Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Ngăn ngừa bạo lực gia đình từ xa, từ sớm và bền vững

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào chiều ngày 14/11, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã phỏng vấn TS. Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về những điểm ưu việt của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

  
Ngăn ngừa bạo lực gia đình từ xa, từ sớm và bền vững - ảnh 1
TS. Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn của báo Phụ nữ Thủ đô. Thưa bà,  xin bà cho biết, đâu là những điểm ưu việt của Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi  vừa được Quốc Hội thông qua so với Luật hiện hành? Đặc biệt, bà có thể phân tích kỹ về nội dung tăng cường bảo vệ phụ nữ, trẻ em-hai đối tượng được cho là phổ biến của bạo lực gia đình?

TS. Nguyễn Quỳnh Liên: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua đã có những điểm sửa đổi toàn diện, tiến bộ về các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình. So với Luật năm 2007, Luật sửa đổi giữ nguyên 6 chương và tăng thêm 10 điều, từ 46 điều lên 56 điều. Những ưu việt nổi bật của Luật sửa đổi lần này là đã thiết lập các chính sách, quy định bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để "phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả"; đổi mới cách tiếp cận khi xây dựng chính sách, nội dung cụ thể của Luật sang tiếp cận dưới góc độ quyền con người, lấy con người làm trung tâm trong mọi chính sách, bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo nội dung, quy định của Hiến pháp năm 2013; xây dựng và phát triển gia đình, bảo vệ các đối tượng yếu thế ngay trong mỗi gia đình; góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Những điểm mới nổi bật của Luật sửa đổi lần này gồm:

Luật lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, thay đổi việc sử dụng khái niệm từ “nạn nhân bạo lực” sang khái niệm “người bị bạo lực” nhưng là cả một quá trình nhận thức từ tư duy đến hành động. Việc thay đổi này tuy không thay đổi nhiều về ngữ nghĩa nhưng lại thay đổi rất lớn về mặt xã hội.

 Luật đã chuyển từ phòng ngừa thụ động sang phòng ngừa chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng, tách hòa giải ra khỏi biện pháp xử lý  mở rộng phạm vi hòa giải để phòng ngừa, ngăn chặn từ nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Nội dung này được kỳ vọng sẽ ngăn ngừa việc dùng hòa giải để xử lý hành vi bạo lực gia đình trong thời gian qua.

Luật cũng đã thiết lập được quy trình báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình, xử lý tin báo, xử lý hành vi bạo lực và quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Với người có hành vi bạo lực gia đình, Luật không chỉ quy định các chế tài xử lý mà còn có các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp người có hành vi bạo lực gia đình nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, chuyển đổi hành vi bạo lực, ngăn ngừa và hạn chế tối đa tái phát hành vi bạo lực gia đình.

Việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã không chỉ là biện pháp ngăn chặn mà đây còn là biện pháp bảo vệ và hỗ trợ trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Các chính sách xã hội hóa được thể hiện đậm nét trong Luật sửa đổi, đây là cơ sở để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Có thể nói, Luật đã tạo được cơ chế để huy động cả hệ thống chính trị-xã hội vào cuộc.

Đối với phụ nữ, trẻ em-hai đối tượng được cho là phổ biến của bạo lực gia đình, theo thống kế của Tổng đài 111 trong năm 2021, số trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất (72,84%). Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.

Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm  sự giúp đỡ; chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Để tăng cường các biện pháp bảo vệ, bảo đảm quyền của 2 đối tượng này, tại Luật đã bổ sung quy định làm rõ hành vi bạo lực gia đình như Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em; bổ sung các nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em, ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, bảo đảm bình đẳng giới; bảo đảm sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em.vệ trẻ em trong quá trình xử lý vụ việc bạo lực gia đình.

Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình như giáo dục truyền thông, tư vấn phòng ngừa bạo lực gia đình phải chú trọng tới đối tượng là trẻ em, phụ nữ để xây dựng nội dung, lựa chọn phương pháp tuyên truyền phù hợp. Các biện pháp, chính sách hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ trong Luật cũng được đặc biệt chú trọng như khi tiếp nhận tin báo về vụ việc bạo lực mà người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ thì Chủ tịch UBND xã phải phân công ngay Công an xã xử lý; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em, phụ nữ đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với người gây bạo lực; các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp về y tế, nhà tạm lánh và nhu cầu thiết yếu, pháp lý, chăm sóc, điều trị tâm lý cho cho trẻ em, phụ nữ khi bị bạo lực… với nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả.

Ngăn ngừa bạo lực gia đình từ xa, từ sớm và bền vững - ảnh 2
Các Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Những điếm sửa đổi này theo bà sẽ giúp gì cho việc hạn chế, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Quỳnh Liên: Luật đã chuyển từ phòng ngừa thụ động sang phòng ngừa chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng. Nội dung này được kỳ vọng sẽ ngăn ngừa bạo lực gia đình từ sớm, từ xa, bền vững, ngăn ngừa tình trạng tái bạo lực gia đình.

Các quy định của Luật cũng đi vào giải quyết các vấn đề căn nguyên, gốc rễ của bạo lực gia đình, như giải quyết từ mâu thuẫn, bất hòa trong đời sống có khả năng gây bạo lực, ví dụ tăng cường các dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa bạo lực cho các đối tượng có khả năng gây bạo lực; tăng cường các nội dung tư vấn, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình như các kiến thức về giới và bình đẳng giới để giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới; Kỹ năng ứng xử trong gia đình, tổ chức đời sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, xử lý khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình, chăm sóc người bị bạo lực gia đình.

Ngăn ngừa bạo lực gia đình từ xa, từ sớm và bền vững - ảnh 3
Phiên làm việc chiều ngày 14/11 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Hoặc công tác hòa giải trước đây thường được áp dụng như là một biện pháp xử lý bạo lực gia đình, việc áp dụng này là sai nhưng do quy định chưa rõ nên dẫn đến tình trạng trên, để ngăn ngừa việc này và cũng là ngăn ngừa tình trạng bạo lực kép trong quá trình hòa giải, Luật đã nhấn mạnh hòa giải không thay thế cho biện pháp xử lý bạo lực gia đình. Hay quy định về trong phòng có chống, trong chống có phòng tại Điều 24 về yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã nơi xảy ra bạo lực gia đình được xác định trước hết là biện pháp ngăn chặn và bảo vệ người bị bạo lực gia đình, nhưng đây cũng là biện pháp phòng ngừa chủ động nhằm ngăn ngừa hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn.

Quy định tại Điều 31 về Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình cũng là điểm nhấn trong việc cụ thể hóa quyền con người của Luật PCBLGĐ (sửa đổi), người có hành vi bạo lực gia đình ngoài việc phải bị xử lý theo quy định của pháp luật thì họ cũng là đối tượng cần được giáo dục, hỗ trợ để chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình.

Việc chuyển đổi từ hành vi bạo lực gia đình sang nói không với bạo lực, phản đối bạo lực không chỉ giúp thay đổi chính bản thân người có hành vi bạo lực gia đình mà còn tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, thay đổi nhận thức, thái độ của cộng đồng với vấn đề vốn được coi là “chuyện riêng của mỗi gia đình” từ đó ngăn ngừa bạo lực gia đình có tính bền vững hơn.

Theo bà, cùng với việc hoàn thiện Luật pháp, để có thể giảm thiểu, ngăn chặn bạo lực gia đình, chúng ta sẽ cần tiếp tục phải làm gì?

TS. Nguyễn Quỳnh Liên: Hoàn thiện pháp luật là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Luật sửa đổi lần này đã đã đáp ứng được mục tiêu đặt ra bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả”, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Ngăn ngừa bạo lực gia đình từ xa, từ sớm và bền vững - ảnh 4

Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là ở công tác thi hành Luật. Để Luật đi vào cuộc sống, các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình thực sự hiệu quả và lan tỏa tới mọi người dân, mọi vùng miền, chúng ta cần tiếp tục chung tay, chung sức thực hiện các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, phòng ngừa, kiểm soát bạo lực từ sớm, từ xa cho mọi đối tượng, nhất là các đối tượng yếu thế; nâng cao nhận thức và nhất là nhận thức về bình đẳng giới, về vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình để thực hiện bình đẳng, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, xóa bỏ các căn nguyên sâu xa của bạo lực gia đình.

Thứ hai, huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia, ủng hộ, triển khai các giải pháp, biện pháp phòng chống bạo lực gia đình. Nhà nước đầu tư nguồn lực về bộ máy, đội ngũ cán bộ công tác xã hội, ngân sách thỏa đáng cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Đồng thời, các chính sách, biện pháp khuyến khích, thu hút sự tham gia, đóng góp, ủng hộ, nhất là việc tham gia vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình, dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực từ tổ chức, cá nhân trong xã hội cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình sẽ đóng góp nguồn lực đáng kể, thiết thực cho công tác này, cần được trung ương và chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy mạnh mẽ.

Thứ ba, tăng cường các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, bảo vệ và xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình; đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình có tính chất cộng đồng, xã hội để nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng đối với công tác này. Sự vào cuộc và tăng cường trách nhiệm của gia đình, dòng họ, cộng đồng, hệ thống chính trị ở cơ sở và ý thức của mỗi cá nhân trong xã hội là nguồn lực to lớn để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Xin cảm ơn bà

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

(PNTĐ) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, thực hiện cuộc Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 diễn ra từ ngày 1/4 đến 30/4, Thành phố có 2.441 địa bàn điều tra, với 58.440 hộ điều tra phiếu ngắn, 14.790 hộ điều tra phiếu dài tại 557 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Bổ nhiệm bà Nguyễn Tố Quyên làm Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội

Bổ nhiệm bà Nguyễn Tố Quyên làm Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội

(PNTĐ) - UBND Thành phố tiếp nhận, bổ nhiệm bà Nguyễn Tố Quyên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, đến nhận công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội.