Xem xét tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường vào đầu năm 2024

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 29/11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường vào tháng 1/2024 để xem xét một số nội dung quan trọng về luật pháp cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Xem xét tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường vào đầu năm 2024 - ảnh 1
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo

Ngay sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả của kỳ họp.

Từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương

Trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội đã quyết định tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.700.988 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.119.428 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỷ đồng (tương đương 3,4% GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 690.553 tỷ đồng.

Từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở.

Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.

Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước…

Quốc hội giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc kỳ họp thứ 6 Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thể hiện sự cẩn trọng, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu cuộc sống.

Việc này cũng bảo đảm các dự án luật bền vững, đặc biệt không xung đột, chồng chéo đối với các văn bản luật khác bởi trong quá trình thảo luận tại Quốc hội còn những ý kiến khác nhau, cần có thời gian xem xét kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách.

“Khi chính sách ban hành rồi nhưng chưa đánh giá tác động kỹ lưỡng thì sau này sửa đổi luật rất khó”, ông Bùi Văn Cường nói.

Xem xét tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường vào đầu năm 2024 - ảnh 2
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến trả lời báo chí

Trả lời báo chí về những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện tại 2 dự án luật trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết, đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tới thời điểm hiện nay, ngoài vấn đề đã thống nhất các phương án chỉnh sửa, vẫn còn tồn tại 1 số nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, thực hiện rà soát toàn thể dự thảo luật, dự thảo văn bản hướng dẫn.

Cụ thể các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các phương án tối ưu bao gồm: Thực hiện nhà ở thương mại, dự án hỗ hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận quyền sử dụng thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội mà không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; vấn đề quản lý khai thác quỹ đất; các trường hợp áp dụng phương pháp định giá đất cũng như sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế; trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản...

Liên quan Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 3 lần, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau và là 3 vấn đề hết sức quan trọng: Can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt các tổ chức tín dụng.

Đây là các vấn đề hết sức trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và an toàn tài chính quốc gia nói chung và liên quan việc sử dụng các nguồn lực Nhà nước.

Trả lời về phương pháp định giá đất, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm cho biết, trong 6 vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu, có định giá đất.

Đây là nội dung rất phức tạp, dự thảo đang đưa ra nhiều phương pháp, mỗi phương pháp chỉ phù hợp trong mỗi trường hợp nhất định, lựa chọn cuối cùng phải trên cơ  sở vừa giải quyết được vướng mắc hiện nay nhưng cũng phù hợp thực tiễn lâu dài.

Xem xét tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024 

Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6, sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng 29/11/2023), Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.

Xem xét tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường vào đầu năm 2024 - ảnh 3
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời báo chí

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, hiện tại đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024 để xem xét một số nội dung quan trọng về luật pháp cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Trả lời về vấn đề quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước trong Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, đây là quy định mới của Luật. Việc thu thập mống mắt được thực hiện với thiết bị chuyên dùng của cơ quan quản lý căn cước; khi người dân đến làm mới, cấp đổi mới thẻ căn cước thì cơ quan quản lý sẽ thu thập thông tin mống mắt để làm giàu dữ liệu căn cước và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công dân đang có thẻ căn cước công dân vẫn còn hiệu lực thì thẻ này vẫn có giá trị sử dụng như thẻ căn cước mới. Công dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện tích hợp, khai báo thông tin, trừ trường hợp công dân có nhu cầu bổ sung, đổi thẻ căn cước.

 

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.