Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt tỷ lệ 98,86%
(PNTĐ) - Đánh giá kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm nghiêm túc, đúng kế hoạch.
Chiều ngày 29/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi cấp quốc gia chủ trì buổi họp báo.
Kỳ thi diễn ra nghiêm túc bảo đảm trật tự, an toàn
Chia sẻ tại buổi họp báo nhanh về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra chiều ngày 29/6, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm nghiêm túc, đúng kế hoạch.

Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.
Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các Điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỳ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi.
Do Kỳ thi được triển khai trên diện rộng, với sự tham gia của hơn một triệu thí sinh nên không tránh khỏi những tình huống phát sinh cần xử lý. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của Quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của Kỳ thi.
Về công tác coi thi, theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của Kỳ thi tại tất cả các Điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả Kỳ thi có 41 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Trong 2 ngày diễn ra kỳ thi, ngày 28 và 29/6, có 41 thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ thi, trong đó môn Ngữ văn: 12 thí sinh, Toán: 4 thí sinh; Khoa học tự nhiên: 11 thí sinh; Khoa học xã hội: 11 thí sinh; Ngoại ngữ: 03 thí sinh. Trong đó có 01 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.
Có 6 cán bộ coi thi bị dừng thực hiện nhiệm vụ coi thi. Đặc biệt, có 01 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về 01 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có tổng số thí sinh đăng ký dự thi là: 1.024.063. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104, chiếm 5,58%. Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769, chiếm 4.66%. Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.155, chiếm 3.33%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 566.921, chiếm 55,30%.
Cả nước có tổng số 2.722 điểm thi, với 43.032 phòng thi. Các Điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.
Tổng số thí sinh dự thi: 1.012.398 đạt tỷ lệ 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, môn Ngữ văn: 99,65 %; Toán: 99,63%; Khoa học Tự nhiên: 99.72%; Khoa học Xã hội: 99,62% ; Ngoại ngữ: 99.61%.
Ban Chỉ đạo các cấp đặc biệt quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh , Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở các địa phương đã tích cực triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi”, tham gia đảm bảo an ninh, an toàn và hỗ trợ thí sinh dự thi.
Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi; đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được tạo điều kiện để có thể tham dự Kỳ thi. Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo, vũng bị ngập lụt đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia Kỳ thi.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành Giáo dục Mầm non năm 2023. Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở các Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.
Việc lộ đề thi không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức Kỳ thi
Liên quan đến công tác phòng chống gian lận trong thi cử, PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh: Công tác phòng chống gian lận công nghệ cao đã được quán triệt tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ GĐ&ĐT và là một trong những nội dung trọng tâm được tập huấn từ Trung ương đến địa phương, phối hợp làm sao để hỗ trợ tích cực nhất trong việc phòng chống tội phạm công nghệ cao trong kỳ thi.

Tuy nhiên, trong quá trình thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi. Trong đó có việc 02 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an xác minh làm rõ và đình chỉ 02 thí sinh trên. Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức Kỳ thi.
Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về việc đề thi bị phát tán ra ngoài, Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc. Quá trình đấu tranh, khai thác thông tin, kết hợp với nội dung khai báo của các đối tượng liên quan, hiện nay, chưa có lời giải cho bài thi được đưa vào phòng thi, do đó, vẫn đảm bảo được chất lượng và kết quả của kỳ thi.
Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết, thời gian tới, chắc chắn vấn đề sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử vẫn sẽ còn tồn tại, do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thí sinh, gia đình và các đối tượng khác hiểu vấn đề mua bán thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử là vi phạm pháp luật; đảm bảo huấn luyện, tổ chức nâng cao cho các cán bộ coi thi phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao; đề xuất sử dụng các thiết bị chống và phát hiện thiết bị công nghệ cao giấu trong người thí sinh…
“Đối với các trường hợp vi phạm, căn cứ vào kết quả xác minh, xem xét tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, căn cứ vào hành vi vi phạm để có chế tài xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội. Quá trình xử lý sẽ tính đến yếu tố nhân văn trong trường hợp này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thẩm tra, xác minh và tiếp tục thông tin đến cơ quan báo chí” - Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết.
Trước đó, Hội đồng ra đề thi thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hiện nhiệm vụ đúng kế hoạch, ra đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi được bảo mật từ khâu ra đề thi đến in sao bảo quản. Đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, rõ ràng, bảo đảm số lượng. Các Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao, vận chuyển, bàn giao đề thi để tổ chức thi tại địa phương. Việc bảo quản và sử dụng đề thi tại các Điểm thi bảo đảm an toàn, bảo mật theo đúng quy định.
Kết luật buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: Kỳ thi tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế. Về vấn đề gian lận thi, ngay từ đầu Ban chỉ đạo thi đã xác định, năm nay việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi sẽ phức tạp và có giải pháp ngăn chặn. Việc thí sinh vi phạm quy chế ở các mức độ khác nhau, lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ về kỳ thi tổ chức tại địa phương. Khi kiểm tra chúng tôi đánh giá, việc chuẩn bị của các địa phương chu đáo, toàn diện, lực lượng công an phối hợp hỗ trợ bảo vệ đề thi, kỳ thi an toàn.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho hay, ngay ngày mai 30/6 công tác chấm thi sẽ được tiến hành.