Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Trẻ em được quyền tiếp cận không giới hạn các cơ sở và dịch vụ khám chữa bệnh

HẠNH LÊ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều nay (26/5), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Trẻ em được quyền tiếp cận không giới hạn các cơ sở và dịch vụ khám chữa bệnh - ảnh 1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến tại phiên thảo luận

Đồng bộ và cụ thể hóa quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em

Cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh việc sửa luật là rất cần thiết, bởi sức khỏe của người dân là vấn đề thiết yếu, quan trọng, trong khi đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành từ năm 2009 đến nay đã lạc hậu, không bắt kịp với thực tiễn và nhu cầu đời sống của người dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quan tâm tới đối tượng trẻ em và cho biết, trẻ em là tương lai của đất nước, nhưng cũng là đối tượng đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tổn thương về sức khỏe. Tuy nhiên, Luật chưa đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành y tế trong khám chữa bệnh đối với trẻ em. Vì vậy, cần bổ sung các nội dung liên quan đến khám chữa bệnh cho trẻ em, qua đó đồng bộ, cụ thể hóa quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em như quy định trong Luật Trẻ em năm 2016. Chủ tịch nước cũng nêu rõ, đối tượng trẻ em cần được mở rộng là người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em 2016 thay vì quy định dưới 6 tuổi.

Ngoài việc được ưu tiên khám trước, xét nghiệm, điều trị trước, theo Chủ tịch nước, các em còn được bảo đảm các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần. Cần quan tâm đặc biệt đến những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bị tàn tật, mồ côi, người dân tộc thiểu số, trẻ em bị một số bệnh hiểm nghèo. Các quy định về khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến không áp dụng đối với trẻ em. Trẻ em được quyền tiếp cận không giới hạn các cơ sở và dịch vụ khám chữa bệnh.

Cùng với đó, không áp dụng hạn mức trần thanh toán, các dịch vụ khám, chăm sóc điều trị, áp dụng cho trẻ em gặp các bệnh hiểm nghèo không có khả năng chi trả như ung thư, tim hoặc áp dụng mức trần cao hơn dành cho trẻ em trong lộ trình trước mắt tiến tới xóa bỏ thời hạn cần chi trả bảo hiểm y tế.

Cần hướng đến việc giảm quá tải tuyến trên

Trẻ em được quyền tiếp cận không giới hạn các cơ sở và dịch vụ khám chữa bệnh - ảnh 2
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại tổ

Đồng tình với nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, hệ thống y tế chưa bao giờ phải chịu áp lực và khối lượng công việc lớn như 3 năm qua. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 với những công việc mới, khó, chưa từng có tiền lệ, vai trò của hệ thống chính sách, pháp luật trong hệ thống y tế đặc biệt quan trọng. Mặc dù hệ thống pháp luật liên tục được hoàn thiện nhưng trên thực tế dịch bệnh đã chỉ ra không ít bất cập, hạn chế. 

Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ từng nhiệm vụ cụ thể cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết những vấn đề có thể chưa có quy định trong luật để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân. Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rẳng, đây là việc chưa từng có tiền lệ, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đồng thời đặt ra tính cấp thiết phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế. Do đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết, về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng chia thành 3 cấp: khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu là phù hợp. Tuy nhiên, để dự án Luật phù hợp với thực tiễn hơn cần làm rõ khái niệm y tế cơ sở để có hình thức đầu tư cho phù hợp bởi đây là cấp thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phân tích: Mặc dù chúng ta phân thành 3 cấp chuyên môn nhưng người bệnh không lựa chọn cấp cơ sở, chọn tuyến tỉnh, Trung ương vì được thông tuyến bảo hiểm. Điều này tạo ra tình trạng quá tải ở Trung ương, còn địa phương thì vắng. Vì thế, việc sửa đổi cần hướng đến việc giảm quá tải tuyến trên trong khi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân lại chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, cần chú trọng thực hiện mã định danh của cá nhân để thuận tiện trong theo dõi quá trình khám, chữa bệnh của người dân từ khi sinh ra đến khi quađời giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, phân tuyến tốt hơn. 

Người dân chỉ cần 10 phút là có thể được tiếp cận với y tế

Trẻ em được quyền tiếp cận không giới hạn các cơ sở và dịch vụ khám chữa bệnh - ảnh 3
Các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội tại phiên thảo luận tại tổ 

Tham gia góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, từ thực tiễn cho thấy việc sớm thông dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết. Đại biểu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh cho người dân, trong đó chú trọng việc khám, chữa bệnh từ xa để phù hợp với xu thế của các nước phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt quan tâm đến đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, các trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người dân để khi mắc bệnh chỉ cần 10 phút là có thể được tiếp cận với y tế.

“Nếu cần có thể chúng ta xây dựng hẳn một chương trong dự thảo Luật để có quy định cụ thể hơn về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa (Điều 55). Trong đó, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cơ chế thanh toán và trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan liên quan” - đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết.

Đồng thời, kỳ vọng vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi lần này sẽ đem đến nhiều thay đổi. Luật phải thực sự là gắn liền với lợi ích người bệnh hơn và sửa đổi bổ sung những điều bất cập, khiếm khuyết thời gian qua dẫn đến nhiều hệ lụy trong khám chữa bệnh và giải quyết vấn đề của cán bộ y tế.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị Chính phủ đầu tiên sau cuộc cách mạng có tính lịch sử “sắp xếp lại giang sơn“

Hội nghị Chính phủ đầu tiên sau cuộc cách mạng có tính lịch sử “sắp xếp lại giang sơn“

(PNTĐ) - Chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu trong cả nước.
Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 thành công tốt đẹp

Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 thành công tốt đẹp

(PNTĐ) - Sáng 3/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2025 – 2030 với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn dự và chỉ đạo tại Đại hội.
Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm

Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm

(PNTĐ) - Chiều 3/7, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước (NSNN)… tốt hơn qua từng tháng, từng quý.