Tiên phong hành động vì phụ nữ và trẻ em

Chia sẻ

Nhiệm kỳ 2017-2022, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” gắn với thực hiện"Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và hai khâu đột phá… Với sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội Phụ nữ trên cả nước đã góp phần khẳng định, Hội là tổ chức tiên phong luôn nỗ lực hành động vì phụ nữ và trẻ em, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.

Đồng chí Hà Thị Nga, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm Việt 	Ảnh: HPNĐồng chí Hà Thị Nga, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm Việt . Ảnh: HPN

Đa dạng hình thức hỗ trợ phụ nữ

Là địa phương khó khăn thuộc Tây Nguyên, Đăk Lăk có đông dân tộc thiểu số sinh sống. Thấu hiểu những khó khăn của đồng bào thiểu số, đặc biệt là phụ nữ dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, Hội LHPN tỉnh Đăk Lăk đã thực hiện “100 hoạt động/phần việc hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo”. Hội đã trao 15 mô hình sinh kế với tổng trị giá 200 triệu đồng cho 15 hộ gia đình hội viên; Hội LHPN cấp huyện, thị, thành phố đã thực hiện 289 hoạt động/phần việc với tổng trị giá trên 4 tỷ đồng; Hội LHPN cấp cơ sở triển khai 525 mô hình, công trình, phần việc.

Tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, những ngày đầu xuân mới 2022, nhờ sự vào cuộc của các cán bộ, hội viên phụ nữ, nhiều nhà văn hóa trên địa bàn đã có sự thay đổi diện mạo. Bà Trần Thị Chiến, Chủ tịch Hội LHPN phường An Lạc, thành phố Chí Linh, chia sẻ: Hội LHPN tỉnh đã phát động toàn thể cán bộ, hội viên thi đua tạo nguồn kinh phí từ vật liệu phế thải.

Kết quả, các cấp Hội đã thu gom được 36.043 kg phế liệu trị giá trên 200 triệu đồng, cùng với nguồn xã hội hóa trên 300 triệu đồng, 500 cán bộ, hội viên phụ nữ đóng góp hàng nghìn ngày công để thực hiện thành công công trình “Khuôn viên nhà văn hóa phụ nữ tự quản” với 3 tiêu chí Xanh - sạch - đẹp.

Đã có 63 công trình phụ nữ được dọn dẹp, chỉnh trang. Trong đó có 35 công trình khuôn viên PN tự quản với 160 ghế đá, 196 chậu hoa, cây cảnh, nhiều đường hoa, hàng cây xanh và tranh tường vẽ hoa…

Với người dân khu Hòa Bình 1, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, hình ảnh bà Trần Bích Thuận, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu Hòa Bình 1, Chủ nhiệm Câu lạc bộ San sẻ yêu thương tất tả đạp xe đạp đến thăm các hội viên phụ nữ, người có khó khăn đã không còn lạ.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, bà Thuận đã tích cực tuyền truyền, vận động, quyên góp kinh phí hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền trên 300 triệu đồng. Từ đó, bà hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo sửa nhà, xây nhà; hỗ trợ, tặng quà cho gia đình hội viên phụ nữ, trẻ em khó khăn, thực hiện chương trình “Đông ấm vùng cao” tại xã Quan Sơn... Bà tâm sự: Khi nào trên địa bàn còn người khó khăn, hành trình từ thiện của bà sẽ không dừng lại.

Đó chỉ là một số trong rất nhiều hoạt động vì phụ nữ, trẻ em, vì cộng đồng được các cấp Hội LHPN trên cả nước triển khai gắn với việc tích cực học tập và làm theo gương Bác.

Nhiệm kỳ qua, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã góp phần thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; hai khâu đột phá đã được các cấp Hội triển khai sâu rộng, hòa quyện vào các phong trào thi đua của đất nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Đến nay, 7 nhóm chỉ tiêu của nhiệm kỳ, trong đó có những chỉ tiêu mới và khó đều đạt và vượt ở mức cao (như chỉ tiêu thành lập HTX, chỉ tiêu giúp hộ thoát nghèo, phát triển hội viên…).

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các cấp Hội đã vận động được gần 482 tỷ đồng và 730.000 phần quà “San sẻ yêu thương” cho hội viên, phụ nữ và nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được triển khai theo hướng tập trung đồng bộ các giải pháp, các nguồn lực, phát huy được nội lực của hội viên, phụ nữ, tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Thông qua các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ, mô hình hỗ trợ có điều kiện, các hoạt động tiết kiệm tại chi Hội/tổ Phụ nữ, các cấp hội đã giúp hơn 2 triệu hộ nghèo, trong đó có gần 270.000 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” đã thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội, đáp ứng khát vọng khởi nghiệp của phụ nữ thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, qua đó đã hỗ trợ gần 73.000 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; gần 12.000 mô hình kinh tế tập thể và gần 800 hợp tác xã được thành lập.

Cùng với các phong trào thi đua, cuộc vận động, nhiệm kỳ qua, thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên phụ nữ”, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội đã tích cực đổi mới hình thức sinh hoạt, chuyển đổi cách tiếp cận, đa dạng hóa các hoạt động để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng, thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số và đại dịch Covid-19; củng cố các cơ sở có tỷ lệ dưới 50% phụ nữ tham gia hoạt động Hội; duy trì các mô hình tập hợp hội viên theo địa bàn dân cư, đối tượng, đồng thời mở rộng hoạt động các tổ, nhóm, câu lạc bộ theo đặc thù lứa tuổi, sở thích, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo, hoạt động thiện nguyện.

Bằng quyết tâm, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đến cuối nhiệm kỳ đã có trên 19 triệu hội viên (tăng 2.182.324 hội viên, vượt gần 2,2 lần so với chỉ tiêu), tỉ lệ tập hợp hội viên đạt 75,42%; từ 1.037 cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp hội viên dưới 50% đầu nhiệm kỳ đến cuối nhiệm kỳ chỉ còn 8 cơ sở.

Hội thi “Phụ nữ Đà Nẵng - Sống xanh, hành động xanh”	Ảnh: HPNHội thi “Phụ nữ Đà Nẵng - Sống xanh, hành động xanh”. Ảnh: HPN

“Cùng cả nước xây dựng nông thôn mới”

5 năm qua, thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội PN huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả góp phần đưa huyện Thanh Ba trở thành một trong các địa phương đứng đầu toàn tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội PN đã xây dựng trên 100 công trình/phần việc thực hiện cuộc vận động (CVĐ) gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội thăm, tặng quà các em nhỏ mồ côi do dịch Covid-19	Ảnh: H.LĐồng chí Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội thăm, tặng quà các em nhỏ mồ côi do dịch Covid-19. Ảnh: H.L

Nhiều cách làm hay sáng tạo, mô hình tiêu biểu đã ra đời như: Mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Hố rác mi ni tại hộ gia đình”; mô hình “Đường hoa xây dựng nông thôn mới”, “Đoạn đường hoa dân vận khéo”, “Tuyến phố hoa”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản” tại 19 xã, thị trấn… với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng.

Tại tỉnh Lào Cai, thực hiện cuộc vận động, các cấp Hội đã thành lập 658 mô hình câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp”, đến nay có 1.640 hộ được tổ chức hội giúp đỡ đạt 8 tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”, đạt 100% chỉ tiêu. Trong nhiệm kỳ đã có 253 tuyến “Đường hoa phụ nữ - sắc mới thôn quê”, “Đường hoa nông thôn mới”, “Tuyến phố điện, đường hoa”… góp phần bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan đường làng, ngõ xóm và diện mạo đô thị, nông thôn.

Tại tỉnh Tiền Giang, mô hình “Phụ nữ sản xuất nông sản an toàn” được cụ thể hóa từ CVĐ và xây dựng nông thôn mới đã có sức lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh. Chị Nguyễn Thị Nhanh, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ sản xuất nông sản an toàn ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước cho biết, tổ hiện thu hút 18 tổ viên với diện tích sản xuất 19ha chuyên canh trồng chanh không hạt.

Chị em tham gia mô hình này đã được Hội tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng chanh theo hướng an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe và môi trường, nông sản tiêu thụ thuận lợi, thu nhập nâng lên, không còn hộ khó khăn… Từ đó, phụ nữ càng gắn bó với Hội và tin tưởng vào các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tại Hà Nội, theo đồng chí Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội: 5 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện CVĐ.

Trọng tâm là thi đua giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; thi đua nuôi dạy con tốt, không để trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; giáo dục các thành viên gia đình chấp hành tốt pháp luật, ứng xử có văn hóa trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; hỗ trợ giúp đỡ người thân trong gia đình có người lầm lỡ trở về.

Từ nhiều việc làm thiết thực và mô hình hay, tổ chức Hội đã giúp đỡ thêm 21.887 gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”; 10.070 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, 7.152 hộ ra khỏi diện cận nghèo, trao 10.020 suất học bổng, đỡ đầu hàng tháng 122 con em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện học tập, trên 700 thanh thiếu niên chậm tiến có tiến bộ…

Đồng chí Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam cho biết: 5 năm qua, công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, trọng tâm là CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Hội LHPN thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tổ chức bàn giao nhà “Mái ấm tình thương”Ảnh: HPNHội LHPN thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tổ chức bàn giao nhà “Mái ấm tình thương”. Ảnh: HPN

Đến nay các tỉnh, thành đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII về thực hiện cuộc vận động (đăng ký hơn 14.000 phần việc với cấp ủy chính quyền địa phương, gần 13 triệu hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”), gần 17 nghìn công trình/phần việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu do các chi Hội/tổ Phụ nữ đảm nhiệm được triển khai linh hoạt, rộng khắp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và khẳng định vai trò của tổ chức Hội ở cơ sở. Từ CVĐ này, các cấp Hội Phụ nữ đã đóng góp đáng kể vào việc thực hiện 13/19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Bước sang nhiệm kỳ 2022-2027, Hội LHPN Việt Nam dự kiến tiếp tục triển khai CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với các tiêu chí cụ thể, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; tập trung thực hiện có chất lượng nội dung “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”.

Hằng năm, mỗi cơ sở Hội vận động, hỗ trợ thêm 5 hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” hoặc “gia đình 5 có “ (gồm: Có ngôi nhà an toàn; Có sinh kế bền vững; Có sức khỏe; Có kiến thức; Có nếp sống văn hóa) , 3 sạch” (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu), phấn đấu cả nước giúp được thêm 55.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; mỗi cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 1 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

5 điểm nhấn của phong trào phụ nữ nhiệm kỳ 2017 - 2022

5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp phụ nữ đã đoàn kết, kiên cường, nỗ lực góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới có những tiến bộ rõ nét, đó là Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong số 5 nhóm gồm 166 nước trên toàn thế giới, xếp thứ 68 trong số 166 nước về chỉ số phát triển giới. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ khẳng định phẩm chất tốt đẹp, tiềm năng to lớn và vai trò quan trọng trong gia đình, xã hội. Nhiệm kỳ 2017-2022, 5 điểm nổi bật của phong trào phụ nữ gồm:

Một là, các tầng lớp phụ nữ đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo vươn lên, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy vai trò làm chủ, tham gia tích cực vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên mọi khu vực, ngành nghề của nền kinh tế, lực lượng lao động nữ, nữ doanh nhân đã đóng góp đáng kể vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, chương trình quốc gia khởi nghiệp, góp phần khẳng định chất lượng và khả năng cạnh trạnh của sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.

Hai là, với nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước, đặc biệt, lần đầu tiên kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Phụ nữ ngày càng ý thức được trách nhiệm và quyền công dân, phát huy quyền làm chủ, tham gia tích cực trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Ba là, phụ nữ tiếp tục thực hiện tốt thiên chức người mẹ, người thầy đầu tiên của con người, là điểm tựa tinh thần, gắn kết yêu thương và chia sẻ trách nhiệm chăm lo xây dựng gia đình. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, phụ nữ đã trao truyền các giá trị văn hóa gia đình, đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bốn là, trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phụ nữ cả nước bằng tấm lòng yêu thương, nhân ái, đã phát huy cao độ trách nhiệm công dân, tham gia trên mọi mặt trận góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ổn định cuộc sống.

Năm là, trong tiến trình hội nhập toàn diện của đất nước, phụ nữ trong lực lượng vũ trang và lĩnh vực đối ngoại tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh đất nước, khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam như một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

THANH LAN

Tin cùng chuyên mục

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.
Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

(PNTĐ) - Sau thời gian học tập ở Liên Xô, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó ít lâu vào Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí đã chủ trì dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Khởi công dự án cấp nước cho phía Nam TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình

Khởi công dự án cấp nước cho phía Nam TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình

(PNTĐ) - Chiều 18/4, đoàn công tác UBND thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm trưởng đoàn làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình. Tham gia đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn; lãnh đạo một số sở, ngành.
Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.