Gần 200 công đoàn viên được tư vấn về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội
(PNTĐ) - Sáng 12/6, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách chuyên đề “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về An toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội” với sự tham gia của gần 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động đến từ các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội.
Đây là hoạt động truyền thông chính sách thường niên của Báo Lao động Thủ đô, và cũng là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô và các ngày lễ lớn trong năm 2024.
Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, chúng ta vừa đi qua tháng 5 - Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024 với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực hướng về người lao động. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức, nhận thức pháp luật, an toàn vệ sinh lao động được các cấp Công đoàn Thủ đô chú trọng, nhằm góp phần nâng cao an toàn trong lao động sản xuất, bảo vệ sức khỏe người lao động.
Với những lao động trực tiếp, đặc biệt là lao động trong ngành xây dựng thì việc tìm hiểu, nắm bắt và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động là hết sức cần thiết để phòng ngừa, xây dựng môi trường làm việc an toàn và bảo vệ cho chính mình và đồng nghiệp. Vì thế, tôi mong rằng các đồng chí hãy nêu nhiều câu hỏi, chia sẻ những tình huống thực tiễn để được giải đáp, tư vấn một cách hữu ích”, ông Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy đánh giá cao chương trình với chủ đề “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn lao động và bảo hiểm xã hội” mà Ban Tổ chức lựa chọn ngày hôm nay, đây là chủ đề rất thiết thực với số đông người lao động, nhất là lao động ngành Xây dựng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội mong muốn anh chị em công nhân lao động mạnh dạn, thẳng thắn nêu những câu hỏi, thắc mắc của bản thân để được các chuyên gia giải đáp, từ đó, có thêm kiến thức, thông tin về các chế độ, chính sách liên quan đến mình và những kiến thức liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, sức khỏe nghề nghiệp.
Các chuyên trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc gồm: Bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi, Phó Trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn); Luật sư Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Giang, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh hỏi: Xin chuyên gia cho biết, quyền lợi về ATVSLĐ của người lao động được quy định như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi cho biết: Quyền lợi của người lao động được quy định rất nhiều trong trong công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), theo đó người lao động được đảm bảo an toàn, trang bị các trang thiết bị ATVSLĐ và cung cấp thông tin về ATVSLĐ. Trong việc cung cấp thông tin, người lao động sẽ được thông báo về môi trường làm việc của mình. Nếu như trong quá trình làm việc, chúng ta phát hiện ra các yếu tố có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng thì người lao động có quyền rời bỏ khỏi nơi làm việc mà không vi phạm. Chúng ta chỉ quay lại nơi làm việc khi mà công ty, cán bộ an toàn kiểm tra, thông báo nơi làm việc đã an toàn. Ngoài ra, người lao động cũng có quyền khiếu nại tố cáo nếu như phản ánh của họ không được giải quyết.
Chị Nguyễn Thị Khuyên, Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất hỏi: Người lao động được hưởng chế độ gì sau khi chấm dứt hợp đồng lao động?, và phải làm gì nếu Công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động?
Giải đáp câu hỏi trên, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho rằng khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp chỉ cần báo giảm tại cơ quan bảo hiểm xã hội là có thể tạm dừng đóng cho người lao động. Đối với việc chấm dứt hợp đồng lao động cũng cần lưu ý nếu có tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì trong vòng 3 tháng sẽ phải qua làm thủ tục, nếu quá 3 tháng coi như không có nhu cầu hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện nay, các luật liên quan như Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật ATVSLĐ, Luật Lao động… hiện vẫn có sự vênh nhau trong các quy định khi nghỉ việc… Tuy nhiên, khi chấm dứt hợp đồng lao động và rút sổ chúng ta trước hết cứ làm theo các thủ tục bình thường, trường hợp khó khăn quá cũng có thể nhờ Công đoàn vào cuộc.
Bổ sung trả lời cho câu hỏi trên, Luật sư Phạm Ngọc Minh cho biết: Luật Lao động 2019 có những quy định đã bớt thủ tục hành chính hơn rất nhiều, đơn cử như việc chấm dứt hợp đồng lao động. Hiện, chúng ta hoàn toàn có thể thông báo trước là chúng ta sẽ nghỉ, thay vì cần sự đồng ý của người sử dụng lao động như trước đây. Ngoài ra, với một số trường hợp quyền lợi bị ảnh hưởng như quấy rối, chậm lương… người lao động có quyền nghỉ mà không cần thông báo. Tương tự việc chốt sổ bảo hiểm xã hội hiện tại cũng khá đơn giản, theo tôi, quyền lợi của người lao động hiện tại đã được đảm bảo hơn rất nhiều.
Đặt câu hỏi trực tiếp đến các chuyên gia, nhiều người lao động quan tâm nhiều đến việc đóng bảo hiểm xã hội, các quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu khi chưa đủ thời gian đóng, chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, các chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp hay chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động; chế độ hưởng khi làm trong môi trường độc hại, nghỉ ốm, nghỉ sinh con... tất cả các câu hỏi đều được các chuyện gia giải đáp thoả đáng.