Hà Nội ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2023

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trường hợp mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2023, trên địa bàn TP Hà Nội được ghi nhận là một bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ.

Cụ thể, ngày 19/9, bé trai này xuất hiện các biểu hiện như: Sốt cao, đau đầu, mệt mỏi… Đến ngày 25/9, bệnh nhi được đưa vào điều trị nội trú tại BV Nhi trung ương; lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus viêm não Nhật Bản. 

Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc BV Nhi trung ương, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25-35%). 

Virur gây viêm não Nhật Bản thường tấn công trẻ nhỏ (dưới 15 tuổi). Bệnh nhân có thể xuất hiện những biến chứng sớm như: Viêm phế quản, viêm phổi. Mặt khác, những di chứng sớm có thể gặp ở bệnh này là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần… Di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần…

Hà Nội ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2023 - ảnh 1
Một bệnh nhi điều trị viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi trung ương

Đáng nói, bệnh viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác, diễn tiến của bệnh lại rất nhanh, thậm chí chỉ sau 1 ngày bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê.

Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp…

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, đau đầu, nôn khan thì hãy nghĩ ngay đến viêm não và đưa trẻ đến khám. Trong trường hợp để trẻ xuất hiện các biểu hiện nặng thì sẽ gây ra nhiều biến chứng và rất khó khăn trong quá trình điều trị.

Về giải pháp phòng bệnh, theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

Tiêm chủng với 3 liều cơ bản. Trong đó, mũi 1 tiêm ngay sau 1 tuổi (tiêm càng sớm càng tốt); mũi 2 sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngoài ra, các gia đình cần loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu; ngủ màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tin cùng chuyên mục

Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

(PNTĐ) - Như một phép màu, sau 57 năm thất lạc, ông Chu Nghiêm (sinh năm 1941, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) và con gái là chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1967, trú tại xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã tìm được nhau nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Công an phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Lãnh đạo nhiều nước và đông đảo bạn bè quốc tế dự Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Lãnh đạo nhiều nước và đông đảo bạn bè quốc tế dự Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

(PNTĐ) - Sáng 30/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).