Quỹ khuyến nông Hà Nội: “Bệ phóng” cho nông dân phát triển nông nghiệp, dịch vụ nông thôn

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hoạt động không vì lợi nhuận, 20 năm nay, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân hơn 4.000 lượt hộ vay vốn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn sản xuất của các chủ trang trại, hộ sản xuất, giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn, người nông dân đã có “của ăn của để” từ đây.

Vay tới 500 triệu đồng không lãi suất

Quỹ khuyến nông Hà Nội: “Bệ phóng” cho nông dân phát triển nông nghiệp, dịch vụ nông thôn - ảnh 1
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thăm mô hình khuyến nông

Từ ngày được vay 500 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông thành phố, gia đình ông Phùng Văn Phượng ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai được tiếp thêm năng lượng, có động lực để mạnh dạn đầu tư vào chuồng trại chăn nuôi 10.000 con gà đẻ trứng. Ông Phượng đã cải tạo, mở rộng quy mô chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi… Nhờ đó, gia đình ông mỗi ngày xuất bán ra thị trường khoảng 9.000 quả trứng, và mỗi năm đem lại thu nhập cho 500-600 triệu đồng.

Là hộ dân cũng được vay vốn 500 triệu đồng từ Quỹ khuyến nông Hà Nội, gia đình ông Nguyễn Huy Lưỡng ở xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã đầu tư cải tạo vườn, mua phân bón, mở rộng quy mô trồng hơn 300 cây bưởi Diễn và đầu tư chuồng trại nuôi 6.000 con gà đẻ trứng. Theo ông Lưỡng, được vay vốn từ Quỹ Khuyến nông là điều kiện rất tốt cho gia đình ông tập trung đầu tư mở rộng quy mô trang trại, mỗi năm đã thu về hàng trăm triệu đồng.

Quỹ khuyến nông Hà Nội: “Bệ phóng” cho nông dân phát triển nông nghiệp, dịch vụ nông thôn - ảnh 2
Mô hình nuôi gà ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai được Quỹ Khuyến nông hỗ trợ vay vốn (ảnh Ánh Ngọc)

Đã 2 lần được vay vốn từ Quỹ Khuyến nông thành phố, anh Hoàng Tiến Lưu ở xã Xuân Nộn huyện Đông Anh lần vay đầu 500 triệu đồng và mới đây là 450 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hợp. Từ đây, anh Lưu đưa máy đi thu hoạch lúa khắp nơi, không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà còn sang các tỉnh, thành phố lân cận. Anh Lưu cho hay: “Nhờ có nguồn vốn và chính sách trả góp từ Quỹ Khuyến nông thành phố mà chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp này”.

Đánh giá hiệu quả cho vay vốn của Quỹ khuyến nông Hà Nội, ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND Cấn Hữu khẳng định: Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giúp người nông dân, chủ trang trại, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thêm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh. Cán bộ nông nghiệp Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nhiệt thành tư vấn chuyên môn cho nhiều nông dân, chủ trang trại trên địa bàn xã, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Với vai trò là tiểu ban quản lý Quỹ Khuyến nông, ông Kiều Minh Khuê, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Quốc Oai thông tin thêm, những năm qua, Trạm khuyến nông huyện Quốc Oai đã rà soát, hỗ trợ, tư vấn cho nhiều hộ gia đình, chủ trang trại được tiếp cận với nguồn vốn Quỹ Khuyến nông của thành phố. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất, sử dụng vốn vay Quỹ của các hộ vay vốn trên địa bàn. Từ đó, đã kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn trong sản xuất, sử dụng vốn vay của các hộ và chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở có các biện pháp hướng dẫn, đôn đốc các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Tiếp tục đổi mới, đồng hành hiệu quả

Không chỉ tạo “bệ phóng” cho hàng ngàn nông dân Thủ đô phát triển kinh tế, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã trở thành nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, qua đó tạo đột phá trong cơ giới hóa nông nghiệp Thủ đô.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước có quỹ khuyến nông. Với nguyên tắc hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, 20 năm nay, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân cho trên 4.000 lượt hộ vay vốn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn sản xuất của các chủ trang trại, hộ sản xuất. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động nông thôn có thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu của Quỹ Khuyến nông Hà Nội là tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn Thủ đô theo hướng hiện đại và bền vững. Hiện Quỹ Khuyến nông Hà Nội thường dành 15 - 20% tổng nguồn vốn giải ngân trong năm để ưu tiên hỗ trợ cho vay những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của địa phương.

Quỹ khuyến nông Hà Nội: “Bệ phóng” cho nông dân phát triển nông nghiệp, dịch vụ nông thôn - ảnh 3
Những mô hình khuyến nông hiệu quả

Theo ông Lê Quang Đức, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đông Anh, người dân đánh giá rất cao chính sách không tính lãi và trả góp dần trong vòng 3 năm của chương trình cho vay phát triển cơ giới hóa mà thành phố đang triển khai rộng khắp. Tuy nhiên để vay được đồng vốn Quỹ Khuyến nông yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải có tài sản thế chấp, mà cụ thể là đất đai. Vì vậy, không ít tổ chức, cá nhân muốn vay vốn nhưng khó tiếp cận do không có tài sản đảm bảo. Đây cũng là vấn đề mà cơ quan quản lý quỹ khuyến nông đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, Sở tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách liên quan tới hoạt động của Quỹ khuyến nông để đề xuất với Sở Nội vụ, Sở Tài chính báo cáo UBND thành phố có sự điều chỉnh phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ và quan trọng hơn là để ngày càng có nhiều hộ nông dân, chủ trang trại tiếp cận được nguồn vốn phát triển sản xuất.

Với tổng nguồn quỹ đạt hơn 200 tỷ đồng, năm 2022, Quỹ khuyến nông TP đã tổ chức giải ngân phát triển sản xuất 69,14 tỷ đồng; giải ngân đầu tư phát triển cơ giới hóa là 31,62 tỷ đồng; tiếp nhận và tổ chức 3 đợt thẩm định và phê duyệt được 162 phương án xin vay vốn với tổng số tiền xin vay là 62,3 tỷ đồng; đã giải ngân 154 phương án với số tiền 60,55 tỷ đồng (bao gồm cả 34 phương án năm 2021 chuyển sang). 

Tin cùng chuyên mục

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.
Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

(PNTĐ) - Sau thời gian học tập ở Liên Xô, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó ít lâu vào Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí đã chủ trì dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Khởi công dự án cấp nước cho phía Nam TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình

Khởi công dự án cấp nước cho phía Nam TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình

(PNTĐ) - Chiều 18/4, đoàn công tác UBND thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm trưởng đoàn làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình. Tham gia đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn; lãnh đạo một số sở, ngành.
Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.