Lưu ý gì khi lựa chọn thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn gia đình?
(PNTĐ) - Nhu cầu năng lượng của mỗi người khác nhau nên để lựa chọn thực phẩm cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình là điều không dễ. Để đảm bảo được yếu tố vui, khoẻ, hạnh phúc thì mỗi gia đình cần nắm được những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng.
Ngày càng nhiều người mất cân bằng dinh dưỡng
Ngày 24/12/2024, trong buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình”, TS.BS Chu Thị Tuyết – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: Trước khi phải đến bệnh viện, chúng ta phải quản lý một chế độ ăn uống tốt, phải xem tỷ lệ khẩu phần ăn nhất định. Khi quản lý bệnh, chúng ta phải ăn bao nhiêu gạo, bao nhiêu thịt, bao nhiêu rau, nhưng nhiều khi thấy ngon miệng lại ăn thêm một củ khoai thì sẽ thừa năng lượng. Nhu cầu năng lượng của mỗi người khác nhau. Đối với người thấp bé, nhu cầu năng lượng khác người to béo, người vận động nhiều nhu cầu năng lượng cao hơn người vận động ít.
Chúng ta ăn thừa năng lượng sẽ không chuyển hóa hết vào cơ thể. Muốn một cơ thể khỏe mạnh cần có sự cân bằng năng lượng đưa vào với năng lượng tiêu hao. Nếu ăn quá nhu cầu sẽ mắc một số bệnh chuyển hóa như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp. Vì vậy cần đưa đúng mức độ của từng con người, lứa tuổi, từng sự vận động của mỗi người. Một chế độ dinh dưỡng tốt cần ăn uống hợp lý, phù hợp với con người.
TS.BS Chu Thị Tuyết – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình”.
Ngoài ra, chất đưa vào cơ thể không chỉ có đạm, thịt, cá mà cần chú ý chất xơ. Chất xơ là môi trường nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột, vi khuẩn có lợi, kiểm soát đường huyết, điều chỉnh được mỡ máu… Đối với người không có bệnh lý kèm theo cần 400g rau trong một ngày, đối với người có bệnh đái tháo đường, mỡ mau cần 500-600 g rau/ngày.
“Vấn đề dinh dưỡng mất cân bằng gặp nhiều, nhất là trong các phòng tập gym, nhiều bạn trẻ bị mắc suy thận. Khi thăm khám thấy lượng protein đưa vào cơ thể quá nhiều. Những trường hợp bệnh nhân rối loạn đường huyết do chế độ ăn uống không đúng. Ví dụ như ăn theo khẩu phần nhưng lại thấy ngon miệng thểm củ khoai, không bổ sung rau, hoa quả nên thiếu các vitamin, đặc biệt vitamin B1. Nếu chúng ta không bổ sung đủ chất như thì tóc dễ gẫy rụng, vết thương loét lâu lành. Quan trọng nhất chế độ dinh dưỡng hợp lý hàng ngày”, TS.BS Chu Thị Tuyết chia sẻ.
Dưới góc độ Đông y, BS Đỗ Nam Khánh - Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam cho biết, con người cần ăn uống cân bằng dinh dưỡng để phòng các loại bệnh. Cân bằng ở đây nghĩa là cân bằng giữa số lượng và chất lượng; giữa ngũ cốc (lương thực), ngũ súc (thị cá), cân bằng về ngũ thái (các loại rau), cân bằng về ngũ quả (các loại quả), cân bằng về tính hàn nhiệt (âm dương)… Tuy nhiên, Đông y không định lượng cụ thể bao nhiêu gam.
Không nên ăn kiêng, hãy ăn theo nhu cầu dinh dưỡng
Hiện nay, xu thế ăn kiêng cũng được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên TS.BS Chu Thị Tuyết cho biết, việc ăn kiêng sẽ phải giảm rất nhiều thành phần. Mà chúng ta muốn cơ thể tồn tại, duy trì các hoạt động sống thì phải cần đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Nếu muốn giữ cân nặng hoặc giảm cân thì phải đảm bảo không bị rối loạn chuyển hóa.
TS.BS Chu Thị Tuyết cho hay: “Tôi không khuyên bệnh nhân theo chế độ ăn kiêng. Có nhiều trường hợp đến chúng tôi nói muốn giảm cân mà chỉ ăn đạm, không ăn tinh bột. Tôi cũng chia sẻ nếu ăn lượng đạm quá nhiều sẽ quá tải cho cầu thận, dẫn tới suy thận. Vậy, muốn giảm chất bột đường thì phải ăn chất béo, tăng đạm dẫn tới mất cân đối. Vậy nên, các chế độ ăn thấp chất bột đường thì các chị không nên làm theo. Nếu muốn giảm cân, chị em nên có các hoạt động thể chất phù hợp với sức khỏe”.
Như với người tiểu đường type 2 thường xảy ra với người cao tuổi và béo phì thường dùng tới 12, 13 loại thuốc, vòng bụng to, cân nặng thừa. Vì thuốc đào thải qua gan thận, mà lượng thuốc nhiều như thế rất nguy hiểm. Nên tỷ lệ các chất đưa vào cũng rất quan trọng, 50-60% tổng năng lượng là gluxit. Phải tìm hiểu xem có rối loạn mỡ máu không để điều chỉnh lượng mỡ đưa vào, đồng thời tăng protein tối đa 20% tổng năng lượng. Tức là giảm bột đường và chất béo, chọn axit béo không no để tốt cho tim mạch, cơ thể hấp thu luôn, cải thiện được mỡ máu. Ngoài kiểm soát bằng thuốc, việc lựa chọn thực phẩm cũng rất quan trọng. Hạn chế ăn thịt mỡ, đưa thêm lượng chất xơ vào cơ thể, chúng tôi yêu cầu bổ sung cả chất xơ hòa tan.
Còn đối với nhân viên văn phòng, việc vận động luôn bị hạn chế bởi công việc nên nhu động ruột sẽ kém. Vì vậy, các bạn ngồi văn phòng cả ngày cần tranh thủ tối về tập thể dục. Nếu muốn giảm 3kg, phải cân bằng nguồn năng lượng đưa vào. Những người làm văn phòng sẽ cần năng lượng ít hơn người lao động chân tay. Đặc biệt người làm văn phòng hay ăn quà vặt hơn nên dư thừa năng lượng dễ tăng cân, thậm chí béo phì. Tôi vừa khám cho một bạn sau sinh 92kg. Vì vậy cần quản lý khẩu phần ăn và có những bài tập thể dục phù hợp.
Nếu chúng ta hay ăn thực phẩm chiên rán, chất béo không tốt sẽ dễ thừa cân. Bạn muốn giảm cân thì chắc chắn phải giảm năng lượng đưa vào. Nếu trước kia đang dùng 3.000 năng lượng/ngày thì giảm dần từ từ tới ngưỡng mà mình chịu đựng được, rồi giảm xuống 1.300-1.400, không được giảm đột ngột. Mỗi ngày giảm một chút việc ăn vặt. Nhưng dù cách nào cũng phải kiên trì tập luyện thể dục phù hợp với mình. Bạn thường xuyên táo bón thì cần xem lại lượng rau và lượng nước đã cung cấp đủ cho cơ thể chưa. Vì người làm văn phòng thường ngại đứng dậy uống nước dẫn đến thiếu nước, hay táo bón. Nếu những phương pháp tăng rau, tăng uống nước, tập thể dục đều đặn không cải thiện được tình trạng táo bón thì bạn cần nội soi kiểm tra hệ tiêu hóa.