Xuân xưa trên báo Tết 1865-2000
(PNTĐ) -Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2023, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức tọa đàm và trưng bày các ấn phẩm báo Tết với chủ đề "Xuân xưa trên báo Tết 1865 – 2000". Đây là hoạt động tổ chức để hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950/21/4/2023).
Chia sẻ tại buổi triển lãm, nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhấn mạnh, các ấn phẩm báo Xuân, báo Tết luôn là những sản phẩm được lựa chọn, là những ấn phẩm mang giá trị thẩm mỹ, mang giá trị nội dung, giá trị của lịch sử. Để khai thác vẻ đẹp đó cần sự cố gắng của người làm báo cả nước.

"Thông qua triển lãm ngày hôm nay, tôi mong rằng tất cả công chúng tham dự Hội báo được trở về quá khứ trước khi đến với ngày hôm nay. Chúng ta đi từ xuân xưa đến xuân nay. Đi từ những di sản của cha ông thế hệ làm báo trước để có được những tờ báo hôm nay. Qua đó chúng ta thấy được bề dày của lịch sử, thấy được những câu chuyện lịch sử, báo xuân trong lịch sử chứ không chỉ là câu chuyện hôm nay chúng ta đang làm. Ở triển lãm chúng ta được tiếp cận với cách làm báo, thành tựu nổi bật của ông cha ta, từ đó chúng ta có thêm những bài học nghề nghiệp, những cách thức học hỏi cha ông”- nhà báo Trần Thị Kim Hoa chia sẻ.

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực báo chí, nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập báo Nhân dân cho biết: Chúng tôi và các đồng nghiệp làm báo đều rất mong chờ được viết, tham gia thiết kế nội dung, trình bày trang báo hay tổ chức xuất bản các số báo Tết; độc giả khắp mọi miền Tổ quốc cũng chia vui với chúng tôi, háo hức chờ đợi món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày đầu xuân.

Qua những tờ báo Xuân, phong vị của Tết xưa hiển hiện rõ nét với nhiều điểm nhấn. Báo Xuân không chỉ “ôn cố” mà còn “tri tân”, không chỉ tổng kết những chuyện lắng đọng đã qua mà còn mang tới những niềm vui, những câu chuyện hấp dẫn, kiến tạo bầu không khí tưng bừng, với những phong tục tập quán độc đáo ngày xuân ở ba miền đất nước, hay giới thiệu văn hóa muôn màu, thế giới muôn sắc.