Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024

THU HÀ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 17/11, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn GDVN tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. 21 Nhà giáo nhân dân, 65 nhà giáo ưu tú và 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo đã vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý này.

Tham dự Lễ Tuyên dương có: Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy; bà Trần Lan Phương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân.

Đến dự chương trình còn có sự góp mặt của các đồng chí lãnh đạo đại diện các Vụ, Cục, các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Đặc biệt là sự có mặt của 337 Nhà giáo nhân dân (NGND), Nhà giáo ưu tú (NGUT), Nhà giáo tiêu biểu (NGTB) năm 2024 vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 - ảnh 1
Các đại biểu tham dự chương trình.  Ảnh Trần Hiệp

1.188 nhà giáo đã được trao tặng danh hiệu NGND, NGƯT

Báo cáo công tác xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và xét chọn Nhà giáo tiêu biểu năm 2024, ông Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) cho biết: Ngày 30/5/1985, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc. Từ năm 1986 đến năm 2020, qua 15 lần xét tặng, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng 650 NGND và 9081 NGUT. Đây là sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành Giáo dục nói chung, đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, thể hiện truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Đối với việc xét tặng lần thứ 16 vào năm 2023, thực hiện Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các Bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc xét tặng danh hiệu NGND, NGUT lần thứ 16.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 - ảnh 2
Ông Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo về công tác xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và xét chọn Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Ảnh:Trần Hiệp

Việc tổ chức xét tặng được triển khai thực hiện theo các cấp hội đồng từ Hội đồng cấp cơ sở (tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học và cơ quan quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương) đến Hội đồng cấp huyện, Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước. Theo đó, các nhà giáo đủ tiêu chuẩn, điều kiện về tài năng sư phạm, có công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, có uy tín về chuyên môn, có ảnh hưởng trong ngành và lĩnh vực được lựa chọn để trình cấp có thẩm quyền xét, trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự NGND, NGUT.

Đến Hội đồng cấp Nhà nước, Bộ GD&ĐT là cơ quan thường trực Hội đồng xét tặng danh hiệu NGND, NGUT năm 2023 đã nhận được 1225 hồ sơ, trong đó có 24 hồ sơ đề nghị NGND và 1201 hồ sơ đề nghị NGUT, trong đó, có 33 nhà giáo người dân tộc thiểu số. Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng cấp Nhà nước đã họp, bỏ phiếu, trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước.  Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu NGND cho 21 nhà giáo và NGUT cho 1167 nhà giáo.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 - ảnh 3
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Chủ tịch nước lên trao danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo. Ảnh Trần Hiệp.

Ngoài danh hiệu NGND, NGUT, từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xét chọn "Nhà giáo tiêu biểu của năm" nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có đóng góp đặc biệt xuất sắc, tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa trong toàn ngành, qua đó tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong cả nước, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đến năm 2024, sau 8 lần xét chọn Nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ GD&DT đã ký quyết định tặng Bằng khen cho 1851 nhà giáo.

Tôn vinh nghề dạy học, vinh danh nhà giáo đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Tôn vinh nghề dạy học, vinh danh nhà giáo đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của đất nước chúng ta. Nhiều năm nay, ngành Giáo dục đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tuyên dương nhà giáo tiêu biểu, đặc biệt vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo VN 20/11. Năm nay, Bộ GDĐT tiếp tục chủ trì phối hợp cùng Công đoàn GDVN trang trọng tổ chức Lễ tuyên dương, trao tặng danh hiệu NGND, NGUT và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 - ảnh 4
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu. Ảnh Trần Hiệp

“Có mặt tại sự kiện hôm nay gồm những NGND, NGUT, những nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu của ngành, cũng tức là những người đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong đổi mới và phát triển giáo dục. Tôi xin bày tỏ sự ghi nhận, sự đánh giá rất cao đối với sự đóng góp của các cô các thầy cho ngành giáo dục, cho sự nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo của đất nước trong suốt thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Theo Bộ trưởng, làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, giáo dục hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó. Để đạt được danh hiệu NGND, NGUT, NGTB, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, đã vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân và lan tỏa các giá trị tốt đẹp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các thầy các cô tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình, lan tỏa tới đồng nghiệp, tới học trò, tới xã hội tinh thần làm thế nào mà mình đã trở nên ưu tú, góp phần làm cho  ngành ta những người ưu tú ngày càng đông thêm và sự ưu tú gia tăng thêm, đặc biệt hơn là sẽ lan tỏa mãi.

Các thầy các cô đã là những nhà giáo ưu tú, được vinh danh bằng các danh hiệu NGDN, NGUT, NGTB. Đây là ghi nhận không chỉ của cơ sở, của ngành Giáo dục mà còn của Đảng và Nhà nước. Các thầy các cô đã có nhiều đóng góp, đã đóng góp nổi trội và thể hiện sự ưu tú đó trong ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, sẽ còn nhiều thách thức mà ngành của chúng ta sẽ phải đối mặt để vượt qua và thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn. Sau một quá trình thực hiện đổi mới thành công bước đầu với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, đã tới lúc chúng ta phải tập trung đổi mới và nâng cấp giáo dục mầm non.

Trong đó, bao gồm nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện như: Các vấn đề huy động trẻ, triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, phổ cập mầm non theo độ tuồi, đảm bảo đủ giáo viên, đủ cơ sở vật chất, huy động nguồn lực xã hội, lo cơ sở vật chất, an toàn trường học, chống bạo hành và an toàn thực phẩm, đủ giáo viên và đảm bảo các điều kiện để giáo viên an tâm công tác.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 - ảnh 5
Các nhà giáo tiêu biểu đón nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Ảnh Trần Hiệp

Cùng với đó, giáo dục phổ thông đã đến thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Cần có một lần đánh giá quá trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông để rút kinh nghiệm, điều chỉnh những nội dung cần thiết để thực hiện đổi mới theo chiều sâu hơn.

Đối với giáo dục đại học, cùng với việc triển khai tự chủ đại học theo chiểu sâu, một trong những nhiệm vụ trước mắt cần phải thực hiện là hiện đại hóa cơ sở vật chất giảng dạy, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu vốn còn rất nghèo nàn và lạc hậu so với các đại học tiên tiến trên thế giới…

Đối với giáo dục thường xuyên và xây dựng xã hôi học tập, học tập suốt đời, các địa phương cần: Hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, chú trọng với những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nơi có tỉ lệ người mù chữ cao…

Để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn nói trên, toàn ngành Giáo dục phải rất quyết tâm và cần hội đủ nhiều điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, mà tiêu biểu là các nhà giáo và cán bộ QLGD có vai trò đặc biệt quan trọng. Các NGND, NGUT, NGTB sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng các nhà giáo.

Các danh hiệu là sự ghi nhận, sự tôn vinh cho cái đã qua, bề dầy sự thể hiện và đóng góp của các cô, các thầy, đồng thời cũng là những kỳ vọng, trông đợi các cô, các thầy tiếp tục tỏa sáng, tham gia góp sức vào sự nghiệp phát triển giáo dục.

Vinh dự vô cùng to lớn là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước

Cô giáo Vũ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Sở GDĐT Yên Bái là một trong số các nhà giáo tiêu biểu vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2024. Đại diện cho các nhà giáo biêu biểu phát biểu, cô Hạnh cho biết: “Hôm nay, được đứng đây nhận danh hiệu vinh dự cao quý nhất do Nhà nước trao tặng cho nhà giáo, đọc dòng chữ “Đã có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc”, bản thân tôi vô cùng xúc động nhưng đồng thời không khỏi lo lắng, trăn trở.

Xúc động bởi đây là một vinh dự vô cùng to lớn, là sự ghi nhận của Đảng và nhà nước với những cống hiến của bản thân tôi suốt 34 năm qua cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Lo lắng, trăn trở bởi từ nay, trách nhiệm của mình sẽ cao hơn, phải sống, làm việc và cống hiến sao cho xứng đáng với danh hiệu cao quý được được Đảng và Nhà nước phong tặng”.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 - ảnh 6
Cô giáo Vũ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Sở GDĐT Yên Bái là một trong số các nhà giáo tiêu biểu vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2024.

Được sinh ra và lớn lên trên vùng đất quế Văn Yên - một huyện miền núi vùng cao xa xôi của tỉnh Yên Bái, ngay từ khi còn nhỏ, cô Hạnh đã ước mơ mình được làm cô giáo, đã thường chơi trò chơi dạy học, bắt các bạn cùng nhóm mầm non làm học sinh để mình làm cô giáo. Và cô đã theo đuổi mơ ước ấy suốt những năm tháng học phổ thông. Tốt nghiệp THPT, giữa lúc bạn bè người chọn ngành Y, ngành Dược, Thương nghiệp, Ngoại thương… riêng cô chọn thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với nỗ lực cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của các thầy cô, mơ ước của cô Hạnh đã thành sự thật.

“Từ khi trở thành cô giáo, trong đầu tôi luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: "Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy như thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh".  Vì vậy, mỗi giờ học tôi đều đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp với nguyên tắc: Trong mỗi bài dạy, kiến thức phải được cô đọng, trọng tâm, không dàn trải. Phải phát huy tối đa tính tích cực của học sinh để các em tự khám phá tìm tòi kiến thức thì sẽ nhớ rất lâu. Bên cạnh đó học phải đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống, sẽ làm cho các trò thấy được ý nghĩa của mỗi môn học”, cô Hạnh cho biết.

Không chỉ truyền thụ kiến thức, cô Hạnh tâm niệm rằng giáo dục không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả con tim, còn phải “dạy người” cho các học sinh. Tình yêu thương chân thành và sự quan tâm đúng mực của mỗi nhà giáo có thể dìu dắt học trò vượt qua những khó khăn, thử thách và trở thành học sinh tiêu biểu, những công dân có ích cho xã hội.

Với phương châm như vậy, nên suốt 34 năm qua đứng trên bục giảng, được chứng kiến những thăng trầm, những đổi thay, những bước đột phá của nền giáo dục nước nhà, dù còn muôn vàn khó khăn vất vả, nhưng cô Hạnh cùng với các đồng nghiệp của mình vẫn vững tay lái, chắc tay chèo, tất cả vì học sinh thân yêu, vì nhiệm vụ thiêng liêng của nghề thầy: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, cho đất nước.

Được phong tặng danh hiệu NGND, đó là vinh dự không chỉ của cá nhân cô giáo Hạnh và Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên mà còn là niềm vui lớn của ngành giáo dục Yên Bái.

Tin cùng chuyên mục

Huyện Gia Lâm: Tưng bừng tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Huyện Gia Lâm: Tưng bừng tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

(PNTĐ) - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đề nghị cán bộ, nhân dân Liên khu dân cư thôn Khoan Tế, Ngọc Động, Lê Xá, Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau xây dựng Liên khu dân cư và xã Đa Tốn ngày càng phát triển; giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết

Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết

(PNTĐ) - Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, ươm mầm khát vọng, chắp cánh bay cao, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo; bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.