Tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp nhằm khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 7/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Quan điểm xây dựng dự án luật là để thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã).

Tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp nhằm khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày 

Đồng thời, phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp; tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính từ trung ương đến cấp xã; xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp xã theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, nhằm khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển.

Quán triệt chủ trương của Trung ương, Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, tạo khung khổ pháp lý để đẩy mạnh sự phát triển của đất nước.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều , cơ bản kế thừa nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc phân định thẩm quyền của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định rõ cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố; cấp xã gồm xã, phường và đặc khu (ở hải đảo). Đối với đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập. Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã, dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh: ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định hiện hành thì dự thảo Luật bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư,… của địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp nhằm khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển - ảnh 2
Quang cảnh kỳ họp

Chính quyền địa phương cấp xã: thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã (mới).

Về tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, với chính quyền địa phương cấp tỉnh, dự thảo Luật cơ bản giữ như quy định hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Với chính quyền địa phương cấp xã, dự thảo Luật quy định HĐND cấp xã có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô của đơn vị hành chính cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.

Có cơ chế phân công, ủy quyền linh hoạt hơn

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành với các lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời tán thành việc xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Hồ sơ dự án Luật bảo đảm đầy đủ, đúng quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về các trường hợp UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã (khoản 4 Điều 11).

Đề nghị có cơ chế phân công, ủy quyền linh hoạt hơn để UBND cấp xã có thể giao cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, thậm chí là cả công chức thuộc UBND cấp mình thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương, nhất là đối với các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp có diện tích tự nhiên và quy mô dân số lớn để bảo đảm kịp thời giải quyết các hồ sơ, công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn (Điều 13).

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp tại Chương IV của dự thảo Luật để thể hiện rõ nét hơn chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm phân định một cách hợp lý nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.

Tiếp tục cân nhắc, chỉnh lý một số quy định về số lượng và lĩnh vực phụ trách của các Ban của HĐND cấp xã (điểm a khoản 3 Điều 29); số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã (Điều 30); nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND được quyết định chế độ chi ngân sách để thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trên địa bàn hoặc thực hiện nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền (điểm c khoản 13 Điều 31)...

Tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp nhằm khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển - ảnh 3
Các đại biểu dự kỳ họp

Đặc biệt, cần tiếp tục rà soát quy định chuyển tiếp (Điều 54) của dự thảo Luật và các quy định khác có liên quan để bao quát hết các trường hợp cần chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, công việc của chính quyền cấp huyện khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (không tổ chức cấp huyện), tránh bỏ sót, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, xây dựng đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới

Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, xây dựng đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là biểu hiện cao độ của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất và kiên cường của dân tộc ta. 71 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay.
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả

(PNTĐ) - Sáng 7/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.