Cần cái “bắt tay” trong bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân gian

Bài cuối: Phát huy sức mạnh cộng đồng, gìn giữ nét đẹp văn hóa

Mai Thư
Chia sẻ

(PNTĐ) -Có thể thấy, "cơn lốc" hiện đại hóa và toàn cầu hóa khiến loại hình nghệ thuật dân gian đứng trước nguy cơ mai một. Do vậy, để bảo tồn các giá trị nghệ thuật dân gian trong thời đại 4.0 cần lắm cái “bắt tay” chặt chẽ hơn nữa của cả cộng đồng.

Bài cuối: Phát huy sức mạnh cộng đồng, gìn giữ nét đẹp văn hóa - ảnh 1
Nghệ sĩ trẻ biểu diễn hát Xẩm và giao lưu với khán giả. Ảnh: VICH

Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển 
Nghệ thuật dân gian vốn sinh ra trong đời sống lao động của nhân dân và sống cùng chiều dài lịch sử dân tộc. Do loại hình nghệ thuật với đặc thù là truyền miệng, truyền nghề trực tiếp nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị này đòi hỏi phải có một tầm nhìn chiến lược, lâu dài. Trước những tác động mạnh mẽ của “cơn lốc” hiện đại hóa, Đảng ta đã xác định, phải kiên định đường lối xây dựng nền văn hóa văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng ta đã nêu rõ, văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế - chính trị - văn hóa). Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tập trung xây dựng, hoàn thiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Chiến lược cũng chỉ ra cần phải phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một...; cần quan tâm đến cải cách về thể chế, cơ chế, chính sách đối với nghệ thuật truyền thống; phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam...  

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc bàn về Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, nội dung cốt lõi của văn hóa là phát triển con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới cần tiếp tục “chấn hưng” văn hóa, để văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã có những nỗ lực trong chính sách đào tạo nhân lực, hỗ trợ hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời tạo ra môi trường kết nối để từng người dân, từng cộng đồng và toàn xã hội đều có thể tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống nói chung, nghệ thuật dân gian nói riêng. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hơn nữa chính sách dành cho các nghệ nhân - những người có trách nhiệm truyền dạy, bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống...

Đối với thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân gian, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu nghệ thuật dân gian của Thủ đô tới bạn bè trong nước và quốc tế qua công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Thủ đô hay thông qua các hoạt động hợp tác và giao lưu văn hóa song phương, đa phương, tuần văn hóa Việt Nam tại các nước trong khu vực và trên thế giới, các sự kiện văn hóa quốc tế tổ chức tại Hà Nội. Đầu tư kinh phí sưu tầm, tư liệu hóa, in ấn, phát hành thành đĩa DVD nhằm lưu giữ các tài liệu, nhạc cụ, vở diễn cổ, tích trò, đoạn trích đặc sắc. Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các nhà hát; các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, con người, hỗ trợ nghệ nhân mở lớp đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ; Hà Nội cũng rà soát, triển khai quy hoạch chiến lược nguồn nhân lực cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn Thủ đô; tạo cơ chế, chính sách đột phá cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận... Như vậy có thể thấy rằng, văn hóa nói chung, nghệ thuật dân gian nói riêng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt trong chủ trương, đường lối, chính sách phát triển chung của Đảng và Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền cơ sở. 

Giữ nghệ thuật truyền thống quê hương
Vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nói chung, nghệ thuật dân gian nói riêng đã và đang gặp nhiều khó khăn khi xu hướng thương mại hóa nghệ thuật dân gian phát triển; xu hướng cách tân, làm mới nghệ thuật truyền thống vẫn còn nhiều lệch lạc từ nhận thức lý luận đến thực hành; sự đón nhận của công chúng dành cho các loại hình nghệ thuật dân gian còn rất ít, nhất là khán giả trẻ. Đặc biệt, những loại hình nghệ thuật như Hát trống quân, Hát Dô... thì vẫn chủ yếu là diễn tại các lễ hội, chưa có riêng cho mình một sân khấu xứng tầm. 

Bài cuối: Phát huy sức mạnh cộng đồng, gìn giữ nét đẹp văn hóa - ảnh 2
Đổi mới hoạt động của sân khấu truyền thống góp phần  đưa nghệ thuật dân gian tiếp cận công chúng.
Ảnh: NS

Để nghệ thuật dân gian vừa giữ được các giá trị cốt lõi, vừa phát triển trong đời sống hiện đại và được nhiều người đón nhận, nhất là giới trẻ, nhiều ý kiến cho rằng, những chương trình nghệ thuật dân gian cần kết hợp với những không gian di sản văn hóa nhằm tạo sự sáng tạo, tạo ra giá trị mới. Nên có những hoạt động mang tính thường xuyên và được thông tin rộng rãi về thời gian, địa điểm tổ chức đến người dân và du khách. 

Một trong những giải pháp trọng tâm được nhiều chuyên gia nhấn mạnh trong việc bảo tồn nghệ thuật dân gian đó là cần tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục, tích cực mang nghệ thuật dân gian đến với học sinh, sinh viên. Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát Chèo tàu xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho hay, cần phải có các cơ chế, chính sách kịp thời để phát hiện, bồi dưỡng và khuyến khích các tài năng nghệ thuật dân gian. Cùng với đó, các trường học cũng cần xây dựng những chương trình tìm hiểu về nghệ thuật dân tộc, để nhân dân và thế hệ trẻ ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn bảo tồn vốn cổ dân tộc. 

Còn Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm CLB Hát Dô xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai (Hà Nội) chia sẻ, nếu như địa phương không sớm có những chính sách ưu đãi đối với người truyền dạy nghệ thuật dân gian thì loại hình nghệ thuật này sẽ bị mai một bởi thế hệ người biết Hát Dô không còn nhiều, phần lớn là người cao tuổi và loại hình nghệ thuật này chỉ được truyền miệng cho thế hệ sau. Ngoài ra, cần chú trọng tới nhu cầu, thị hiếu khán giả, cần có chính sách khuyến khích người trẻ có năng khiếu tập luyện, gắn bó với nghệ thuật dân gian.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, ý thức và vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ Thủ đô trong nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian. Có giải pháp đưa sân khấu nghệ thuật dân gian với các vùng nông thôn, tránh tình trạng nơi muốn xem không có người diễn, nơi diễn lại ít người xem, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành nên những sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Nam, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy các môn nghệ thuật dân gian, đồng thời phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản tại các sự kiện văn hóa của Thành phố Hà Nội và cấp quốc gia. 

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian là một quá trình dài, không đơn giản, cần có thời gian và sự chung tay của các cấp quản lý và quần chúng nhân dân, như vậy mới có thể bảo tồn xứng tầm các giá trị và nâng cao đời sống tinh thần dân tộc. Việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân gian ngoài việc bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản, còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp của loại hình nghệ thuật này. Còn theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa, cần xây dựng và triển khai tốt kế hoạch bảo tồn, phát huy di sản hàng năm, dài kỳ. Cần bảo tồn có chọn lọc các giá trị truyền thống tốt đẹp, chú trọng vai trò của cộng đồng nắm giữ di sản bằng việc khen thưởng, vinh danh xứng đáng, kịp thời các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác này, từ đó nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian. 

Câu chuyện tồn tại và phát triển của nghệ thuật dân gian trong xã hội đương đại luôn là bài toán khó. Mong rằng với cái “bắt tay” chặt chẽ của cả cộng đồng, nghệ thuật dân gian sẽ có những khởi sắc mới trong xã hội hiện đại, góp phần xây dựng  một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục