Kỳ cuối : Giải phóng nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của địa phương

Chia sẻ

Để thực hiện thí điểm xây dựng chính quyền đô thị đòi hỏi phải có các giải pháp, cách thức triển khai được nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện. Từ đó xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Cần đồng bộ khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật

Đến thời điểm này, toàn bộ 175 phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây trên địa bàn TP Hà Nội đã cơ bản thực hiện việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này thể hiện sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, là bước đột phá trong công tác cải cách hành chính của thành phố.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, những điểm mới trong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giải phóng được các nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các địa phương trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, đáp ứng sự hài lòng của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Việc không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) quận, phường thì quyền đại diện của cử tri sẽ được mở rộng thông qua các kênh đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND TP, các tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc... Như vậy quyền đại diện của cử tri được nâng lên một mức cao, tạo điều kiện để chính quyền vận hành tốt hơn.

Tuy nhiên, việc xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị cũng làm phát sinh những khác biệt so với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp triển khai đồng bộ của các cơ quan Trung ương (Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành) trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương và chính quyền đô thị, để có những thay đổi cơ bản, toàn diện, mạnh mẽ, tạo hành lang pháp lý chắc chắn cho chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả.

Hướng dẫn tháo gỡ khó khăn

Để mô hình chính quyền đô thị mang lại hiệu quả, theo bà Phùng Phương Thảo - Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo: Các cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND quận cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận với phường, vừa hướng dẫn chuyên môn cho phường theo hướng phường đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị, vừa trao đổi, bàn bạc để giúp phường tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Ví dụ: Hướng dẫn trong điều hành ngân sách; Trong việc giám sát, quản lý công chức Tư pháp - Hộ tịch ký chứng thực. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm đầu tư về hệ thống công nghệ thông tin, máy móc, trang thiết bị phục vụ nhân dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính, nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin đang triển khai áp dụng để giúp cho điều kiện làm việc, điều kiện quản lý của các phường được tốt hơn.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị phải sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại hoặc bị giải thể sẽ dẫn đến một số cán bộ, công chức phải chuyển đổi công tác hoặc bị dôi dư, từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và chế độ, chính sách đối với số cán bộ, công chức này. Do vậy, đòi hỏi phải triển khai các biện pháp đồng bộ để giải quyết tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức này. Mặt khác, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục đổi mới tư duy, tác phong, phương pháp làm việc; Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, am hiểu pháp luật và xu thế phát triển, hội nhập quốc tế; Tinh thông nghiệp vụ và có năng lực để bắt kịp quá trình phát triển theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng đô thị thông minh và hội nhập quốc tế…

Về cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền đô thị cũng cần được chú trọng. Trong trường hợp thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp huyện, quận, phường, xã thì cần phải xây dựng cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân nhằm góp phần phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của xã hội đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và chính quyền đô thị nói riêng, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với hoạt động của UBND, phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề ở địa phương, thay thế chức năng giám sát do không tổ chức HĐND.

Chính quyền đô thị mới tạo sự thông suốt và thống nhất về mặt quản lý hành chính và công việc hành chính côngChính quyền đô thị mới tạo sự thông suốt và thống nhất về mặt quản lý hành chính và công việc hành chính công (Ảnh: PV)

Chú trọng và tổ chức hiệu quả hội nghị đối thoại với nhân dân

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà cho biết, mô hình tổ chức chính quyền đô thị là mô hình mới, việc triển khai thực hiện sẽ có nhiều thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Để triển khai hiệu quả mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn, quận đã đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền từ quận đến các phường khẩn trương bắt tay ngay vào triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị đúng luật.

Trong đó, đối với HĐND quận phải tăng cường công tác giám sát UBND, Chủ tịch phường trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, thực hiện nghị quyết của HĐND quận. Các tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND quận giám sát UBND phường trong việc thực hiện các nhiệm vụ HĐND, UBND quận giao; Chú trọng định mức phân bổ ngân sách, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng phường đảm bảo đúng quy định, phù hợp với thực tế từng phường. Duy trì và tăng cường sự tham gia của nhân dân trong hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền thông qua dân chủ trực tiếp tại các buổi đối thoại với lãnh đạo UBND quận/phường, các buổi tiếp xúc cử tri.

Đảng ủy các phường phải bảo đảm lãnh đạo toàn diện UBND phường trong triển khai mô hình chính quyền đô thị. UBND phường phải đổi mới cơ chế làm việc, người đứng đầu quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hoạt động của UBND phường phải tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền được giao, đúng quy định của pháp luật và quy chế làm việc; Chú trọng và tổ chức hiệu quả hội nghị đối thoại với nhân dân để nắm và giải quyết tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân.

“Đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ quận đến cơ sở phải tăng cường thực hiện giám sát, phát huy dân chủ cơ sở với quy chế hoạt động rõ ràng; Chú trọng tới các vấn đề an sinh xã hội, vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phản ánh rõ, cụ thể thông qua các hội nghị đối thoại được tổ chức trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận. Cùng đó, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đúng đường lối chính sách, pháp luật và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước” - Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.

Ông Đỗ Duy Long - Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 1, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, cho rằng: Khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị, UBND các phường cần phân định rõ mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, chính quyền phường khác xã. Trong công tác quản lý trật tự đô thị cần có sự phân định rõ ràng, phải nâng cao công tác xử lý vi phạm bên cạnh tuyên truyền, vận động. Các cán bộ được giao nhiệm vụ phải thống nhất về ý chí, hành động, nâng cao trách nhiệm và năng lực chuyên môn. Đối với cấp lãnh đạo, phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe và xử lý kịp thời ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

“Thực hiện chính quyền đô thị đòi hỏi trách nhiệm, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức. Theo tôi cần có phương án điều chỉnh mức lương đối với cán bộ, công chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công việc”- ông Long cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Duy Lương - Tổ phó tổ dân phố số 3, phường Trung Tự, quận Đống Đa, cho rằng: Nhân dân sẽ để ý đến từng việc khi thực hiện chính quyền đô thị mới. Chính vì vậy, đòi hỏi trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức phải được nâng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, khi không còn HĐND phường thì vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với chính quyền cũng cần được nâng cao để đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, thành phố Hà Nội rất quan tâm việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đồng thời đã nghiên cứu kỹ và triển khai nhiều phần việc cần thiết. Nêu một số nội dung cần sớm có hướng dẫn để thuận tiện cho cơ sở trong triển khai thực hiện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề xuất Bộ Nội vụ cùng Thành phố sớm giao biên chế bổ sung cho các quận của Hà Nội; Có quy định khung bộ máy số lượng biên chế các phường; Sớm quy định chế độ công vụ khi chuyển lên công chức quận.

Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Đảng đoàn HĐND thành phố ban hành chính sách liên quan đến việc chuyển tiếp ngân sách, chính sách với cán bộ dôi dư; Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố hướng dẫn cấp cơ sở ở 175 phường đổi mới hoạt động, tăng cường giám sát, phát huy dân chủ ở cơ sở với quy chế hoạt động rõ ràng.

 HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục

Khi thị trường biến động - cơ hội để BSR tăng tốc

Khi thị trường biến động - cơ hội để BSR tăng tốc

(PNTĐ) - Thị trường dầu mỏ thế giới nửa đầu năm 2025 tiếp tục biến động do căng thẳng địa chính trị leo thang, đặc biệt là xung đột vũ trang giữa Iran và Israel khiến nguồn cung bị gián đoạn, chuỗi cung ứng rối loạn và giá dầu Brent biến động mạnh theo chu kỳ ngắn.
Sôi nổi Hội thao Công an Thủ đô năm 2025

Sôi nổi Hội thao Công an Thủ đô năm 2025

(PNTĐ) - Chiều 4/7, Công an thành phố Hà Nội tổ chức bế mạc và trao giải Hội thao Công an Thủ đô năm 2025. Hội thao Công an Thủ đô năm 2025 là hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.