Phát triển khuyến nông đô thị kiến tạo không gian xanh cho Thủ đô
(PNTĐ) - Trong khi quy luật đô thị hóa đang ngày một phát triển, thì nông nghiệp đô thị cũng giữ vai trò quan trọng, vừa cung cấp thực phẩm tại chỗ vừa kiến tạo cảnh quan, không gian môi trường sinh thái cho đô thị. Các chương trình khuyến nông đô thị cùng với lối sống xanh của nhiều người dân Hà Nội đang thúc đẩy kiến tạo không gian xanh, môi trường sạch, trong lành cho Thủ đô.
Xu hướng của khuyến nông đô thị
Nông nghiệp đô thị nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng hiện vẫn chủ yếu là ven đô. Năm 2022, cả nước đã có 883 đô thị (3 loại), tỷ lệ đô thị hóa 41%, tỷ lệ thị dân 51%. Dự báo đến năm 2030, có 50 triệu người sống ở đô thị, tỷ lệ đô thị hóa sẽ chiếm 50%. Điều đó cho thấy, đô thị hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa là 3 quá trình có tính quy luật phát triển. Hiện nước ta cũng đang được xếp tốp hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản và du lịch (50 tỷ USD và trên 20 triệu người đến du lịch).
Theo nhận định của ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nông nghiệp đô thị là một xu hướng mới, là ngành kinh tế tổng hợp của đô thị và vùng ven đô thị, những sản phẩm của nông nghiệp đô thị không chỉ cung cấp lương thực thực phẩm mà còn tạo ra không gian xanh, đô thị trong lành, giảm tiếng ồn và hiệu ứng nhà kính, đồng thời tạo cảnh quan, kiến trúc môi trường, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình khuyến nông đô thị 20 năm qua, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị quốc gia cho biết: 20 năm thực hiện hoạt động khuyến nông đô thị, các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng năm được bổ sung hoàn thiện phù hợp với xu hướng phát triển chung và của địa phương. Nhiều chính sách, cơ chế mới phù hợp đã giúp hoạt động khuyến nông nói chung, khuyến nông đô thị nói riêng hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Các mô hình tiêu biểu về khuyến nông đô thị tại Hà Nội như: Sản xuất rau theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm tại trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất); mô hình hình trồng rau hữu cơ trong nhà màng nhà lưới của hợp tác xã Rau hữu cơ Quý Cuối (huyện Đan Phượng) với cách trồng rau củ quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã dễ dàng cho thu nhập tới cả tỷ đồng/ha.
Một điểm đến được biết đến như một địa phương tiên phong trong xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp đạt hiệu quả ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Ở đây, nông thôn được quy hoạch với đầy đủ công năng để phát triển du lịch trải nghiệm ở nông thôn như: bãi đỗ xe, đường hoa, trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các mô hình nông nghiệp đặc trưng, tạo sự phong phú, đa dạng trong tổng thể phát triển điểm du lịch nông thôn.
Các mô hình này nhiều năm nay đều là điểm đến để các thành viên Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị quốc gia đến tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Từ các hội thảo chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm, học tập và mô hình nông nghiệp đô thị đã được nhân rộng về các địa phương.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân huyện Thường Tín khẳng định: Để mô hình nông nghiệp đô thị ở Hồng Vân có được thành quả như hôm nay phải kể đến là nhờ hoạt động khuyến nông đô thị của thành phố. Từ việc tham dự nhiều hội thảo, chương trình học tập mô hình nông nghiệp đô thị sinh thái gắn với du lịch tại tỉnh Quảng Nam, thành phố đưa triển khai tại xã Hồng Vân và đã được người dân đồng tình đón nhận và thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: Những mô hình mà Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện cần được nhân rộng bởi lợi ích được chứng minh. Các mô hình này không chỉ cho sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao, được thị trường đón nhận mà còn mở ra hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Kiến tạo cảnh quan kiến trúc không gian đô thị đáng sống
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Chủ nhiệm nông nghiệp đô thị cho hay: Cùng với những kết quả đạt được, việc xây dựng phát triển khuyến nông đô thị vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, công nghệ cao. Với tốc đô thị trong cả nước đang rất nhanh, diện tích nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại, đang đặt ra nhiều mục tiêu mới cho chương trình khuyến nông đô thị. Theo đó việc phát triển nông nghiệp đô thị không đơn thuần là nâng cao giá trị trên một héc ta canh tác mà tạo ra sự phát triển cân bằng và bền vững, kết nối không gian đô thị và nông thôn, giá trị truyền thống và hiện đại.
Khẳng định rằng: “Nông nghiệp đô thị còn là một quá trình thay đổi từ nhận thức đến hành động về phương thức, điều kiện và phạm vi không gian tổ chức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại”, bà Hương cho rằng, việc phát triển nông nghiệp đô thị còn thúc đẩy lối sống hòa đồng của con người với thiên nhiên. Do đó trong thời gian tới, các mô hình khuyến nông của Hà Nội cũng sẽ được quan tâm và định hướng theo những mục tiêu trên. Đồng thời, cần thiết phải có chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị trong tổng thể chiến lược quốc gia về phát triển bền vững để đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm an toàn, đồng thời phải gắn với nhiệm vụ cải thiện môi trường sống trong lành, kiến tạo cảnh quan kiến trúc không gian đô thị thông minh, đáng sống cho hiện tại và tương lai.
Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nông nghiệp đô thị phải được định hình là một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm an toàn tại chỗ, mà còn kết nối các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đồng thời, nông nghiệp đô thị còn phải hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp thông minh tích hợp các công nghệ cao, cho năng suất cây trồng vật nuôi vượt trội, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, an toàn cho sức khỏe con người, thân thiện môi trường.