​Kiên quyết di dời toàn bộ người dân khỏi khu vực nguy hiểm với phương châm “không bỏ sót bất cứ ai”

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị quận Ba Đình phân công cụ thể công việc phòng, chống mưa lũ theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm ở mức cao nhất tính mạng, tài sản của nhân dân và giữ ổn định an ninh trật tự trên địa bàn trong mọi tình huống.

Chiều 10/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp xuống địa bàn, kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại quận Ba Đình.

Sau khi nghe báo cáo nhanh của UBND phường Phúc Xá, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã thị sát tại số 117 An Xá, ngõ 127 Phúc Xá. Đây là hai địa điểm có vị trí thấp nhất của quận Ba Đình.

Báo cáo nhanh của UBND phường Phúc Xá cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố và quận Ba Đình, UBND phường đã xây dựng hai phương án ứng phó với mưa lũ theo cấp độ cảnh báo.

Với cấp độ 1, khi có khả năng xảy ra lũ, mực nước trong sông, suối dâng cao, bắt đầu gây ngập ở các vùng đất thấp và đe dọa các phần bờ cao, sẽ có 155 người phải di dời (144 người thuộc xóm trọ và 9 người tại bãi giữa sông).

Với cấp độ 2, khi tình trạng lũ nguy hiểm, được phản ánh thông qua mực nước trong sông, suối tiếp tục dâng cao, gây ngập lụt tại những vùng bằng phẳng, tốc độ dòng chảy trong sông lớn gây nguy hiểm cho bờ sông và làm xói lở đê; chân cầu có nguy cơ bị nguy hiểm do xói lở, dự kiến sẽ có 2.186 hộ (6.785 nhân khẩu) phải di dời.

Trường hợp cấp độ 3, khi tình trạng lũ rất nguy hiểm, được phản ánh thông qua mực nước trong sông, suối đã dâng lên rất cao, tất cả các vùng đất thấp đều đã bị ngập, kể cả những vùng đất thấp nằm trong thành phố; sự an toàn của các đê bảo vệ ven sông đang bị đe dọa; bắt đầu có sự thiệt hại về cơ sở hạ tầng, toàn địa bàn phường Phúc Xá có 23.000 dân sẽ phải di dời. Phương án dự kiến 16.200 người về quê hoặc nhà người thân; 6.000 người ở lại trông nhà; 800 người cần tạm trú.

Để ứng phó với tình huống lũ ở cấp độ 1, từ tối 9/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường Phúc Xá đã tổ chức ứng trực và thực hiện công tác kiểm tra tại các địa bàn bãi giữa sông Hồng và khu vực xóm trọ thuộc tổ 3, cụm 2. 

​Kiên quyết di dời toàn bộ người dân khỏi khu vực nguy hiểm với phương châm “không bỏ sót bất cứ ai” - ảnh 1
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thị sát công tác ứng phó với mưa lũ. Ảnh: Quang Thái

Trước khi cơn bão số 3 đổ vào Hà Nội, Ban Chỉ huy phường đã triển khai công tác tuyên truyền, cảnh báo, yêu cầu người dân đang canh tác tại khu vực bãi giữa sông Hồng và sinh sống ở khu vực bờ sông chủ động di dời người và tài sản lên bờ để bảo đảm an toàn.

Đến tối 9/9, đoàn kiểm tra và phát hiện, di dời 4 hộ (9 người) khỏi bãi giữa trong đêm (trong đó, có 3 hộ có nhà ở Phúc Xá, 1 hộ ở quận Long Biên); tiếp đó di dời thêm 191 người đang sinh sống tại các phòng trọ.

​Kiên quyết di dời toàn bộ người dân khỏi khu vực nguy hiểm với phương châm “không bỏ sót bất cứ ai” - ảnh 2
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình). Ảnh: Quang Thái

Hiện, UBND phường đang tập trung tuyên truyền nội dung cảnh báo cấp độ 2; yêu cầu các hộ dân chuẩn bị di dời đến nơi tạm trú tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, số 67 Phó Đức Chính, quận Ba Đình.

Đồng thời, phường Phúc Xá cũng chuẩn bị điểm tập trung người dân tại Trường Trung cấp Kinh tế (102 phố Tân Ấp).

Công tác bảo đảm hậu cần, chuẩn bị suất ăn cho người tạm cư do Ủy ban MTTQ Việt Nam quận và các đoàn thể đảm nhận.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cũng đề xuất, hiện tại trên địa bàn phường Phúc Xá, tại khu vực bờ vở sông Hồng có 276 hộ dân xây dựng nhà ở trái phép tồn tại nhiều năm nay. Bên cạnh việc kiên quyết vận động các hộ di dời khỏi khu vực nguy hiểm, quận Ba Đình cũng kiến nghị thành phố có phương án khơi thông dòng chảy của sông Hồng, đoạn đi qua phường Phúc Tân, tránh tình trạng gỗ, rác trên sông tập trung tại khu vực này.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền quận Ba Đình trong việc triển khai công tác ứng phó với bão số 3. Qua đó đã giảm thiểu mức độ thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn quận Ba Đình.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đánh giá cao quận Ba Đình và phường Phúc Xá đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó trước tình hình nước lũ trên sông Hồng tăng nhanh, dự kiến gây úng ngập tại một số địa bàn dân cư của phường Phúc Xá.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, mực nước lũ trên sông Hồng đã vượt mức báo động 1, sự cố sập cầu Phong Châu xảy ra mới đây cũng là một tình huống khẩn cấp không thể chủ quan. Bởi các cây cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn Thủ đô như cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Thăng Long đều được xây dựng nhiều năm trước. Chính vì vậy, việc xây dựng các phương án ứng phó để bảo đảm an toàn cho nhân dân phải đặt lên hàng đầu.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, căn cứ vào nội dung kết luận của Thường trực Thành ủy trong cuộc họp sáng 10/9, các cấp ủy Đảng, chính quyền quận Ba Đình cần tập trung toàn bộ nguồn lực để ứng phó với tình huống nước sông Hồng sẽ lên cao mức báo động 2.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các lực lượng chức năng quận Ba Đình và phường Phúc Xá đẩy mạnh tuyên truyền vận động, kiên quyết di dời toàn bộ người dân khỏi khu vực nguy hiểm với phương châm “không bỏ sót bất cứ ai” ở khu vực nguy hiểm theo đúng quan điểm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị, cùng với việc chuẩn bị chu đáo địa điểm sơ tán dân khi nước lũ dâng cao, cần chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân, bởi số lượng dân phải sơ tán khi nước dâng cao mức báo động 2 và 3 là rất lớn.

Nhấn mạnh việc bảo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tài sản, tính mạng cho nhân dân trong tình trạng mưa lũ khẩn cấp hiện nay, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị quận Ba Đình chỉ đạo sát sao, giao lực lượng công an chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị quận Ba Đình phân công cụ thể công việc phòng, chống mưa lũ theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm ở mức cao nhất tính mạng, tài sản của nhân dân và giữ ổn định an ninh trật tự trên địa bàn trong mọi tình huống.

Nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, ngay trong chiều 10/9, quận Ba Đình thành lập Sở Chỉ huy tiền phương, tổ chức các lực lượng sẵn sàng ứng trực 24/24h để ứng phó với tình trạng nước sông Hồng lên mức báo động 2.

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - Bản hùng ca phố”

Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - Bản hùng ca phố”

(PNTĐ) - Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - Bản hùng ca phố” được tổ chức tại khu Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội (19C Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20h10 ngày 10/10/2024 với 3 chương với nội dung về trận địa trong thành phố; 9 năm lòng vẫn hướng về Thủ đô; Bài ca Hà Nội.
Đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội dâng hương, tưởng niệm cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng

Đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội dâng hương, tưởng niệm cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng

(PNTĐ) - Sáng 7/10, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh làm Trưởng đoàn đã dâng hương tưởng niệm cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng tại Nhà lưu niệm đồng chí Trần Duy Hưng (quận Nam Từ Liêm).