làm được – Women can do” nhằm tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực, ứng dụng chuyển đổi số, tiếp cận thương mại điện tử, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm của các nữ chủ doanh nghiệp đã thành công và mới khởi nghiệp… Tại diễn đàn, các buổi toạ đàm chia sẻ về chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, kỹ năng quản lý và sắp xếp, xây dựng hạnh phúc gia đình… cũng được tổ chức để chị em hoàn thiện bản thân, tự tin, mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Đây còn là nơi tôn vinh những tấm gương về làm kinh tế, thiện nguyện, tham gia hoạt động xã hội, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Một hoạt động được thực hiện thường xuyên trong khuôn khổ diễn đàn là “Sản phẩm tốt mỗi ngày”. Tại đây các chị em có thể giới thiệu sản phẩm của mình bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến đến người tiêu dùng. Các chị em khởi nghiệp còn được đào tạo tập huấn để xây dựng sản phẩm có thương hiệu, tự tin, tự chủ trong cuộc sống và kinh doanh…
“Phụ nữ khởi nghiệp có những thuận lợi riêng, nhưng sự tinh tế của người phụ nữ giúp họ phát triển những dòng sản phẩm đi từ cảm xúc của khách hàng. Nếu cho họ một điểm tựa, họ sẽ phát huy và cống hiến hết mình cho gia đình và xã hội. Chúng tôi mong muốn, qua việc tôn vinh các ý tưởng, đề tài sáng tạo khởi nghiệp, các nữ doanh nghiệp và mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ sẽ tháo gỡ được khó khăn trong quá trình xúc tiến thương mại, phát triển kinh doanh và hội nhập, thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã, đang được cả nước quan tâm” - bà Nguyễn Thị Hảo bày tỏ.

10 dự án vào vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm sáng tạo năm 2021”

1. Cao thảo mộc gội đầu Út em (thôn Và, Tốt Động, Chương Mỹ), chủ hộ kinh doanh: Hà Thị Mến.

2. Chuối sấy dẻo (HTX Nông nghiệp Thuần Mỹ, Ba Vì), Giám đốc: Nguyễn Thị Nụ.

3. Đậu phụ Quê mình (Công ty cổ phần Organic Green Nut, quận Bắc Từ Liêm), Giám đốc: Đỗ Thị Ngọc Trâm.

4. Trà MD QUEEN (Công ty cổ phần MD Queens, quận Cầu Giấy), Giám đốc: Trịnh Kim Thư.

5. Mật ong lên men Mola (Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Moris, huyện Thanh Oai), Giám đốc: Trần Thị Hường.

6. Nước trái cây Thủy Tâm Mộc (Công ty TNHH Thủy Tâm Mộc, quận Long Biên), Giám đốc: Phạm Thu Trang.

7. Trồng rau OCOP công nghệ cao (HTX Ba Chữ, xã Vân Nội, huyện Đông Anh), Giám đốc: Nguyễn Thị Huyền.

8. Hoa khô Xavin làm từ bẹ ngô, chuối bảo vệ môi trường (Công ty cổ phần hoa khô Xavin toàn cầu quận Bắc Từ Liêm), Giám đốc: Nguyễn Trang Phương.

9. Thực phẩm Sạch Từ Tâm (Công ty cổ phần thương mại chế biến thực phẩm Sạch Từ Tâm, quận Thanh Xuân), Tổng Giám đốc: Đinh Thị Hải Yến.

10. App Giáo dục trực tuyến Amostudy (Công ty Amostudy, quận Đống Đa), Tổng Giám đốc: Nguyễn Thị Phan Thu.

 HỒNG NHUNG - QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục