70 năm ngành Xuất bản Việt Nam: Thách thức và những hướng đi mới

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trải qua quãng đường 70 năm hình thành và phát triển, ngành xuất bản Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn còn đó không ít khó khăn phía trước đòi hỏi những người làm công tác quản lý, xuất bản phải chung tay để ngành công nghiệp thực sự phát triển bền vững.

Những thách thức trong thời kỳ mới

Tại Hội thảo khoa học “Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển" diễn ra sáng 28/9, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Phạm Minh Tuấn nhận định, hoạt động xuất bản hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới. Cụ thể, đối với tỷ lệ các xuất bản phẩm trên bình quân đầu người còn rất thấp, cơ cấu sách chưa hợp lý, nhất là chưa có nhiều những cuốn sách có có đủ tầm để mang đến sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Cũng theo ông Tuấn, mặc dù là một bộ phận của công nghiệp văn hóa nhưng công nghiệp xuất bản chưa thực sự phát triển đúng tầm và tiềm lực của các nhà xuất bản còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện tại chưa đáp ứng được những yêu cầu thiết yếu để thực hiện chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng 4.0. Từ đó, dẫn đến phương thức sản xuất gặp nhiều bất cập, có độ chênh giữa nhiệm vụ sản xuất và nhiệm vụ chính trị.

Còn với quan điểm của PGS TS Lê Văn Yên, Nguyên Ủy viên chuyên trách Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, hoạt động xuất bản vẫn còn một số hiện tượng chệch hướng chính trị, xa rời tôn chỉ, mục đích, do đó đã để lọt những cuốn sách có quan điểm sai trái, có nội dung không lành mạnh. Bên cạnh đó, các loại sách tướng số, mê tín dị đoan, sách “đen”, sách ngoài luồng vẫn còn lưu hành trên các hè phố ở cả thành thị và vùng nông thôn gây ảnh hưởng không tốt đến độc giả.

Bàn về công nghệ xuất bản,  theo PGS TS Lê Văn Yên, do xuất bản sách điện tử ở nước ta mới chỉ ở giai đoạn đầu nên việc trang bị thiết bị, máy móc ứng dụng của nhà sản xuất và đối tượng tiêu dùng trong nước còn nhiều hạn chế. Các công nghệ chưa theo kịp các nước tiên tiến dẫn đến nhiều khó khăn trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đồng thời chưa tạo được chuẩn mực thống nhất trong công nghệ xuất bản, in và phát hành để giúp bạn đọc tiếp cận và sử dụng thành thạo sách điện tử. 

Hướng đi cho ngành công nghiệp

Tại Hội thảo, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên đã đề xuất 8 giải pháp trọng tâm bao gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động xuất bản; ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản lý; tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước kết hợp với hình thức xã hội hóa; phát triển mạng lưới phát hành; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản; đổi mới chương trình đào tạo; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, hội chợ, triển lãm.

70 năm ngành Xuất bản Việt Nam: Thách thức và những hướng đi mới - ảnh 1
 Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên đã đề xuất 8 giải pháp trọng tâm phát triển ngành Xuất bản.

Cục trưởng nhấn mạnh, cần tăng cường chức năng hoạt động của ngành nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Ngoài ra cũng cần tăng cường liên kết giữa các nhà xuất bản với cơ sở phát hành để hình thành nên chuỗi liên kết đủ năng lực dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, cần hiện đại hóa, nâng cao năng lực của các cơ sở in để không chỉ đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước mà tiến tới đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thế giới.

Theo PGS TS Đỗ Thị Quyên, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, đổi mới hoạt động xuất bản là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Một mặt nhằm giữ được bản sắc riêng của hoạt động kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Mặt khác, giúp xuất bản vận hành hiệu quả và phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế hiện nay.

Một số biện pháp được PGS TS Đỗ Thị Quyên nêu ra là cần "làm mới" từ nhận thức cho đến công tác đào tạo nhân lực, tiến tới đổi mới toàn diện hoạt động xuất bản, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp và đổi mới công tác quản lý nhà nước.

Cùng quan điểm về vấn đề đào tạo nhân lực, TS. Vũ Thùy Dương, Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đối với một trường đại học là một nhiệm vụ then chốt, trong đó chú trọng đào tạo theo các chương trình, chứng chỉ chuẩn quốc tế, tăng cường số giờ học thực hành kỹ năng nghiệp vụ như biên tập bản thảo các loại sách chuyên ngành, kỹ năng trình bày minh họa sách và các xuất bản phẩm, các kỹ năng khai thác tổ chức bản thảo...

Ngoài ra Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn đưa vào giảng dạy một số môn học mới như Quan hệ công chúng trong hoạt động xuất bản, Xã hội hóa và thương mại hóa trong hoạt động xuất bản, Quyền tác giả, quyền liên quan trong xuất bản, Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông xuất bản, Xuất bản sách nói, Xuất bản sách điện tử, Thư viện số, Xuất bản tạp chí điện tử...

70 năm ngành Xuất bản Việt Nam: Thách thức và những hướng đi mới - ảnh 2
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo khoa học “Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển", ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Với vai trò, trách nhiệm của mình, hoạt động xuất bản phải trở thành công cụ đắc lực, một binh chủng đặc biệt trong việc cung cấp thông tin, tri thức định hướng dư luận xã hội; bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống các tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, phản động; loại bỏ những phong tục, tập quán, lối sống lỗi thời, lạc hậu; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới".

Tin cùng chuyên mục