Phải cho “xé rào” để người đứng đầu thành phố được trao quyền triệt để

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trả lời phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô về góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh: Cần phân cấp phân quyền triệt để cho Thủ đô. Trao quyền nhiều hơn cho người đứng đầu Thủ đô để tạo đột phá về thu hút người tài, giải quyết các vấn đề về quy hoạch hạ tầng xã hội và xử lý vấn đề tồn đọng về môi trường, giải quyết ô nhiễm sông hồ...

Ấn tượng trong dự thảo Luật Thủ đô có quyền phủ định các luật khác

PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng  Luật cần có sự trao quyền nhiều hơn cho Chủ tịch UBND thành phố liên quan đến tài chính, được chi tiêu hợp lý, được thực hiện để thu hút người tài như trả lương cho người tài tương xứng. “Phải cho “xé rào” để người đứng đầu thành phố được trao quyền triệt để”- bà An nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về nội dung này, bà Bùi Thị An cho rằng: Nếu cứ trả lương bình bình, đến hạn lại lên lương thì không thu hút được người có tài. Trao quyền nhiều hơn cho người đứng đầu thành phố có quyền trực tiếp trong thu hút người tài, từ việc lựa chọn người tài, tuyển dụng, sử dụng và chi trả lương, đãi ngộ xứng đáng từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các cơ quan, đơn vị của Thủ đô.

Phải cho “xé rào” để người đứng đầu thành phố được trao quyền triệt để - ảnh 1
Phối cảnh một phần đô thị ven sông Hồng

Theo bà An, cần đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về trao quyền nhiều hơn cho người đứng đầu thành phố để giải quyết những vấn đề quy hoạch hạ tầng xã hội. Ví dụ cụ thể là người đứng đầu thành phố có quyền cho chuyển đổi đất xen kẹt để đầu tư xây dựng hạ tầng cho cơ sở giáo dục, y tế… để giải quyết các vấn đề bức xúc về thiếu trường học, bệnh viện bấy lâu nay.

PGS.TS Bùi Thị An cũng đề nghị cho Thủ đô có quyền riêng, dành có nguồn kinh phí đủ để xử lý, giải quyết vấn đề tồn đọng về môi trường Thủ đô, giải quyết ô nhiễm không khí, ô nhiễm sông hồ...

Bà Bùi Thị An bày tỏ: Tôi ấn tượng với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thì sẽ có quyền phủ định những điều không thích hợp của các luật khác liên quan đến Thủ đô. Tôi cho rằng rất tốt và rất hay.

Trước đây, Hà Nội còn nhiều tồn đọng do vướng một số luật lại chồng chéo nhau, không đồng bộ, lần này cho cơ chế nếu luật khác không đúng thì Luật Thủ đô được áp dụng.

Tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dng và phát triển nguồn nhân lực

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định, chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012. Điều 13 Luật Thủ đô 2012 quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”. Trên cơ sở quy định đó cũng như việc áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, qua một quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như:

Nội dung của quy định mới chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế; số lượng người được tuyển dụng nói chung còn khiêm tốn so với số người thực tế thuộc các nhóm đối tượng được thu hút.

Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp như: tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; có học vị tiến sĩ ... mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn.

Phải cho “xé rào” để người đứng đầu thành phố được trao quyền triệt để - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được tuyển dụng theo chính sách này, qua đánh giá của các cơ quan, đơn vị sử dụng thì hầu hết chưa có thành tích vượt trội, nổi bật so với những công chức, viên chức được tuyển dụng theo những quy định chung.

Kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần theo tinh thần của Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND còn thấp. Ngoài ra, các đối tượng được tuyển dụng theo chính sách thu hút của Thành phố không được hưởng thêm chính sách ưu đãi nào khác về lương và thu nhập so với các cán bộ, công chức, viên chức khác.

Chưa thu hút được các nhóm đối tượng như: chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân… do chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp.

 Kết quả trên cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Thành phố chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn. Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô , Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”.

Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 dự thảo Luật đã thiết kế 02 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.

Đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.

Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND thành phố Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.

Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, dự thảo Luật cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô; bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.

Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô.

 

Tin cùng chuyên mục