Thành ủy Hà Nội triển khai đợt sinh hoạt chính trị quán triệt tư tưởng của Đảng và của Tổng Bí thư Tô Lâm:
Nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức, giúp dân tộc Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới
(PNTĐ) - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 284-KH/TU ngày 29/11/2024 về việc triển khai đợt sinh hoạt chính trị “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong toàn Đảng bộ thành phố.
Sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, với thế và lực đã tích lũy được cùng với thời cơ, vận hội mới, đất nước ta đã hội tụ được những điều kiện cần thiết và đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức, giúp dân tộc Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới với những thành công và thắng lợi, đòi hỏi phải có những đột phá về tư duy chiến lược của Đảng lãnh đạo, cầm quyền một cách kịp thời, sáng tỏ, đúng đắn, phù hợp, khả thi... Yêu cầu đó đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm - người đứng đầu của Đảng ta chỉ rõ với những tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn quan trọng, có tính cấp thiết, có tính lý luận và thực tiễn cao...
Nhằm giúp cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô nâng cao nhận thức, hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai đợt sinh hoạt chính trị: “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong toàn Đảng bộ.
Kế hoạch do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong ký ban hành nêu rõ, mục đích triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị, đồng thuận trong nhân dân; tạo sự chuyển biến sâu sắc trong từng cán bộ, đảng viên ý thức trách nhiệm, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước trong kỷ nguyên mới.
Cùng đó, khơi dậy niềm tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt về tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, quyết sách mới; tạo động lực mới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.,,
Thành ủy Hà Nội yêu cầu tổ chức đợt sinh hoạt chính trị này cần được triển khai thực hiện hiệu quả, sâu rộng, thiết thực, kiên trì, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự lan tỏa rộng khắp; biến tư duy nhận thức thành hành động cụ của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Về các nội dung sinh hoạt chính trị, tư tưởng, Kế hoạch số 284-KH/TU của Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh đến việc quán triệt, tuyên truyền, tạo nhận thức đầy đủ về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; về vai trò lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về công tác cán bộ; về phát triển kinh tế; về chuyển đổi số; về chống lãng phí…
Khẳng định bước vào kỷ nguyên mới là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu; mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước Xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Thời điểm chúng ta bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội lần thứ XIV của Đảng, thời điểm sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu vĩ đại; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế được nâng cao; dư địa và không gian phát triển của Việt Nam còn nhiều lợi thế và nguồn lực.
Về cơ sở xác định mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: Đợt sinh hoạt chính trị cần khẳng định và làm rõ những thành tựu vĩ đại của đất nước đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; cơ hội để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: Trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều thay đổi có tính thời đại. Từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng để xác lập trật tự thế giới mới; là cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước.
Lịch sử cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đã khơi dậy ý chí tự lực, tự chủ, tự tin, tự cường, tự hào dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ đạt được những kỳ tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Đây cũng là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới.
Về định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần khẳng định rõ ở các nội hàm sau:
1. Về vai trò lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Khẳng định trong hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng nghiên cứu, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đây là nhân tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cần thiết phải cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới, đó là những tồn tại, hạn chế trong ban hành văn bản; một số chủ trương lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời; mô hình tổng thể của hệ thống chính trị, tổ chức Đảng chưa hoàn thiện và còn những bất cập. Yêu cầu về đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ đang đặt ra cấp thiết.
2. Về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Sự cần thiết tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị, đó là ngân sách chi để đảm bảo hoạt động của bộ máy là rất lớn, trong khi đó bộ máy vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn chưa triệt để, chưa đáp ứng yêu cầu... Đây là một trong những nguyên nhân tồn tại các “rào cản”, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Đây cũng là việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng là cấp thiết.
3.Về công tác cán bộ
Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết. Do vậy việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới cần được đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất; xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...
4. Về phát triển kinh tế
Tổng thể kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng liên tục từ khi thực hiện Cương lĩnh năm 1991, thường xuyên ở trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam từ nước thu nhập thấp trở thành nước thu nhập trung bình. Tuy tốc độ tăng trưởng cao, song nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khó tiệm cận với các nước đang phát triển.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do: Hạn chế trong thực thi pháp luật; chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu chậm; đầu tư công tiến độ chậm, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, còn dàn trải, nhiều lãng phí, chưa phát huy vai trò dẫn dắt, kích hoạt hiệu quả các nguồn lực ngoài nhà nước; xác định các ngành hàng chiến lược, quốc gia giá trị cao chưa được quan tâm; hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị thiếu tính kết nối và xây dựng hạ tầng số chậm...; các yếu tố bên ngoài tác động tiêu cực, làm gia tăng nguy cơ tụt hậu về kinh tế.
5. Về tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân
Khẳng định sau 02 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.
6. Về chuyển đổi số
Hiện nay quan hệ sản xuất chưa phù hợp đang cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất mới, trong đó: Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, còn chồng chéo; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn hạn chế. Vẫn tồn tại những thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu, qua nhiều khâu, nhiều cửa, mất nhiều thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở dữ liệu quốc gia chưa thông suốt; việc tổ chức vận hành bộ phận “một cửa” các cấp ở nhiều nơi chưa hiệu quả. Do vậy, việc thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi do Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, đưa đất nước đi tắt đón đầu phát triển vượt bậc.
7. Về chống lãng phí
Công tác phòng, chống lãng phí đã được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm triển khai thực hiện và đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và quy định của pháp luật; song lãng phí hiện nay vẫn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; làm suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Vì vậy, đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, việc xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí và đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày” là công việc rất cấp thiết.
Kế hoạch số 284-KH/TU của Thành ủy Hà Nội cũng nêu rõ, đối tượng triển khai đợt sinh hoạt chính trị là cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.
Hình thức triển khai bao gồm: Tổ chức nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới, dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng và dự thảo văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố.
Tổ chức các hình thức quán triệt, tuyên truyền như: Tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ, sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội để nghiên cứu, quán triệt phù hợp với điều kiện thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong quá trình xây dựng văn kiện và tổ chức triển khai nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ Thành phố.
Tổ chức đợt sinh hoạt chuyên đề phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau như: Cán bộ lãnh đạo quản lý, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội, đảng viên, đoàn viên, hội viên, đội ngũ phóng viên báo chí, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chức sắc tôn giáo...
Sau khi tổ chức nghiên cứu, quán triệt, sinh hoạt chính trị, tư tưởng, từng cá nhân cán bộ, đảng viên viết thu hoạch và xây dựng kế hoạch hành động của bản thân; các cấp ủy xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện.
Thông tin, tuyên truyền sâu rộng trên các báo, đài, bản tin Thành phố; sổ tay đảng viên điện tử; trang/cổng thông tin điện tử, bản tin “Thông tin nội bộ” của Đảng bộ Thành phố, của các cơ quan, địa phương, đơn vị và trên hệ thống thông tin cơ sở. Tổ chức các hội nghị trực tiếp, trực tuyến thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các cấp, cán bộ ban công tác mặt trận, cán bộ khu dân cư, tổ dân phố..., qua đó giúp lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp Nhân dân và toàn xã hội.
Kế hoạch cũng nêu rõ: Về thời gian tổ chức tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố ngày 03/12/2024; Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn Thành phố ngày 06/12/2024. Trong tháng 12/2024, ngoài sinh hoạt thường kỳ vào đầu tháng, các chi bộ trong toàn Đảng bộ Thành phố tổ chức sinh hoạt chuyên đề vào ngày 16/12/2024.
Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch của Thành ủy nêu rõ: Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch triển khai đợt sinh hoạt chính trị; chỉ đạo các cấp ủy, các ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, nhất là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố, cơ quan, đơn vị, địa phương.giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị như Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố; Ban Tuyên giáo Thành ủy; Ban Tổ chức Thành ủy; các ban xây dựng Đảng và Văn phòng Thành ủy; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố: các cơ quan, đơn vị liên quan…
Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các sở, ngành Thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc việc tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, làm rõ những giá trị lý luận, thực tiễn về tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phù hợp với ngành, lĩnh vực phụ trách, quản lý; cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo bằng các kế hoạch thực hiện cụ thể.
Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan báo chí của Thành phố, trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; chú trọng tuyên truyền trên các ứng dụng của mạng xã hội; theo dõi, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc đăng tải, phổ biến thông tin xuyên tạc, quan điểm sai trái... Chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, thông tin lưu động và các hình thức tuyên truyền phù hợp khác.