Thủ tướng đối thoại với nông dân: Khơi dậy khát vọng làm giàu
(PNTĐ) - Ngày 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".
Hội nghị có sự tham gia trực tiếp của 300 đại biểu, gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương; nhiều chuyên gia, nhà khoa học; các tổ chức, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã và đặc biệt là đông đảo nông dân đại diện cho hàng chục triệu hộ đến từ nhiều tỉnh, thành phố (TP) trên cả nước.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố với 4.500 đại biểu.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì tại điểm cầu Hà Nội, cùng sự góp mặt của lãnh đạo HĐND TP, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Thành ủy, các sở ngành, tổ chức hội - đoàn thể, hộ nông dân, hợp tác xã tiêu biểu.
Bà Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) cho biết: Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nhiều nông dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Chính phủ đã có chính sách chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh không nhưng không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ có những chính sách gì để tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong tiếp cận với dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp?
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đề xuất, trong thời gian tới Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích xây dựng thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho các sản phẩm khác như tôm, cá tra, dược liệu, dâu tằm tơ... Đặc biệt là chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung?
Nhận định mức đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy kiến nghị Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn tới lên gấp 2 lần giai đoạn 2020-2024. Mức đầu tư này nên ưu tiên phát triển công nghệ trong sản xuất hiện đại và đảm bảo môi trường xanh để phát triển bền vững.
Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, từ bài học thắng lợi nhiều năm qua của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX rất cần hệ sinh thái nông nghiệp bền vững để phù hợp với sự phát triển chung của toàn cầu.
Về vấn đề chế biến sâu, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao xã Hua La (TP Sơn La) Nguyễn Xuân Thao cho hay: Hiện nay, hầu hết hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu tập trung chủ yếu dưới dạng thô, hoặc chỉ qua sơ chế, chưa có các sản phẩm chế biến sâu, có thương hiệu, nên giá trị chưa cao.
Chính phủ có giải pháp, chính sách gì để nâng tầm nông sản Việt một cách đồng bộ, nhất là việc chú trọng tập trung xây dựng các thương hiệu nông sản lớn mang thương hiệu Việt, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD trong tương lai?
Ông Thao bày tỏ mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư các thiết bị nâng cấp hệ thống chế biến nông sản Việt theo chuỗi giá trị và tập trung vào chế biến sâu, nâng cao thu nhập, tăng giá trị nông sản cho nông dân.
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinhSeed Trần Mạnh Báo cho biết: Hiện nay, cơ chế chính sách chưa khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong khi để xây dựng một dự án chế biến nông sản thì phải mất rất nhiều thời gian, công sức thủ tục, công đoạn thì mới khởi công được dự án. Đề nghị thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành them các cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Giải đáp câu hỏi của nông dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay: Đánh giá sơ bộ của chúng tôi sau bão có đến 126.000 khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại với tổng dư nợ lên đến 192.000 tỷ đồng. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã vào cuộc ngay. Sau 2 ngày xảy ra bão, chúng tôi chỉ đạo tổ chức tín dụng có biện pháp khoanh, giãn, hoãn nợ cho nông dân, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại sau bão.
Mới đây, NHNH đã ban hành Thông tư 53/2024/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão số 3 (bão Yagi)... đã được ban hành và kịp thời giúp bà con tháo gỡ được các khó khăn trước mắt.
Ngoài chính sách chung, còn có chính sách cụ thể như hỗ trợ vốn cho bà con khôi phục, tái sản xuất lại. Với các chính sách này, bà con nông dân bị thiệt hại nặng yên tâm khôi phục sản xuất. Theo chính sách mới, bà con sẽ được vay vốn vay cao hơn gấp 2 - 3 lần mà không cần tài sản thế chấp như các chương trình lớn; đồng thời sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, được hưởng các bảo hiểm nông nghiệp, nông thôn.
Giải đáp câu hỏi của nông dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nông dân cần hiểu rằng trên thực tế không chỉ mỗi xã chỉ có 1 HTX mà 1 xã có thể có nhiều HTX; 1 HTX lại có thể ở nhiều xã. Chính vì quy mô HTX lớn thế, quy mô liên xã thế nên điều kiện phát triển các HTX, phát triển các cây trồng vật nuôi là rất lớn.
Do vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương khi quy hoạch sản xuất phát triển HTX cần phải đặc biệt lưu ý chuyên môn hóa chuỗi liên kết hợp tác xã, liên kết xã, liên kết tỉnh, liên kết vùng thay vì trước nay cứ xã tính cho xã, tỉnh tính cho tỉnh làm giới hạn không gian phát triển của HTX, của ngành.
Về cơ chế, chính sách gì để khuyến khích xây dựng thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đang xây dựng tiêu chí đánh giá để xây dựng vùng nguyên liệu đi kèm nâng cao năng lực quản trị, khuyến nông, nông nghiệp, công thương để phát triển để phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết: Luật Đất đai năm 2024 đã có những điểm mới quan trọng tháo gỡ những “nút thắt” về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp. Việc tập trung đất nông nghiệp được thực hiện thông qua 3 phương thức: chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
Luật đã mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất. Luật cũng bổ sung quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế, phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và phải được UBND cấp huyện phê duyệt.
Qua đó, giúp các tổ chức cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, làm ra sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao, gắn với bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng một chương trình thông minh trong nông nghiệp; nền tảng học tập số, kỹ năng số cho nông dân, hay nói cách khác là “số hoá” nhà nông. Với nội dung tư vấn cho nông dân qua một trợ lý ảo, app hỏi đáp; xây dựng các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc thuận lợi để giúp bà con nông dân xác nhận sản phẩm do mình làm ra. Đặc biệt, nghị quyết dành tới 3% ngân sách Nhà nước hàng năm cho đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Nghị quyết cũng yêu cầu trợ giúp bà con làm ăn kinh doanh để trở thành doanh nghiệp một cách dễ dàng hơn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2024 dự kiến xuất khẩu được 62,5 tỷ USD trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Giá trị này chiếm khoảng 15% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tuy chỉ có 15% nhưng lại vào túi của người dân, vào nền kinh tế của chúng ta, 85% kia là lĩnh vực công nghiệp thì nguyên liệu đầu vào cũng là một câu chuyện mà chúng ta phải tính tiếp.
Hiện nay, chúng ta có tới 20 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết với các nước, đã có 17 hiệp định đi vào thực thi, 3 hiệp định đang đàm phán. Nếu thực hiện cả 20 hiệp định này chúng ta sẽ sở hữu thị trường hàng hóa lên tới 6 tỷ người tiêu dùng. Như thế có nghĩa là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta không thấm tháp gì so với thị trường này, nhất là chúng ta lại có ưu thế là các sản phẩm vùng nhiệt đới. Tôi tin rằng tiềm năng và dư địa còn rất lớn, làm sao khai thác được tiềm năng này?