Không nhồi nhét phiếu khảo sát, đánh giá khi học sinh trở lại trường

Chia sẻ

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi đề cập đến nội dung hướng dẫn các đơn vị bổ sung, củng cố kiến thức khi các cháu quay trở lại trường, và đánh giá chất lượng học trực tuyến của các học sinh hiện nay.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trong ngày 11/11, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đặt câu hỏi: "Theo báo cáo của Bộ trưởng, có 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức trực tuyến. Số lượng máy tính huy động mới chỉ đáp ứng 46,1% tổng nhu cầu hỗ trợ của học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng cho biết một, việc học trực tuyến của 53,9% học sinh hoàn cảnh khó khăn còn lại như thế nào? Hai, Bộ trưởng đánh giá chất lượng học trực tuyến như thế nào, nhất là đối với học sinh cấp tiểu học khối lớp đầu cấp? Giải pháp củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh sau thời gian học trực tuyến".

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đặt câu hỏi chất vấn.Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tú, Bộ trưởng Dũng cho biết: Hiện nay, việc chuyển sang dạy học trực tuyến có thể nói không phải chỉ riêng có ở Việt Nam, đây là một việc mà cả thế giới phải làm. Đối với Việt Nam chúng ta đã có kinh nghiệm chuẩn bị trong đợt dịch trước và việc dạy trực tuyến cũng đã có từ các năm 2019-2020 và với tư cách là một hình thức bổ trợ thì đã có từ lâu.

Nhưng bước vào năm 2021 thì quy mô, tính chất thời gian là chưa từng có kinh nghiệm và tiền lệ và phải nói nhiều nước phát triển khi chuyển sang dạy học trực tuyến toàn thời gian cũng không tránh khỏi những thách thức. Đối với chúng ta, ngành giáo dục, thầy và trò ứng phó với dịch bệnh chuyển sang dạy trực tuyến trong những điều kiện mà cả nước còn hết sức khó khăn. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã rất quan tâm đến chuyển đổi số quốc gia, đến phát triển hạ tầng công nghệ, nhưng mức độ của chúng ta còn có những khó khăn.

Theo thống kê, không phải là 1,5 triệu cháu không có trang thiết bị học tập mà là 1 triệu 867 học sinh hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có được điện thoại thì trong những hoàn cảnh nào đó cũng là tốt, có gia đình 2-3 anh chị em mới có một điện thoại để học. Đây là một việc bất đắc dĩ để ứng phó, cho nên ở nhiều nơi chúng ta trước khi quan tâm đến chất lượng thì một trong vấn đề rất nóng cũng mong các đồng chí lãnh đạo các địa phương rất chia sẻ quan tâm, đó là làm thế nào để các cháu không có thiết bị gì trong tay, một phần các cháu đang dần dần bỏ học vì không học được.

Đó còn là vấn đề cấp bách hơn trước khi chúng ta đánh giá xem các cháu học được gì. Một số nơi thì việc học còn ở mức độ để duy trì cảm giác về học tập, việc đón nhận tư duy trong học tập và được phần nào thì tốt phần đấy, đây là một thực tế. Nhưng cũng có một điều đáng mừng là ở những vùng khó khăn hàng đầu ở khu vực Tây Bắc, các tỉnh miền núi phía Bắc thời gian vừa qua lại được học trực tiếp nhiều.

Trong số hơn 20 tỉnh, thành đang học trực tuyến thì khu vực miền núi và trung du phía Bắc, các vùng địa hình chia cắt, rừng núi, khó khăn bậc nhất lại đang học trực tiếp. Để đánh giá được chất lượng, có hai thứ đánh giá, đánh giá việc triển khai dạy trực tuyến như thế nào, thực thi công việc ra sao, thứ hai là đánh giá chất lượng và hiệu quả việc dạy trực tuyến như thế nào.

Việc đánh giá việc thực thi thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có theo dõi thường xuyên hằng ngày xem diễn biến của các đơn vị, xem việc dạy đến đâu, tình hình giáo viên dạy như thế nào, tương tác ra sao, việc này được theo dõi thường xuyên, khó khăn như thế nào, chúng tôi cũng đang tổ chức hỗ trợ về máy tính và các thiết bị học tập. Toàn ngành trong thời gian vừa qua đã huy động và hỗ trợ được trên 140.000, các địa phương cũng rất chủ động.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Trong tháng 11 khoảng trên 50.000 máy tính sẽ được chuyển phân phối đến các nơi và các công việc sẽ còn tiếp tục nữa. Thế nhưng để đánh giá được kết quả mức độ đạt được của dạy học trực tuyến, chúng tôi cũng có sơ bộ đánh giá nhưng đánh giá được đầy đủ cần phải có một điều tra và khảo sát.

Khi các cháu quay lại trường phải có kiểm tra, đánh giá, lúc đấy chúng ta mới biết được một cách đầy đủ, nhưng chắc chắn việc học trực tuyến là có những thách thức và có những ảnh hưởng đến chất lượng. Chúng ta không thể nói là chuyển sang học trực tuyến mà vẫn hoàn toàn chất lượng như là học trực tiếp thì điều đó hết sức khó.

Trong Công văn 4808 Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị bổ sung, củng cố kiến thức khi các cháu quay lại trường. Chúng tôi có yêu cầu nhà trường khi học sinh quay trở lại trường, việc đầu tiên đừng lôi các em ra đánh giá xem được gì trong đầu ngay, đừng căng thẳng quá, mà đầu tiên phải cho các em làm quen lại với trường học. Học cách phòng tự phòng, chống dịch cho bản thân, làm quen lại với môi trường. Sau đó lấy lại tinh thần, tâm lý thư thái, rồi sau đó hãy bắt đầu, chứ đừng nhồi nhét ngay và không quẳng ngay vào trong tay các em, các loại phiếu khảo sát, các loại đánh giá.

Việc đó về phương diện chuyên môn của giáo dục là chưa phù hợp. Cho nên cân đong đo đếm xem mức độ của kiến thức đạt đến đâu, công việc còn tiếp tục, mọi chuyện vẫn diễn ra đang ở phía trước. Cho nên chúng tôi cũng sẽ tiếp tục có khảo sát.

Về giải pháp củng cố chất lượng trong nhóm học sinh sẽ quay trở lại trường như tôi vừa nói là căn cứ vào các nội dung chương trình cốt lõi thì nhà trường sẽ củng cố kiến thức dựa theo cốt lõi đó sẽ mở rộng. Khi học sinh đã quay trở lại trường học trực tiếp thì cũng không bỏ việc học các bài giảng trên truyền hình và công cụ dạy học trực tuyến nếu đã có. Tránh tình trạng cực đoan đến lớp rồi thì bỏ hết, phải dùng những cái đó làm công cụ hỗ trợ.

Khi các em quay lại trường học, các giáo viên có trách nhiệm phải làm các đánh giá để xem các em học sinh trong lớp mức độ đến đâu để phân ra các nhóm tùy theo khả năng của từng em. Trong một lớp khi quay trở lại học tập sẽ không còn là một lớp đồng đều như các lớp học trực tiếp từ đầu trước kia nữa. Có cháu thiết bị tốt, bố mẹ kèm tốt thì có thể tốt hơn, nhưng các cháu thiết bị phập phù, bố mẹ bận rộn quá có thể kém hơn.

Cho nên lúc này việc triển khai các biện pháp hỗ trợ theo nhóm, theo từng em cụ thể, tăng cường các bài vào lúc này, việc triển khai phương pháp dạy học theo hướng cá thể hóa là một phương pháp rất phù hợp cho các lớp có nhiều trình độ. Như vậy, cần một giải pháp rất tổng thể về phương diện chuyên môn, hỗ trợ về chuyên môn, về phương diện tăng cường trang thiết bị, về phương diện tư vấn tâm lý, hỗ trợ cần một giải pháp tổng thể.

Nhưng trong đó, Bộ Giáo dục đặc biệt lưu ý đến sự hỗ trợ của giáo viên cho các em có sự chênh lệch về kiến thức và kỹ năng sau một thời gian dài học trực tuyến.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.