Từ hôm nay, dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh
(PNTĐ) - Hôm nay (ngày 14/2), Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Theo đó, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ không được thu tiền của học sinh, mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 tiết/tuần.
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực kể từ ngày 14/2/2025 và thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT hiện hành.
Thông tư này quy định về dạy thêm, học thêm đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, bao gồm: nguyên tắc dạy thêm, học thêm; các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm; tổ chức dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm.
Thông tư 29 áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
Theo Điều 3 của Thông tư, dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên (gọi chung là học sinh) có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Nội dung dạy thêm, học thêm không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội. Không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm.
Việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
Thời lượng, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh; tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
Quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Không được thu tiền của học sinh
Theo Điều 5 của Thông tư, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học gồm 3 đối tượng: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Căn cứ vào số học sinh đăng kí, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp.
Việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau: Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh; Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 tiết/tuần.
Đồng thời, kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.
Thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm
Trước đó, ngày 7/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 10/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Công điện nêu rõ: Trong thời gian qua, toàn ngành Giáo dục đã tập trung thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội; và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở một số địa phương còn bất cập chưa được kịp thời xử lý ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hướng dẫn các nhà trường, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông; Quy định về dạy thêm, học thêm đã được Bộ GD-ĐT ban hành.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông; Quy định về dạy thêm, học thêm; yêu cầu xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm theo quy định.

Trước việc siết chặt vấn đề dạy thêm, học thêm, nhiều trường học và giáo viên đã có nhiều "tâm tư" khi hoạt động dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền, do nhà trường không có nguồn kinh phí để chi cho hoạt động này. Đồng thời băn khoăn liệu chất lượng ôn tập cho học sinh có chất lượng khi giáo viên phải dạy miễn phí.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Điều lệ nhà trường quy định: Các hoạt động giáo dục thực hiện theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, được tổ chức trong và ngoài giờ lên lớp, trong và ngoài khuôn viên nhà trường, nhằm thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Hoạt động giáo dục thông qua một số hình thức chủ yếu: Học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, thực hiện các dự án học tập, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Vì vậy, ngoài giờ học trên lớp, các nhà trường cần phải dành thời gian tổ chức cho học sinh khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất của nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định, qua đó luyện tập, vận dụng kiến thức đã học để phát triển phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của chương trình.