Tự hào tôi là người Việt Nam!

Kỳ 4: Dấu ấn Việt Nam ở Ma-rốc

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nằm ở Bắc Phi, Ma-rốc có số kiều bào Việt Nam đang cư trú gần như ít nhất so với cộng đồng người Việt ở các quốc gia khác. Nhưng, cũng chính tại quốc gia này đã ghi nhận nhiều câu chuyện cảm động về dấu ấn Việt Nam, ý thức giữ gìn cội rễ và lan tỏa văn hóa truyền thống dân tộc của các kiều bào.

Kỳ 4: Dấu ấn Việt Nam ở Ma-rốc - ảnh 1
Hình ảnh áo dài tại Ma Rốc (Ảnh: Bà Đặng Thị Thu Hà, đại sứ Việt Nam tại Ma-rốc (thứ 3 từ phải sang), bà Trần Thị Hồng Mây (thứ 2 từ phải sang) cùng các chị em kiều bào.

Nét đẹp phụ nữ Hà Nội ở Châu Phi
Sinh năm 1945 trong một gia đình người Hà Nội, chưa bao giờ, bà Trần Thị Hồng Mây, hiện là Chủ tịch danh dự Hội người Việt Nam tại Ma-rốc lại nghĩ quá nửa cuộc đời sau này, mình sẽ gắn bó với một quốc gia ở tận châu Phi. 

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, khoảng 50 nghìn lính Bắc Phi đã tham chiến ở Việt Nam trong binh đoàn Lê dương của Pháp. Sau đó, nghe theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số binh lính Ma-rốc đã theo Việt Minh để chống lại thực dân Pháp. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Bác Hồ đã chỉ đạo thành lập nông trường Việt Phi tại Ba Vì, Hà Nội, tiếp nhận hơn 300 hàng binh Bắc Phi và hơn 100 công nhân Việt Nam đến làm việc. Người chồng Ma-rốc mà bà Mây kết hôn năm 1965 là một trong số các hàng binh có mặt tại nông trường Việt Phi ngày đó. Năm 1972, bà Mây theo chồng hồi hương về Ma-rốc.

Thời đó, nhiều phụ nữ ở Ma-rốc không đi làm mà ở nhà chăm sóc gia đình. Vợ chồng bà Mây ở tại một xã vùng xa của tỉnh Meknes, nơi điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Người bệnh phải di chuyển một quãng đường xa mới tới được phòng khám. Bà Mây khi còn ở Việt Nam đã được đào tạo về y tá. Vì thế, tại Ma-rốc, bà đã táo bạo mở dịch vụ chăm sóc y tế lưu động. Hằng ngày, trên chiếc xe máy, người phụ nữ Hà Nội này rong ruổi hàng chục km khắp các địa bàn để tiêm, truyền thuốc, chăm sóc y tế cho bệnh nhân và đỡ đẻ cho sản phụ. Sau này, bà mở phòng y tế cố định, người dân ở Meknes lại tìm đến rất đông. 

“Mỗi kiều bào phải là một đại sứ nhân dân của Việt Nam”
Dù có rất ít người Việt sinh sống nhưng các hoạt động giữ gìn bản sắc, quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa Việt vẫn diễn ra bền bỉ tại một quốc gia châu Phi đã góp phần vào sự trường tồn của văn hóa Việt Nam, đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các kiều bào năm 1946: “Mỗi kiều bào phải là một đại sứ nhân dân của Việt Nam”.
 

Tên tuổi của bà lan xa khắp tỉnh Meknes. Người dân Ma-rốc còn gọi bà là “đàn ông Việt Nam” vì cho rằng, phải là nam giới mới mạnh mẽ, năng động như vậy. Phòng khám của bà trở thành địa danh đại diện cho cả khu vực, khách thập phương không cần biết địa chỉ, chỉ cần nói muốn tới phòng khám của bà Mây là các bác tài đều biết.  

Bà Mây chia sẻ: Người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, cần cù nhưng cũng rất nghị lực, tự chủ, mạnh mẽ. Với những phẩm chất này, dù ở đâu, người phụ nữ Việt Nam cũng tự tin làm chủ cuộc sống và còn khẳng định vị thế cả trong gia đình và cộng đồng. 

Làm dâu ở một đất nước đạo Hồi, bà Mây đã tích cực học hỏi để sớm hòa nhập. Bà học cách ăn và nấu các món Ma-rốc, cách sinh hoạt theo văn hóa truyền thống, cách học đạo, hành đạo. Song, bà vẫn giữ những nét đẹp văn hóa cội rễ của dân tộc Việt. 

Kỳ 4: Dấu ấn Việt Nam ở Ma-rốc - ảnh 2
Bà Trần Thị Hồng Mây biểu diễn thơ ca ngợi quê hương Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Ma-rốc

Già nửa cuộc đời sống ở nơi mà chỉ mình bà là người Việt Nam duy nhất, xung quanh không có ai biết tiếng Việt, nhưng bà không để cho tiếng Việt bị mai một. Bà vẫn theo dõi tin tức bằng tiếng Việt, tự nói tiếng Việt với chính mình. Bà nằm lòng nhiều bài hát về Hà Nội, trong đó có những câu hát bà xúc động tận đáy tâm can như: “Những ngày tôi lang thang, tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội… Hà Nội ơi, Hà Nội ơi, khát vọng trong tôi, tình yêu trong tôi! Vẫn mong một ngày trở về, Hà Nội ơi…”. Chỉ cần bước qua cánh cổng nhà bà, là có thể nhận ra chủ nhà là người Việt Nam qua việc bài trí nhà cửa. 

Năm 2005, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Ma-rốc. Nhờ đó, các kiều bào tại Ma-rốc đã có điều kiện cấp, đổi hộ chiếu. Bà nhớ lại, hôm trước được cầm tấm hộ chiếu trong tay thì ngay hôm sau, bà đã đặt vé máy bay về Việt Nam. Cảm giác lần đầu tiên được trở lại quê hương sau hơn 33 năm xa cách đến giờ vẫn khiến bà bồi hồi. Sau đó, cứ hai năm một lần, bà lại về thăm quê hương. Trở về Ma-rốc, trong hành lý của bà, tài sản quý giá nhất luôn là những món đồ mang hình đất nước, mang văn hóa, con người Việt Nam. Bà đã mang hơn 10 bộ áo dài truyền thống Việt Nam sang Ma-rốc để mặc trong các dịp lễ, Tết của hai quốc gia. 

Tại Ma-rốc, để nấu một món ăn truyền thống Việt khá khó do thiếu nguyên liệu, chợ châu Á gần như không có. Nhưng, bà Mây vẫn cố gắng nấu những món Việt không cần sử dụng nhiều gia vị như gà luộc, xôi, thịt kho, nộm… để giới thiệu với các con/cháu, bạn bè Ma-rốc về văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Nhìn vào mẹ, 14 người con cả con đẻ và dâu/rể, 20 cháu nội, ngoại của bà đều có ý thức hướng về Việt Nam. Các cháu của bà rất thích được mặc áo có in hình lá cờ đỏ sao vàng của quê hương Việt Nam và tự hào khoe với mọi người mình là người Ma-rốc gốc Việt.

Tình yêu đất nước dạt dào trong những trái tim Việt Nam 
Cộng đồng người Việt tại Ma-rốc được hình thành chủ yếu từ các gia đình có chồng là hàng binh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, còn vợ là người Việt Nam. Đến nay, theo bà Mây, qua thời gian, chỉ còn khoảng 20 chị em là người Việt sống rải rác trên nhiều tỉnh, trong đó hai tỉnh gần nhất cũng cách nhau khoảng 100km. Nhiều chị tuổi đã cao nên ít có điều kiện gặp gỡ nhau trực tiếp, cũng không rành công nghệ để kết nối qua mạng xã hội. Vì vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc và Hội người Việt Nam tại Ma-rốc đã trở thành cầu nối, tập hợp, nắm bắt tình hình cuộc sống của từng kiều bào để kịp thời kết nối, hỗ trợ, thăm hỏi khi cần. 

Giống như bà Mây, một số chị em phụ nữ Việt lấy chồng Ma-rốc cũng rất nỗ lực tự làm chủ cuộc sống. 

Như bà Nguyễn Thị Nhung, năm nay đã 82 tuổi, ở thành phố Kénitra khi trẻ không chỉ kiếm tiền nuôi gia đình mà còn truyền dạy cho các con nghề nấu ăn để khởi nghiệp. 

Bà Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1946, quê Hà Nội hiện cũng sống tại Kénitra. Bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam thể hiện khi chồng không may mất sớm khi con út mới được vài tháng tuổi, một mình bà trụ lại quê chồng, làm việc kiếm tiền nuôi 2 con học xong đại học. Giờ, các con của bà một người đã thành bác sĩ, một là kỹ sư. Bản thân bà khi về già vẫn chăm chỉ tăng gia. Trong nhà, bà trang trọng treo ảnh Bác Hồ, vẫn giữ nếp thờ cúng tổ tiên, ngoài vườn trồng nhiều loại cây gợi nhớ về Việt Nam. Các con của bà đều đã về thăm quê hương Việt Nam.

Cổng Việt Nam - công trình lưu giữ cội nguồn dân tộc 
Dấu ấn Việt Nam không chỉ thể hiện ở những người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé nhưng yêu nước nồng nàn mà còn được lưu giữ qua những công trình bền vững tại Ma-rốc.

Kỳ 4: Dấu ấn Việt Nam ở Ma-rốc - ảnh 3
Công trình Cổng Việt Nam tại Ma-rốc

Ngày 24/11/2022, tại làng Douar Sfari, ngoại ô thành phố Kénitra, Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc đã khánh thành công trình Cổng Việt Nam. Bà Đặng Thị Thu Hà, Đại sứ Việt Nam tại Ma-rốc cho biết: “Năm 1963, Cổng Ma-rốc tại Việt Nam, một công trình với nét kiến trúc Ma-rốc đã được xây dựng tại Ba Vì, Hà Nội bởi các hàng binh Ma-rốc, những người đã vì chính nghĩa mà cùng nhân dân Việt Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, tại Ma-rốc, Đại sứ quán Việt Nam cùng các gia đình Việt Nam - Ma-rốc lại xây dựng Cổng Việt Nam”.

Cổng Việt Nam được dựng tại Làng Việt Nam do Vua Hassane II (cha của Vua Mohamed VI hiện nay) cấp cho 7 gia đình trong số gần 80 gia đình Ma-rốc có vợ là người Việt Nam sau khi hồi hương về Ma-rốc. Từ 7 gia đình, đến nay các con cháu của các kiều bào đã được sinh ra và lớn lên. Làng Việt Nam đã trở thành nơi tập trung của cộng đồng người Việt mỗi dịp lễ, Tết.

Theo bà Đặng Thị Thu Hà, Cổng Việt Nam được xây dựng theo mô hình cổng làng Việt Nam truyền thống, với các đầu rồng, đầu đao và ngói ta được làm bởi chính các nghệ nhân Việt Nam, các hoa văn chạm khắc trên đá do các thợ thủ công vùng Taza của Ma-rốc thực hiện. Trên cổng có 2 câu đối thể hiện tình cảm của các gia đình Ma-rốc - Việt Nam: “Ơn Ma-rốc quê cha, quyết phấn đấu vươn lên thành đạt; Nhớ Việt Nam đất mẹ, nguyện xây tình hữu nghị thủy chung”. 

Cổng Việt Nam tại làng Việt Nam ở Ma-rốc với những nét kiến trúc mang đậm văn hóa Việt Nam, biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia sẽ là nơi để các thế hệ người Việt Nam luôn nhớ về cội nguồn. 

(Còn nữa)

 

Tin cùng chuyên mục

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

(PNTĐ) - Ngày 20/4, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận xã Kim Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những ghi nhận cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 (đạt chuẩn với 5 lĩnh vực: An ninh trật tự, Văn hóa, Y tế, Du lịch, Chuyển đổi số).
Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.