Tăng đại biểu chuyên trách tại HĐND TP Hà Nội phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô

Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều nay (1/4), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiến hành điều hành nội dung thảo luận ở hội trường về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội)Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội)

Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc đề xuất tăng biên chế chuyên trách của HĐND TP Hà Nội thì thực chất không phải là tăng. Nội dung đề nghị của thành phố Hà Nội không làm tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 là 95 đại biểu mà chỉ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng một số chức danh lãnh đạo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Ông Bình nói: "Trong khi đó tình hình thực tế ở Hà Nội thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt chúng ta đang thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính quyền đô thị. Tôi nghĩ số lượng đại biểu quy định như vậy thì mới đảm bảo để thực hiện tính đặc thù của chính quyền đô thị, cũng như Thành phố Hồ Chí Minh như tờ trình và báo cáo thẩm tra đã nêu". 

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà)Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà)

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) tán thành với việc xem xét để tăng số lượng đại biểu Hội đồng chuyên trách của HĐND TP Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021-2026, và cho rằng, việc tăng là một niềm mơ ước.

Ông Thân nêu: "Hiện nay, số lượng chuyên trách của HĐND các cấp quá ít, dẫn đến tình trạng quá tải với các công việc, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự trị an. Cho nên việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách như Tờ trình của Chính phủ tôi thấy rất hợp lý. Tôi nghĩ rằng với thí điểm này trong nhiệm kỳ tới nữa, chúng ta sẽ có tổng kết và nhân rộng thêm mô hình này".

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, còn nặng về quan niệm hành chính khi xem xét đến địa vị pháp lý của đại biểu dân cử.

Đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ: "Khi chúng ta lấy hệ số phụ cấp trách nhiệm để quy đổi sang chức vụ tương đương, như thế sẽ rất khó làm việc. Một đồng chí đại biểu HĐND chuyên trách ở thành phố mà chỉ tương đương với Trưởng phòng, chưa bằng cấp phó của Giám đốc sở làm sao giám sát được hoạt động của Giám đốc Sở?".

Ông Lê Thanh Vân cũng cho rằng, một đại biểu Quốc hội hoặc một đại biểu HĐND có hàng trăm nghìn cử tri ủy thác quyền lực Nhà nước để họ đại diện. Một anh trưởng phòng chỉ cần một vài ông có chức vụ, giám đốc sở, phó giám đốc sở, chi ủy thông qua là được.

Cũng theo đại biểu đoàn Cà Mau, quá trình chuẩn bị bầu cử Quốc hội thì Trung ương có chỉ đạo chọn số đại biểu Quốc hội chuyên trách, trong số những người đã được quy hoạch ít nhất là Vụ trưởng hoặc Thứ trưởng.

Đại biểu Lê Thanh Vân nói: "Tương đương như vậy, đại biểu HĐND chuyên trách của TP Hà Nội phải tối thiểu là trưởng phòng hoặc phó giám đốc sở, nhưng tôi cho rằng cách tư duy như thế cũng nên phải xem xét lại".

Đại biểu kiến nghị phải nghiên cứu một bảng lương riêng cho các cơ quan dân cử. Các đại biểu dân cử phải có một địa vị chính trị, pháp lý cụ thể, rõ ràng, thể hiện qua đãi ngộ của Nhà nước, mà ở đây chính là ủy thác của nhân dân. Phải có một bảng lương riêng.

Đại biểu Vân nói: "Tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này. Đây là một chính sách rõ ràng thể hiện đãi ngộ của nhà nước, của nhân dân đối với các đại biểu dân cử, có như vậy mới thu hút được nhân tài...". 

Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau)Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau).

Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cho rằng, để chuẩn bị nguồn nhân lực tốt hơn và cũng có một vị thế để khi làm việc, hoạt động ở nhiệm vụ được giao, và kiến nghị nên cân nhắc về phụ cấp của đại biểu HĐND chuyên trách.

Theo đại biểu, có thể chức vụ đó ít nhất cũng phải tương đương hoặc bằng chức danh Phó giám đốc sở của cấp thành phố. Bởi vì hiện nay nếu như là 0,6 thì bằng với chức của trưởng phòng của cấp TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội, những thành phố lớn.

Đại biểu nói: “Đây là cách để động viên, thu hút những cán bộ có năng lực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quy hoạch nhân sự”.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, cần phải xem xét đúng chế độ, chính sách của một đại biểu nắm toàn diện công tác, để giúp cho Đảng, Nhà nước nắm nguyện vọng của nhân dân, đưa nguyện vọng nhân dân, giám sát nhân dân.

Đại biểu Nhưỡng nói: "Ở đây chúng ta không phải chỉ tăng nhích lên cho họ được một chút, không phải, vì anh làm chỗ này thì tôi áp dụng cho anh theo như cán bộ, công chức, cho nên 0 phẩy, mấy phẩy,... Tôi nghĩ như thế là không xứng đáng với một đại biểu dân cử, đại biểu Hội đồng nhân dân ở một thành phố quan trọng như thế này".

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh TânBộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay trong thang bảng lương và danh mục vị trí việc làm chưa có chức danh đại biểu chuyên trách hoạt động trong các ban của HĐND.

Thời gian qua, Hà Nội thí điểm phụ cấp của chức danh ủy viên hoạt động chuyên trách tại ban của HĐND thành phố tương đương trưởng phòng cấp sở. Phụ cấp của đại biểu chuyên trách không thể cao hơn chức danh Phó ban của HĐND.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc ĐịnhPhó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có 6 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Nhìn chung, các đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao sự cần thiết với việc bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND thành phố Hà Nội nhằm phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại cuối kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục