Góp ý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi):
Tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội lên đến 30%
(PNTĐ) - Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) đồng ý với tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội (khoản 2 Điều 9), đại biểu hoạt động chuyên trách không phải chỉ 25% mà có thể đến 30%. Việc này sẽ giúp HĐND, cơ quan dân cử thành phố thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và đặc biệt là quyết đáp kịp thời các cơ chế, chính sách.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo, (đoàn Thái Nguyên) thể hiện sự nhất trí cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) - đạo luật đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc về chính trị - xã hội này.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo nhấn mạnh: Chúng ta có một Thủ đô cho nên vị trí, vai trò của Hà Nội hết sức đặc biệt, quan trọng, cũng không giống với địa phương nào. Chính vì vậy, tôi rất mong muốn với những chính sách đặc thù đã ban hành, đặc biệt với thành phố lớn, chúng ta nên đánh giá, tổng kết để xem những gì là những kinh nghiệm quý, những chính sách mạnh, thúc đẩy sự phát triển của các địa phương sau khi có cơ chế đặc thù để vận dụng, đưa vào trong Luật này.
Về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Đoàn Thị Hảo đồng tình với quy định về cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nêu trong dự thảo.
Theo đại biểu, việc thu hút nhân tài cần hướng đến không chỉ những người gốc Hà Nội, mà còn từ khắp các tỉnh, thành phố và cả kiều bào muốn đến Hà Nội sinh sống và làm việc; không chỉ người trong nước, mà cả người nước ngoài.
Do đó, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đãi ngộ vượt trội, hơn hẳn những địa phương khác để người giỏi, người tài phát huy được năng lực, cống hiến, xây dựng cho Thủ đô.
Đại biểu đồng quan điểm với quy định “Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó” tại khoản 2 Điều 4, dự thảo luật quy định.
Đại biểu kiến nghị, Quốc hội nên đồng thời giao trách nhiệm cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết Quốc hội phải rà soát quy định của Luật Thủ đô.
Nếu có quy định thuận lợi hơn so với Luật Thủ đô thì phải thống nhất ý kiến với chính quyền thành phố Hà Nội trong việc xác định áp dụng quy định của Luật Thủ đô hoặc áp dụng theo luật, nghị quyết đó.
Theo đại biểu Đoàn Thị Hảo, quy định như dự thảo Luật về cơ bản đảm bảo nguyên tắc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, theo trình tự như thế này thì có thể sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính và có thể làm chậm quá trình xây dựng văn bản để triển khai tổ chức thực hiện.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Báo cáo thẩm tra cũng nêu nội dung này. Điều này rất cần thiết để sớm có những văn bản, có những xử lý kịp thời.
Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội (khoản 2 Điều 9), đại biểu Đoàn Thị Hảo bày tỏ đồng tình với việc tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách không phải chỉ 25% mà có thể đến 30%. Việc này sẽ giúp HĐND, cơ quan dân cử thành phố thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và đặc biệt là quyết đáp kịp thời các cơ chế, chính sách.
Đại biểu cũng thể hiện sự nhất trí cao về chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân và ưu đãi, hỗ trợ đối với phát triển nhà cho thuê dành cho chuyên gia, người lao động làm việc tại khu công nghiệp cao Hòa Lạc (điểm b khoản 2 Điều 25 và Điều 26).
Với quy định về sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô tại điểm d khoản 1 Điều 36, đại biểu Đoàn Thị Hảo cũng lưu ý về quy định cho phép "HĐND thành phố Hà Nội hỗ trợ các địa phương khác trong nước trong trường hợp thật cần thiết, cho phép cấp huyện sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ các quận, huyện, thị xã khác của thành phố Hà Nội và các đơn vị cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố khác".
“Quy định như trên cho thấy được vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô, là nơi có điều kiện tiềm lực kinh tế để hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn và có cả các địa phương trong vùng”- đại biểu nhấn mạnh.
Điều đáng nói là Luật ngân sách nhà nước lại không cho phép dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ cấp khác và không được dùng ngân sách địa phương này để chi cho địa phương khác.
Đại biểu đề nghị cần quy định rõ Luật Thủ đô (sửa đổi) khi có hiệu lực, thì các nội dung ở các điều luật khác sẽ phải áp dụng theo Luật Thủ đô (sửa đổi), cụ thể ở đây, cần thiết thì sửa Luật ngân sách.