Luật Thủ đô (sửa đổi):

Tăng tính chủ động, tự chủ, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả

Hà Linh (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Luật Thủ đô (sửa đổi) được xuất phát từ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô, đặc biệt là các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng lớn trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và từ thực tiễn tổng kết thi hành Luật Thủ đô… Theo dự kiến, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2023 với mục tiêu khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Thủ đô hiện hành; tăng tính chủ động, tự chủ và xây dựng hệ thống chính trị của Hà Nội thực sự tinh gọn, hiệu quả.

Tăng tính chủ động, tự chủ, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả - ảnh 1
  Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội          Ảnh: PV 

Báo Phụ nữ Thủ đô trân trọng đăng tải những chia sẻ của đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Hà Nội đang tiếp tục hoàn thiện các chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) trước khi Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024; Theo đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có tính khái quát, toàn diện trên các lĩnh vực. Xin đồng chí cho biết thêm về vấn đề này?

Đồng chí Lê Hồng Sơn: Luật Thủ đô được thông qua năm 2012, có hiệu lực từ giữa năm 2013. Sau gần 10 năm thực hiện, nhiều chính sách, quy định trong Luật được cho là không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được quá trình phát triển của TP Hà Nội, nhiều quy định trong Luật Thủ đô vẫn chưa bảo đảm tính khả thi, khó triển khai vào thực tiễn. Trong đó có các vấn đề quy hoạch; quản lý dân cư, đô thị; cơ chế tài chính - ngân sách, hay như việc trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội” tại địa bàn ngoài nước còn gặp phải khó khăn, chưa huy động, phát hiện được hết tiềm năng đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô trên các lĩnh vực đời sống, xã hội. 

Đối với các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân có trình độ cao được giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế, ngoài một số ưu đãi khác sẽ được trả thù lao theo hợp đồng thỏa thuận trên cơ sở số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc. 
Đồng chí Lê Hồng Sơn

Ngoài ra, lĩnh vực khoa học và công nghệ chưa phát huy được vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, nhiều lĩnh vực chưa theo kịp trình độ phát triển của khu vực. Bên cạnh đó, chính sách trọng dụng nhân tài tuy đã được TP quan tâm, nhưng chưa thu hút được nhiều sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, cao đẳng, nhà khoa học trẻ có tài năng để tuyển dụng bố trí làm việc tại các cơ quan, đơn vị…

Để hoàn thiện thêm một bước các chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) trước khi Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024; Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có tính khái quát, toàn diện trên các lĩnh vực: Tổ chức chính quyền Thủ đô; phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh; trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô; cũng như đảm bảo tính phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của TP và vị thế, vai trò đặc biệt của Thủ đô theo tinh thần chỉ đạo của TƯ tại Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị.

Từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2022, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UBND Thành phố tổ chức 7 cuộc hội thảo về các chính sách và đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Qua đó đã tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý, phản biện của các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện.

Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Hà Nội, các bộ, ngành Trung ương một số tỉnh trong Vùng Thủ đô về kết quả thi hành Luật Thủ đô và các chính sách về liên kết, phát triển Vùng, chính sách quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, quy hoạch, xây dựng, khoa học công nghệ; tổ chức đợt khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương để tiếp thu, tổng hợp được những mặt thuận lợi, những khó khăn vướng mắc và đề xuất của các địa phương.

Quan điểm xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô cùng với sự phát triển chung của cả nước; lợi ích quốc gia dân tộc; bảo đảm, bảo vệ, phát huy quyền con người, quyền công dân. Ngoài ra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền Thủ đô và sự chỉ đạo điều hành tập trung, thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; khắc phục những bất cập, hạn chế và kế thừa, phát huy những quy định còn phù hợp của Luật Thủ đô hiện hành.

Định hướng xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền TP theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới. Tăng cường phân quyền, phân cấp cho TP nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP; có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Để tiếp tục hoàn thiện quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ tổ chức tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô. Tổ chức rà soát, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo các ý kiến đóng góp và kết quả khảo sát. Sau đó, tiến hành đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (30 ngày).

Định hướng xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới. 

Trong tháng 11/2022-12/2022, Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sau thẩm định. Dự kiến, tháng 12/2023 sẽ trình Chính phủ thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh. Từ tháng 2-3/2023 sẽ trình Thẩm tra hồ sơ đề nghị; Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng chí có thể cho biết để tạo thể chế thuận lợi cho Thủ đô và Vùng Thủ đô, hướng tới xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực phát triển của Vùng Thủ đô và cả nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, vừa qua Hà Nội đưa ra những chính sách đề xuất gì trong Luật Thủ đô (sửa đổi)?

Đồng chí Lê Hồng Sơn: UBND Thành phố đã đề xuất cụ thể 16 nội dung xem xét lập chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đến nay, trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại các hội nghị, hội thảo xin ý kiến do Bộ Tư pháp tổ chức và qua các đợt khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố đã rà soát, tổng hợp, hoàn thiện và kết cấu lại thành 9 nhóm chính sách lớn trong hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), để tạo thể chế thuận lợi không chỉ cho Thủ đô mà cả Vùng Thủ đô và các đối tác tham gia xây dựng Thủ đô, hướng tới xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực phát triển của Vùng Thủ đô và cả nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Vừa qua, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đưa ra 9 chính sách đề xuất trong Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm:

Tăng tính chủ động, tự chủ, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả - ảnh 2
  Hà Nội sẽ có nhiều cơ chế để phát triển hơn sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua.  (Ảnh minh họa) 
 

Chính sách 1: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chính sách 2: Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô.
Chính sách 3: Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô.
Chính sách 4: Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô.
Chính sách 5: Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Chính sách 6: Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô.
Chính sách 7: Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Chính sách 8: Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững.
Chính sách 9: Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng để phát triển Thủ đô, bộ máy dù đã tinh gọn nhưng có hiệu lực, hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ vận hành. Với Thủ đô Hà Nội quan trọng nhất không phải là “thu hút” mà là chính sách “giữ chân”, phát triển và sử dụng nhân tài, đồng chí có thể đánh giá vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Lê Hồng Sơn: Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, các cơ chế chính sách cần cân nhắc tính dài hạn; chính sách của Thủ đô cũng cần bảo đảm quan hệ chặt chẽ đến các chính sách của các địa phương khác... Bài toán của Thủ đô không thuần túy là quản trị đô thị mà phải bảo đảm phát triển đa dạng, bền vững.

Trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô là công tác trọng tâm luôn được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Những năm qua, UBND Thành phố đã ban hành các quy định về thu hút tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức từ sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc và người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại các cơ quan, đơn vị của TP. Tuy nhiên, chính sách thu hút tài năng trẻ về làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP những năm qua hiệu quả chưa cao. Tính bình quân, số người được tuyển mới đạt xấp xỉ 10% so với số lượng thủ khoa xuất sắc được TP tuyên dương. Mặt khác, số người được thu hút, tuyển dụng mới thường tập trung ở khối văn hóa, thể thao, trong khi đó những ngành, lĩnh vực trọng điểm như khoa học, công nghệ, quy hoạch, kiến trúc, giao thông đô thị, di sản văn hóa, công nghệ thông tin đang rất cần những người có trình độ chuyên môn cao thì TP lại chưa thu hút được.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc trọng dụng, thu hút người tài về làm việc tại Hà Nội đang gặp khó khăn, trong đó có lý do từ các cơ chế chính sách của TP về công tác này không thể vượt quá quy định của TƯ. Chính vì vậy, khi Luật Thủ đô được thông qua, quy định “HĐND TP Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài” tại khoản 2 của Điều 13 là một cơ chế đặc thù giúp Hà Nội tháo gỡ những vướng mắc. Để quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống, UBND TP Hà Nội đã có Đề án Chính sách trọng dụng nhân tài được HĐND Thành phố thông qua. Theo đó, đối tượng hưởng chính sách trọng dụng nhân tài được áp dụng rộng rãi từ sinh viên tốt nghiệp đại học xuất sắc, thủ khoa, cho đến các tiến sĩ, bác sĩ, giáo viên, giảng viên, vận động viên, văn nghệ sĩ, chuyên gia, nhà khoa học.

 Đặc biệt, chính sách đề xuất nhiều điều khoản ưu đãi đối với các nhân tài như: Được hưởng phụ cấp đãi ngộ thu hút một lần bằng hai mươi lần lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận; được ưu tiên thuê, mua nhà ở xã hội theo quy định của Nhà nước và Thành phố. Đối với các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân có trình độ cao được giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế, ngoài một số ưu đãi khác sẽ được trả thù lao theo hợp đồng thỏa thuận trên cơ sở số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc. Có thể nói, với những quy định mới này khi triển khai vào đời sống, Hà Nội không chỉ trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng mà còn mở ra các cơ hội học tập, làm việc và điều kiện thuận lợi nhất để phát huy hết khả năng, thế mạnh của mỗi cá nhân khi cống hiến, xây dựng Thủ đô.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của đồng chí. Tin rằng, những chính sách và giải pháp của Hà Nội sẽ phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Nhân dịp Xuân Quý Mão, Báo Phụ nữ Thủ đô trân trọng gửi tới đồng chí lời kính  chúc sức khỏe, an khang, thịnh vượng! 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc

Hà Nội hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc

(PNTĐ) - Kỷ niệm 11 năm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3/2013-20/3/2024), ngày 19/3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức  trưng bày, giới thiệu sách với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người” và nói chuyện chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc”.