Những điểm mới về tiền lương, BHXH và an toàn, vệ sinh lao động
(PNTĐ) -Ngày 14/6, Báo Lao Động Thủ Đô phối hợp với Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Quận Cầu Giấy tổ chức đối thoại, giao lưu trực tuyến- truyền thông chính sách năm 2024 về chuyên đề "Những điểm mới về tiền lương, BHXH và an toàn, vệ sinh lao động" với sự tham gia của các cán bộ công đoàn và đoàn viên, công nhân viên chức lao động quận Cầu Giấy.
Đây là hoạt động truyền thông chính sách của báo Lao Động Thủ Đô nhằm kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức và người lao động về các chính sách mới liên quan.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng biên tập báo Lao Động Thủ Đô cho biết: Chương trình Đối thoại - Giao lưu trực tuyến nhằm kịp thời trang bị cho người lao động kiến thức pháp luật, nhất là những chế độ, chính sách pháp luật mới được điều chỉnh, bổ sung liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội, giúp người lao động nắm rõ và có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình khi cần thiết đồng thời nhằm trang bị các kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh lao động để nâng cao nhận thức cho người lao động trong vấn đề này.
Ông Bình bày tỏ: "Tôi mong muốn, các đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nói riêng và bạn đọc nói chung của Báo Lao động Thủ đô sẽ mạnh dạn đặt những câu hỏi trực tiếp hoặc trực tuyến cho các chuyên gia của chúng tôi để hiểu biết thêm về những kiến thức pháp luật liên quan đến quyền lợi của mình.
Ngoài việc đặt câu hỏi với chuyên gia của chúng tôi, các bạn cũng có thể theo dõi toàn bộ nội dung chương trình này được tường thuật trực tuyến trên Báo điện tử Lao động Thủ đô tại địa chỉ laodongthudo.vn cùng các chuyên trang của Lao động Thủ đô, đồng thời lan tỏa cho đồng nghiệp, người thân cùng theo dõi”.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho rằng công tác tuyên truyền và phổ biến các kiến thức tới đoàn viên và người lao động có vai trò quan trọng và được LĐLĐ thành phố Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công Đoàn. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị trong thời gian tới báo Lao Động Thủ Đô nên tiếp tục phát huy những thế mạnh truyền thông của mình và đưa ra các mô hình hiệu quả và giải pháp sáng tạo nhằm đẩy mạnh thêm công tác tuyên truyền tốt hơn đến người lao động.
Buổi đối thoại có sự tham gia của 3 chuyên gia: Tiến sĩ Nguyễn Huy Khoa, Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn; bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; ông Vũ Hồng Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Quản lý và Phát triển năng lực tổ chức cùng với các cán bộ công nhân viên đã tích cực đặt câu hỏi dành cho buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến.
Mở đầu buổi đối thoại, chị Nguyễn Thị Hiền, đến từ Công đoàn thuộc trường Tiểu học Nghĩa Đô đặt câu hỏi: Người lao động nữ sinh con, hết thời gian nghỉ thai sản nhưng không thể tiếp tục đi làm và xin nghỉ hẳn thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Trả lời cho câu hỏi này, bà Dương Thị Minh Châu cho biết: “Khi người lao động nghỉ thai sản, thời gian đó được coi là thời gian có đóng BHXH. Trong quy định về hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, khi chấm dứt hợp đồng lao động mà tháng liền kề trước đó có đóng BHXH, ở đây là nghỉ thai sản xong chấm dứt hợp đồng lao động thì vẫn được hưởng trợ cấp như bình thường nếu thỏa thuận được với người sử dụng lao động.”
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa bổ sung thêm, trong trường hợp không thỏa thuận được với người sử dụng lao động thì người lao động có thể làm thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, và phải báo trước cho người sử dụng lao động. Số ngày báo trước sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động, ví dụ như báo trước ít nhất 45 ngày với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, báo trước ít nhất 30 ngày với hợp đồng từ trên 12 tháng đến dưới 36 tháng,...
Chị Đào Thị Dân đến từ Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh phát triển nhà và Thương mại Hà Nội đặt câu hỏi về vấn đề liên quan đến sự khác biệt của người lao động nước ngoài khi tham gia BHXH so với người lao động Việt Nam.
Với vấn đề này, chuyên gia Dương Thị Minh Châu đề cập rằng sự khác biệt lớn nhất nằm ở việc người lao động nước ngoài không tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khi làm việc ở Việt Nam. Do đó, họ không được hưởng chế độ thất nghiệp mà thay vào đó, người sử dụng lao động sẽ trả cho họ chế độ thôi việc. Các chế độ khác như BHXH hay BH Y tế sẽ được hưởng bình thường như lao động Việt Nam. Đồng thời người lao động nước ngoài có thể gửi đơn cho cơ quan BHXH để giải quyết BHXH 1 lần trước khi hết HĐLĐ từ 5-10 ngày thay vì chờ 1 năm như lao động Việt Nam.
Cũng trong các câu hỏi liên quan đến BHXH, các chuyên gia cho biết thêm, tiền lương hiện nay của người lao động đang căn cứ trên hợp đồng lao động để đóng BHXH, BHYT. Vì vậy tỷ lệ phần trăm đóng BHXH và BHYT vẫn giữ nguyên, còn mức lương sẽ căn cứ trên hợp đồng lao động khi thực hiện đóng. Nếu đến tháng 7/2024, thực hiện cải cách tiền lương, công chức, viên chức, nhà nước không còn lương hệ số mà chuyển sang lương theo mức tiền nhất định thì sẽ thực hiện đóng theo hợp đồng lao động. Tùy thuộc theo bảng lương nhà nước xây dựng, cơ quan BHXH sẽ thu theo như vậy.
Một vấn đề khác được nhiều cán bộ công nhân viên chức và người lao động quan tâm là vấn đề điều chỉnh tiền lương, với các thắc mắc cụ thể về tiền lương của giáo viên mầm non, tiền thâm niên của các giáo viên tại các đơn vị giáo dục,…Năm 2024 là năm có rất nhiều chính sách mới liên quan đến người lao động được điều chỉnh sửa đổi bổ sung như: chính sách cải cách tổng thể tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho biết, hiện nay mức lương thấp nhất của các giáo viên mầm non hạng III là 3,129 triệu đồng và cao nhất là 7,286 triệu đồng. Các chính sách cải cách tiền lương vẫn đang ở bước dự thảo và cần chờ hướng dẫn cụ thể của Chính phủ. Tuy nhiên, nguyên tắc là lương mới sẽ không thấp hơn lương cũ và mức lương sau ngày 1/7 có thể tăng dù chưa quy định rõ ràng sẽ tăng bao nhiêu. Các quy định về phụ cấp của một số ngành nghề sẽ bị bỏ, nhưng chính sách mới sẽ đảm bảo không gây thiệt thòi cho người lao động.