Phụ nữ nguy cơ “sập bẫy” quảng cáo Nga Phụ Khang

Quách Dương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bất chấp pháp luật cấm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nga Phụ Khang vẫn được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thậm chí là phòng tránh được các loại ung thư… khiến phụ nữ nguy cơ “sập bẫy”…

Phụ nữ nguy cơ “sập bẫy” quảng cáo Nga Phụ Khang - ảnh 1
Sản phẩm Nga Phụ Khang hiện được quảng cáo bằng tên miền quốc tế. Mặc dù quảng cáo sản phẩm đã được nghiên cứu lâm sàng nhưng thông tin cụ thể lại không đầy đủ...

Thực phẩm Nga Phụ Khang có phòng tránh được các bệnh ung thư?

Theo các thông tin giới thiệu trên trang web ngaphukhang.duoclieuquy.co, sản phẩm Nga Phụ Khang đã được Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cấp Giấy tiếp nhận công bố và Giấy phép quảng cáo dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, sản phẩm này có dấu hiệu quảng cáo như thuốc chữa bệnh suốt thời gian dài nhưng vẫn ngằm ngoài “tầm ngắm” của cơ quan chức năng.

Thông tin công khai về Nga Phụ Khang cho thấy, loại thực phẩm này có Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận hợp quy số 5378/2019/ĐKSP và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 02511/2019/ATTP-XNQC cấp ngày 9/12/2019 do ông Nguyễn Thanh phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế ký.

Theo thông tin quảng cáo trên trang web ngaphukhang.duoclieuquy.co, sản phẩm này do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu, địa chỉ số 171 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội chịu trách nhiệm tiếp thị và phân phối.

Đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm Nga Phụ Khang là Công ty TNHH Tư vấn Y Dược Quốc tế, địa chỉ số 9, lô A, tổ 100 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.

Theo tìm hiểu của Báo Phụ nữ Thủ đô, duoclieuquy.co là dạng tên miền quốc tế, được đăng ký vào ngày 1/11/2021 và hết hạn vào ngày 1/11/2024. Thông tin máy chủ DNS là 162.159.38.235 và ID domain là D303C510C084B4DD7A1F51580F835BE89-GDREG.

Phụ nữ nguy cơ “sập bẫy” quảng cáo Nga Phụ Khang - ảnh 2
Sản phẩm Nga Phụ Khang được quảng cáo trên Google dưới dạng ladipage bằng tên miền quốc tế.

Hiện tên miền chính là duoclieuquy.co không hoạt động. Tuy nhiên, các trang con dưới dạng ngaphukhang.duoclieuquy.co vẫn được quảng cáo rầm rộ theo hình thức ladipage – đăng tải thông tin giới thiệu sản phẩm và thu thập thông tin khách hàng.

Dù chỉ là thực phẩm, không có tác dụng chữa bệnh, tuy nhiên, trang web ngaphukhang.duoclieuquy.co vẫn quảng cáo sản phẩm Nga Phụ Khang có tác dụng “điều trị và phòng ngừa bệnh”, thậm chí là phòng tránh cả bệnh ung thư.

Tại phần giới thiệu về công dụng của sản phẩm cũng có nội dung khẳng định: “Nga Phụ Khang chưa ghi nhận trường hợp bất thường nào về việc sử dụng sản phẩm với các loại thuốc điều trị khác. Nhưng để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả chữa bệnh, bạn nên uống cách nhau 2 giờ”.

Trang web vừa nêu cũng nhấn mạnh: “Nga Phụ Khang rất tự hào vì đã hàng triệu người mắc u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u vú lành tính, u xơ tiền liệt tuyến thoát khỏi ám ảnh bệnh tật”.

Theo giới thiệu tại website ngaphukhang.duoclieuquy.co, sản phẩm Nga Phụ Khang không chỉ dùng cho các trường hợp u xơ, u nang mà còn phòng tránh được “các bệnh ung thư”.

Chẳng hạn, thành phần hoàng kỳ “nâng cao sức đề kháng, tăng hệ miễn dịch, tăng sự dẻo dai cho cơ thể và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư”. Thành phần khương hoàng có tác dụng “kháng viêm, chống oxy hóa nên có thể giúp người bệnh phòng tránh được các bệnh ung thư”…

Thông tin quảng cáo trên website này còn cho biết: Sản phẩm Nga Phụ Khang đã được kiểm nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương năm 2013…

Hiện chưa rõ cá nhân, tổ chức nào thực hiện các chiến dịch quảng cáo sản phẩm Nga Phụ Khang như vừa nêu. Để xác minh sự việc trên, đầu tháng 7/2024, PV Báo Phụ nữ Thủ đô liên hệ đến Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu – đơn vị chịu trách nhiệm tiếp thị và phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, gần 2 tháng trôi qua, Dược phẩm Á Âu chưa đưa ra giải thích nào.

Phụ nữ nguy cơ “sập bẫy” quảng cáo Nga Phụ Khang - ảnh 3
Sản phẩm Nga Phụ Khang được quảng cáo có thể phòng tránh được các bệnh ung thư.

Dấu hiệu quảng cáo sai sự thật

Tại Điều 27, Nghị định số 15/2018 của Chính phủ quy định: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền”.

Ngoài ra, tại Khoản 9, 10, Điều 8, Luật quảng cáo cũng cấm hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và so sánh sản phẩm này với sản phẩm khác.

Các hành vi bị cấm gồm: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác”.

Phụ nữ nguy cơ “sập bẫy” quảng cáo Nga Phụ Khang - ảnh 4
Luật quảng cáo cấm các hành vi so sánh cũng như gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...

Liên quan đến việc sản phẩm Nga Phụ Khang có dấu hiệu quảng cáo như thuốc chữa bệnh, Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Theo khoản 4 Điều 16 Luật Quảng cáo, người tiếp nhận quảng cáo có quyền “Được tố cáo, khởi kiện dân sự theo quy định của pháp luật”.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân bị lừa dối bởi quảng cáo sai sự thật, có quyền tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại thực tế xảy ra bởi nguyên nhân quảng cáo sai sự thật. Điều này được quy định tại khoản 5, Điều 16, Luật Quảng cáo: “Khi tổ chức, cá nhân tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị lừa đối bởi quảng cáo sai sự thật, phải cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo với cơ quan quản lý nhà nước và chứng cứ chứng minh thiệt hại mà quảng cáo gây ra. Được quyền yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo hoặc người quảng cáo cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo”.

Như vậy, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn tố cáo hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 

Tin cùng chuyên mục

Xã Hương Sơn (Mỹ Đức): Đắp bờ ngăn nước và hỗ trợ thuyền, đò cho các tỉnh bị ngập lụt

Xã Hương Sơn (Mỹ Đức): Đắp bờ ngăn nước và hỗ trợ thuyền, đò cho các tỉnh bị ngập lụt

(PNTĐ) - Trong 2 ngày (9/9 và 10/9), ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu cơn bão số 3, lượng nước hồ Hương Tích dâng lên cao, chính quyền và nhân dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức đã tập trung đắp bờ, ngăn nước tràn vào khu dân cư. Đồng thời, chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ ở các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, toàn xã Hương Sơn đã huy động hàng trăm thuyền, đò, người lái thuyền và nhiều chuyến xe hàng thiết yếu đi hỗ trợ.