Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Dự án đầu tư đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội: Từ quyết tâm chính trị đến quyết liệt triển khai

Kỳ 3: Điểm sáng trong triển khai giải phóng mặt bằng

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thực hiện Dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến quận, huyện, xã phường đang vào cuộc mạnh mẽ để bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, qua đó tăng cường tính kết nối, liên thông, tạo động lực phát triển đột phá cho cả Vùng Thủ đô. Quá trình triển khai thực hiện dù mới ở giai đoạn đầu song đã xuất hiện nhiều điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng, báo hiệu về sự đồng thuận cao trong nhân dân và quyết tâm của hệ thống chính trị.

  Điểm sáng “Trọn nghĩa vẹn tình”

Kỳ 3: Điểm sáng trong triển khai giải phóng mặt bằng - ảnh 1

Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 qua tại xã Kim Hoa (ảnh Thanh Tuyền).

 Ngay từ giữa tháng 10, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh đã hoàn thành việc khó chính là thực hiện di chuyển toàn bộ 50 ngôi mộ nằm trong địa giới đường Vành đai 4, đây cũng là xã đầu tiên của thành phố hoàn thành việc di chuyển mộ chí.

Để có được kết quả nhanh chóng như vậy, ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa khẳng định: “Đó là quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trước tiên là sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Riêng đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh đã 7 lần xuống địa phương, trực tiếp chỉ đạo rất sát sao. Đảng bộ, chính quyền xã chúng tôi trên dưới đồng tâm, nhất trí cao nên tập trung tuyên truyền, vận động đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Vì vậy mà dù nhà nước chưa đền bù giải phóng mặt bằng song nhân dân đã ủng hộ cao”.

Ông Lê Xuân Trường cho hay, xã Kim Hoa hiện chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp, con đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô là đường trung ương đầu tiên đi qua xã. Con đường trọng điểm quốc gia có mặt cắt 120m, có đường cao tốc trên cao, quy hoạch hai bên đường sẽ là đô thị nên con đường hình thành càng sớm, nhân dân xã Kim Hoa càng được sớm hưởng lợi, xã sẽ sớm phát triển lên thị trấn theo quy hoạch là thị trấn đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao, Đảng bộ, chính quyền xã Kim Hoa đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác cấp xã, đặc biệt là thành lập cả Tiểu ban chỉ đạo cấp thôn mà Bí thư chi bộ và trưởng thôn là trưởng, phó tiểu ban.

Ông Lê Xuân Trường chia sẻ: Việc di chuyển mộ chí, chúng tôi coi như là người thân của chính mình. Lãnh đạo xã đến trực tiếp, thực hiện đầy đủ các nghi lễ tâm linh, đón nhà sư về cầu siêu cho các vong linh, với các gia đình có mộ cũng như với các phần mộ không có gia đình. Vì vậy, dù 50 ngôi mộ đều có ở cả 5 thôn, nhưng chúng tôi đã chọn ngày, thực hiện đồng loạt trong 3 ngày là hoàn tất. Các đồng chí MTTQ, các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên,… trong ban chỉ đạo, tổ công tác xã, nhất là tiểu ban chỉ đạo các thôn đều xắn tay vào giúp các gia đình một cách tận tình, chu đáo. Những ngày di chuyển mộ ở Kim Hoa như ngày hội về việc tâm linh.

Gia đình có 6 ngôi mô di chuyển để thực hiện dự án, bà Hà Thị Sinh, thôn Kim Tiền, xã Kim Hoa chia sẻ: "Gia đình tôi hiểu rằng xã, huyện, thành phố cả trung ương đã có chủ trương, chính sách làm con đường lớn đi qua địa phương nên vì sự phát triển chung, gia đình tôi đã đồng thuận. Trước đây, các cụ chúng tôi nằm rải rác ở khu Vườn Hội và một số xứ đồng khác, nay được đưa về tập trung tại nghĩa trang của thôn nên gia đình rất phấn khởi, đón các cụ về đây cho mát mẻ, yên tĩnh.”

Với quyết tâm cao trong thực hiện dự án quan trọng và ý nghĩa thiết thực này, ông Lê Xuân Trường cho biết, tuyến đường Vành đai 4 đi qua địa bàn xã Kim Hoa có chiều dài 3km, với tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 35ha, với 487 thửa đất nông nghiệp và 461 hộ gia đình, khi nhà nước kịp thời có tiền đền bù cho nhân dân, chúng tôi sẽ bàn giao giải phóng mặt bằng 95-100% trước tháng 1/2023. Bên cạnh đó, sẽ phải thực hiện di chuyển 1 trạm bơm thủy lợi và 2 trường học (trường tiểu học Kim Hoa và trường THCS Kim Hoa).

Ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị tại xã Kim Hoa cũng như sự chủ động, chia sẻ của nhân dân, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Huyện Mê Linh cam kết sẽ bàn giao mặt bằng sạch theo đúng tiến độ của thành phố”. Tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Mê Linh có chiều dài khoảng 11,2 km, qua 5 xã Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lam và Kim Hoa.

Con đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để huyện Mê Linh đạt tiêu chí lên quận giai đoạn 2025-2030 và lên thành phố trực thuộc Thủ đô sau năm 2030. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 trên bản đồ và ngoài thực địa. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện cũng đã tổ chức hội nghị triển khai, tiếp thu, ghi nhận các ý kiến phản ánh khó khăn, vướng mắc và đề xuất để sớm đề ra các phương án tháo gỡ.

Kỳ 3: Điểm sáng trong triển khai giải phóng mặt bằng - ảnh 2

Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh động viên người dân xã Kim Hoa di chuyển mộ chí phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô (ảnh Thanh Tuyền).

Triển khai dự án quyết liệt như chống dịch Covid-19

Sự hưởng ứng của người dân địa phương có dự án đi qua không chỉ ở các xã vùng nông thôn mà ngay tại quận Hà Đông (quận duy nhất có tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô chạy qua) cũng đón nhận niềm vui không hề kém. Ông Nguyễn Đình Chuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa cho biết, địa bàn phường hiện có Quốc lộ 6 chạy qua song đường còn hẹp, lưu lượng phương tiện đông thường xuyên ùn tắc, vậy nên có con đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô chạy qua sẽ mang lại cơ hội phát triển lớn hơn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Yên Nghĩa đang rốt ráo triển khai tuyên truyền, thông báo và quy chủ, rà soát và kiểm đếm.

Phường Yên Nghĩa được xác định là địa phương phải thực hiện nhiều phần việc khó bởi trong số 35,3ha đất của hơn 1.374 hộ, trong đó có 65 hộ dân đất thổ cư phải thực hiện chế độ tái định cư, đặc biệt là phải thực hiện di chuyển cả một nghĩa trang cổ với 2.255 ngôi mộ (bên trong nghĩa trang tổ dân phố số 5, 6 là 1.700 ngôi và bên ngoài 555 ngôi). Do vậy, để thực hiện di chuyển mộ cần được sự chấp thuận của quận, thành phố.

Là người có nhiều năm tham gia vào công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn phường, ông Lê Trọng Điển, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 4, phường Yên Nghĩa cho biết, nhân dân đều nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của dự án này nên rất đón nhận và chờ đợi chính sách thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là liên quan đến việc di dời mộ chí để sớm thực thi.

Để công việc được suôn sẻ, ông Điển cho hay: “Ngay từ khi bắt đầu khởi động dự án, chúng tôi đã phải đến từng các hộ dân, nhận biết được tâm tư của người dân, nắm bắt được từng hoàn cảnh đặc biệt để đến vận động, thậm chí tham gia vào cả việc họp gia đình của người dân để sớm tìm được tiếng nói chung, dễ dàng trong việc thực hiện chính sách”.

Tại huyện Hoài Đức nơi có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất 7 quận, huyện thực hiện dự án, đã có rất nhiều gia đình ở các xã đã đồng thuận, ủng hộ bằng việc di chuyển mộ ngay cả khi chưa được nhận tiền đền bù. Tính đến 27/10, toàn huyện đã có 68 ngôi mộ được di chuyển, trong đó xã Minh Khai có 35 mộ, xã Dương Liễu có 25 mộ, La Phù 5 mộ, Song Phương 3 mộ… và có hàng trăm gia đình đã đăng ký di chuyển mộ trong tháng 10 âm lịch này (tức là tháng 11 dương lịch).

Sau khi nhận bàn giao 285 mốc giới ngoài thực địa (hiện còn có 2 xã An Thượng và An Khánh chưa được thành phố bàn giao mốc giới), huyện rà soát số liệu, dự án đi qua 12 xã, với diện tích đất thu hồi khoảng 255,3ha, trong đó có 180,3ha đất nông nghiệp, 6.282 hộ có đất nằm trong dự án, có tổng số 4.500 ngôi mộ.

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Xuân Đại cho biết,đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để huyện đạt tiêu chí quận giai đoạn 2025-2030. Đúng như tinh thần “thần tốc”, khẩn trương, Ban chỉ đạo, tổ công tác của huyện tích cực chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nhất là tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của dự án trọng điểm quốc gia, của thành phố và lợi ích mà tuyến đường mang lại.

Cả hệ thống chính trị của huyện đến xã, thôn đang nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc mạnh mẽ, nhất là vai trò của người đứng đầu các cấp, các đoàn thể, cán bộ đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Huyện Hoài Đức quyết tâm tổ chức thực hiện các bước bảo đảm đúng quy định, chủ động giải pháp đẩy nhanh tiến độ ở từng khâu. Hằng ngày, các địa phương thực hiện báo cáo tiến độ như đợt chống dịch Covid-19, để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo và tháo gỡ vướng mắc khó khăn đến cho từng trường hợp.

Kỳ 3: Điểm sáng trong triển khai giải phóng mặt bằng - ảnh 3
Ngay sau khi thành phố Hà Nội ban hành mốc chỉ giới đỏ, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội cùng các đơn vị có liên quan đã tiến hành khảo sát, cắm 2.000/3.000 mốc giới.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cắm được khoảng 2.000/3.000 mốc giới, bàn giao cho các địa phương (đạt khoảng 60%). Dự kiến, trước ngày 15/11/2022, việc cắm mốc chỉ giới đỏ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ hoàn thành. Hà Nội sẽ bàn giao mặt bằng tối thiểu 70% trong tháng 6/2023 và hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2023, dự án khởi công trong tháng 6-2023.

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.