Luật Cư trú sửa đổi: Hết ngày 31/12/2022 mới áp dụng “e là quá muộn”
Thảo luận tại phiên họp ngày 21/10, đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn TP Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật Cư trú thay thế việc quản lý cư trú từ hình thức thủ công bằng giấy sang hiện đại, ứng dụng CNTT là cuộc “cách mạng nhỏ” phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Song thời gian có hiệu lực từ sau 31/12/2022 là quá muộn, không phù hợp với hội nhập quốc tế.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Lan phát biểu thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá rất cao sự đổi mới này vì nó mang lại lợi ích, tiện lợi cho người dân, giúp người dân giảm thiểu các thủ tục hành chính, cũng như việc công chứng, chứng thực, lưu giữ tài liệu nhiều giấy tờ dễ dẫn đến sự thất lạc, bất tiện cho người dân.
Đồng thời, Dự thảo luật cư trú cũng giảm được nhiều các thủ tục hành chính về quy trình, trình tự thủ tục đăng ký cư trú, đã bãi bỏ được một phần hoặc toàn bộ các thủ tục liên quan đến đăng ký thường trú, lưu trú của công dân; rút ngắn thơi gian giải quyết đăng ký tối đa 7 ngày (trước đây là 15 ngày). Đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh: “Tôi cho rằng đây là cuộc cách mạng nhỏ trong việc đổi mới quản lý nơi cư trú, phù hợp với xu thế chuyển đổi số”.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đưa ra ý kiến để hoàn thiện thêm luật cư trú với 2 vấn đề: Thứ nhất, tại điểm b, khoản 2, điều 20, tán thành Báo cáo giải trình của Chính phủ theo phương án 1 với quy định cụ thể đảm bảo điều kiện quy định về về diện tích nhà ở không thấp hơn 8m2 sàn/người, tối thiểu do HĐND cấp tỉnh, thành phố quy định so với quy định. “Tôi cho rằng một trong những điều kiện đăng ký thường trú tại cơ sở cho thuê, ở nhờ, phải đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định”. Đại biểu đã nêu 2 lý do: Thứ nhất diện tích 8m2/người thì đây cũng là mục tiêu và được xác định hoàn thành trong năm 2020 và chiến lược phát triển nhà ở giải quyết trong năm 2020 và tầm nhìn 2030; với mức tối thiểu đảm bảo 8m2/người, đảm bảo điều kiện sống , phù hợp với mức sống đa số của người dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ hai, với cách tiếp cận phân cấp, phân quyền, Quốc hội trao quyền cho các địa phương quy định mức tối thiểu dện tích đăng lý thường trú là hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan bày tỏ băn khoăn với 2 phương án tại Điều thứ 2, Quy định tại khoản 3, Điều 38, Dự thảo luật đưa ra 2 phương án, thứ nhất quy định sổ hộ khẩu, tạm trú vẫn có giá trị và được sử dụng đến hết ngày 31/12/2022 và phương án 2 là sổ hộ khẩu, tạm trú không có giá trị từ khi luật có hệu lực thi hành năm 2021.
Cụ thể, đối với phương án 1 thì cho đến hết ngày 31/12/2022 mới áp dụng theo phương thức đổi mới, “Tôi e là quá muộn. Chúng ta không theo kịp sự hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, sự nhập cuộc của Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự phát triển kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Quốc hội”.
Đối với phương án 2, về Luật quản lý cư trú mới có hiệu lực từ 1/7/2021, đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá rất cao quyết tâm của Bộ Công an, Chính phủ trong việc đổi mới quản lý cư trú. Đại biểu cho rằng: “Nếu chúng ta làm được thì rất tốt và được coi là sự đột phá, bước tiến mới trong quản lý cư trú, phù hợp với sự phát triển của kinh tế xã hội. Nhưng thách thức đặt ra rất lớn đó là khối lượng công việc rất lớn, cần phải hoàn thiện dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở hạ tâng kỹ thuật…”.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan đã đề nghị Chính phủ, Bộ Công an rà soát lại nguồn nhân lực để xác định thời điểm áp dụng cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi cao nhất của luật. Hơn nữa, cần nỗ lực, quyết tâm cao để đổi mới, tạo sự đột phá, sớm áp dụng phương thức trong quản lý dân cư mới, đáp ứng kịp thời thách thức mới, đòi hỏi mới, theo kịp sự phát triển xã hội, công nghệ… đảm bảo an ninh trật tự, quyền của con người, của công dân…
VÂN NGA