"Thời điểm này không nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn bộ sách giáo khoa"
(PNTĐ) - Chiều 31/10, phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho rằng thời điểm này không nên giao cho Bộ Giáo dục và đào tạo biên soạn bộ sách giáo khoa mà nên tập trung nghiên cứu, lựa chọn và sử dụng hiệu quả 1 bộ sách giáo khoa.
Mức chi phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa vượt bao nhiêu?
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 các vị đại biểu Quốc hội đã nhận được báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội khoá XIII và Nghị quyết số 51 của Quốc hội khoá XIV về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Về cơ bản, báo cáo đã đánh giá khách quan, công bằng những thành công của việc thực hiện Nghị quyết và chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thực hiện triển khai, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân cả nước vào công cuộc đổi mới giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời nêu lên những kiến nghị xác đáng, có tính hệ thống với Chính phủ để đổi mới một cách hiệu quả hơn...
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh chỉ rõ, báo cáo giám sát có nêu số liệu trong giai đoạn 2015 - 2022, Chính phủ đã bố trí 213.449 tỷ đồng cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Trong đó, chi thường xuyên chiếm 38,3%, chi đầu tư chiếm 61,7%. Do vậy, đề nghị các cơ quan cung cấp số liệu cho biết mức chi trên vượt bao nhiêu so với mức chi bình thường cho giáo dục phổ thông theo quy định?
Mức chi phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là bao nhiêu, gồm những khoản nào?
Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, nếu không rành mạch, rõ ràng, con số này có thể gây hiểu lầm về cách Chính phủ chi tiêu ngân sách nhà nước và kinh phí phí đổi mới chương trình sách giáo khoa.
Chỉ có thể bóc tách một số kinh phí thực hiện riêng
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) băn khoăn về số liệu kinh phí thực hiện chương trình sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho biết, trong báo cáo của Đoàn giám sát, số liệu này dựa vào báo cáo của Chính phủ; Đoàn giám sát cũng làm việc trực tiếp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và làm việc với Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị bóc tách kinh phí thực hiện cho chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là bao nhiêu là điều nên làm, tuy nhiên trong quá trình giám sát không thể làm được. Bởi quá trình triển khai chương trình sách giáo khoa mới là triển khai theo một lộ trình có sự tiếp nối giữa thực hiện chương trình cũ và chương trình mới, do vậy chỉ có thể bóc tách một số kinh phí thực hiện riêng.

Về xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đây là một trong những điểm nhấn và thành công khi triển khai đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
“Quá trình xã hội hóa bên soạn sách giáo khoa với sự tham gia của lực lượng rất lớn các nhà khoa học, nhà giáo (hơn 1.500 người). Chúng ta cũng ghi nhận thành công trong xã hội hóa sách giáo khoa là cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại biểu cũng thông tin về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, nội dung này đã được thể hiện rõ trong báo cáo của Đoàn giám sát gửi tới Đại biểu Quốc hội.
Biên soạn bộ sách giáo khoa mới tại thời điểm này là không cấp thiết
Chiều 31/10, phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho rằng thời điểm này không nên giao cho Bộ Giáo dục và đào tạo biên soạn bộ sách giáo khoa mà nên tập trung nghiên cứu, lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa và sử dụng có hiệu quả bộ sách giáo khoa.

Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới tại thời điểm này là không thực sự cấp thiết mà trên cơ sở các bộ sách giáo khoa hiện tại để lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với năng lực và năng lực giảng dạy của giáo viên, phù hợp với năng lực học tập cũng như mặt bằng của học sinh tại từng địa phương.
Đại biểu cũng cho rằng cần giao cho chính những chủ thể này quyền được lựa chọn bộ sách giao khoa phù hợp với môn học và tình hình thực tiễn tại cơ sở giáo dục của mình.
“Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chủ trì biên soạn sách giáo khoa chỉ nên được thực hiện, sau khi được tổng kết, đánh giá chất lượng, hiệu quả của việc đổi mới, việc triển khai thực hiện các bộ sách giáo khoa hiện tại, một cách khoa học, toàn diện, khách quan”- đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh.
Đề nghị quan tâm hơn đến giáo dục kỹ năng sống
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) bày tỏ đồng tình với kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 như trong báo cáo của Chính phủ. Đại biểu quan tâm tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo và chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục trong thời gian vừa qua với hạn chế trong việc đầu tư đội ngũ nhà giáo, nhiều việc liên quan khác nhưng chưa được quan tâm đúng mức với tinh thần nghị quyết đề ra.

Theo đại biểu Trần Quang Minh, công tác tuyển sinh của các trường đại học còn nhiều bất cập, học sinh ứng thí vào đại học chủ yếu mới được tiếp tiếp cận thông tin, việc xét điểm tốt nghiệp trung học phổ thông và xét học bạ thông qua phổ biến của ngành giáo dục.
Trong khi đó, việc tuyển sinh đại học hiện nay có nhiều hình thức khác nhau, ngoài việc xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông như thi đánh giá năng lực của các trường đại học quốc gia, của trường, liên trường, xét tuyển thẳng theo cơ chế riêng của trường chưa được phổ biến một cách rộng rãi...
Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm, phổ biến rộng rãi tất cả các hình thức thi cho học sinh chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông, tạo sự đồng bộ, công bằng. Đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo xem xét, rà soát, đánh giá chất lượng của các trường đại học hiện nay để có những sàng lọc, tránh đào tạo tràn lan, kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, kinh phí.
Đại biểu Trần Quang Minh cũng cho biết, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã có chủ trương của Bộ cách đây gần 10 năm, đây cũng là nội dung rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, Bộ chưa ban hành giáo trình chuẩn nên mỗi nơi làm mỗi khác, nhiều trung tâm kỹ năng chưa được kiểm định chất lượng, đội ngũ giáo viên chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản.
Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn đến giáo dục kỹ năng sống, qua đó góp phần lớn cho học sinh hoàn thiện nhân cách, ứng phó với nhiều tình huống xảy ra trong cuộc sống, nhà trường, bạn bè; góp phần rất lớn để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường hiện nay cũng như giảm thiểu tình trạng gia tăng và trẻ hóa người phạm tội vi phạm pháp luật.