Trợ giúp kỹ thuật, giúp nông dân gia tăng giá trị sản xuất
(PNTĐ) - Để hỗ trợ bà con nông dân khôi phục sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tích cực tăng cường liên kết với các đơn vị đến tận cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao kỹ thuật sản xuất, canh tác, giúp bà con gia tăng giá trị sản xuất.
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, thời gian vừa qua dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động từ thời tiết, thiên tai và dịch bệnh nhưng với mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập, cùng với sự chủ động, linh hoạt, ngành nông nghiệp Thủ đô đã duy trì tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực.
Hiện nay, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 22.661 tỷ đồng, tăng 2,94% so cùng kỳ năm 2023, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp là 20.945 tỷ đồng, tăng 2,92%; thủy sản đạt 1.677 tỷ đồng, tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng diện tích rau an toàn, rau hữu cơ của Hà Nội ngày một tăng, không chỉ cung ứng cho thị trường Hà Nội mà còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Các vùng nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, an toàn và ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là 22,6 nghìn héc ta, tăng 2,5% và sản lượng thủy sản trong nửa đầu năm 2024 đạt 10,9 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Vào cuối tháng 7 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn Hà Nội có mưa lớn, gây ngập úng ở một số địa phương đã làm hơn 1.169ha lúa, 407ha thủy sản bị ngập; 243ha ngô, rau màu các loại bị hư hại. Từ nay đến cuối năm 2024, nguy cơ bị ngập úng trên địa bàn thành phố vẫn còn hiện hữu, đồng thời biến động về thị trường cũng tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn quyết tâm phấn đấu tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra (hơn 3%). Đối với phần diện tích nguy cơ úng ngập cao sẽ lựa chọn những giống rau màu ngắn ngày gieo trồng, chủ động luân canh xen kẽ, bám sát những dự báo về thời tiết, khí hậu và dịch bệnh.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu đề ra, năm 2024 ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đồng thời phối hợp với các địa phương thống kê và có giải pháp khôi phục diện tích lúa, rau màu, thủy sản bị ảnh hưởng. Ngành nông nghiệp cũng chủ động, linh hoạt ứng phó với mọi diễn biến về khí hậu, thị trường và thường xuyên nghiên cứu, phân tích thị trường, từ đó định hướng sản xuất bám sát nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt là nâng cao kỹ thuật sản xuất, canh tác cho bà con nông dân các địa phương, ngành nông nghiệp Thủ đô tăng cường liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ... Nhất là hướng dẫn nông dân xây dựng phương án sản xuất, kết nối nông dân với các nhà khoa học và doanh nghiệp là yếu tố hết sức cần thiết.
Vì vậy, Sở NN&PTNT đã phối hợp với huyện Gia Lâm tổ chức diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông, nhằm đáp ứng nhu cầu của người nông dân được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và nhu cầu được giải đáp những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là các thông tin về cơ chế chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nỗ lực nâng cao kỹ thuật, gia tăng giá trị
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học thông tin, tỷ trọng ngành nông nghiệp của Gia Lâm vào cuối năm 2023 là 6,79% và ước năm 2024 là 6,05 % tổng giá trị sản xuất, huyện luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ thường xuyên, cần chú trọng, quan tâm đầu tư.
Điều đáng nói là trình độ lao động nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện chưa cao, các biện pháp thâm canh mang tính truyền thống là chính, chưa ứng dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định, chưa gắn được sản xuất đi đôi với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Cho nên, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học ứng dụng vào sản xuất.
Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông ngày được mở ra chính là diễn đàn nhằm liên kết một cách có hiệu quả nhất giữa hộ nông dân với nhà khoa học, nhà quản lý, nhằm trao đổi thông tin, giao lưu, học tập các kiến thức khoa học hết sức bổ ích về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Bên cạnh đó, là các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp và giải đáp khó khăn, vướng mắc mà nông dân đang gặp phải và trang bị nông dân thêm kiến thức, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống. Đồng thời chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lại sản xuất khoa học hơn, quy mô lớn hơn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, phát triển nông nghiệp bền vững.
Giám đốc hợp tác xã rau an toàn Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết: Xã Văn Đức có hơn 200 ha rau. Từ nhiều năm nay, để đẩy mạnh phát triển sản xuất, địa phương đã thực hiện việc ứng dụng công nghệ trong đăng ký QRcode tích hợp với thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, như: Quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói... Nhờ đó, tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Hiện nay, HTX không chỉ cung cấp rau củ quả cho người dân Thủ đô, còn có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước Châu Á khác. Điều này chứng minh cho thấy hiệu quả của việc nâng cao kiến thức, cập nhật khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.
Với tiến trình huyện Gia Lâm trở thành quận, trong thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tập trung phấn đấu đạt mục tiêu phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hoá có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
“Gia Lâm cũng luôn xác định phát triển nông nghiệp nông thôn dựa trên tiềm năng lợi thế của huyện, gắn kết chặt chẽ phát triển công nghiệp, nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh” - ông Trương Văn Học chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức đều đặn các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật sử dụng máy cơ giới nông nghiệp cho hàng trăm thợ máy, chủ máy trên địa bàn. Trung tâm đã xây dựng và triển khai các mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; tích cực thẩm định, giải ngân cho các hộ vay vốn Quỹ Khuyến nông để mua máy và các trang thiết bị cơ giới nhằm nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm đa dạng có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngành khuyến nông Thủ đô cũng phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, máy cơ giới nông nghiệp nhằm hỗ trợ người dân và địa phương nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất…
Quỹ Khuyến nông thành phố đã hỗ trợ cho vay cơ giới hóa với mức cho vay tối đa 100% giá trị sản phẩm và hỗ trợ 100% phí quản lý trong 3 năm cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Thực tế triển khai cho thấy, các phương án cho vay cơ giới hóa đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp đều hoạt động tốt, hiệu quả cao; giúp nông dân giảm công lao động, chi phí sản xuất, tăng thu nhập và đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ; góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
“Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội”.