Giải Thưởng UOB Painting of the Year:

Bệ phóng cho mỹ thuật Việt

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong bối cảnh nền mỹ thuật Việt Nam đang từng bước hội nhập với thị trường nghệ thuật khu vực và thế giới, việc xuất hiện một giải thưởng có uy tín và quy mô như UOB Painting of the Year (UOB POY) không chỉ là một sân chơi sáng tạo mà còn là một cột mốc quan trọng thúc đẩy nghệ sĩ trẻ vươn tầm. Được tổ chức bởi Ngân hàng UOB (Singapore), giải thưởng này đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2022 và nhanh chóng tạo dấu ấn bằng cách tìm kiếm, tôn vinh những tài năng hội họa đương đại.

Một trong những giải thưởng nghệ thuật uy tín nhất Đông Nam Á

Ngày 7/5/2025, buổi Khai mạc Triển lãm các tác phẩm thắng giải cuộc thi UOB Painting of the Year (UOB POY) 2024 diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình đưa mỹ thuật Việt vươn ra khu vực. Đây không chỉ là sự kiện tổng kết mùa giải thứ hai, mà còn là phát pháo khai màn cho mùa thi thứ ba tại Việt Nam, nơi những tài năng hội họa mới sẽ tiếp tục được phát hiện và nâng tầm.

Bệ phóng cho mỹ thuật Việt - ảnh 1
Tác phẩm giành giải "Nghệ sĩ triển vọng nhất" - "Doraeco" của họa sĩ Phan Tú Trân

UOB POY là chương trình nghệ thuật hàng đầu do Ngân hàng UOB tổ chức, khởi nguồn từ Singapore năm 1982. Trải qua hơn 40 năm, cuộc thi đã lan rộng sang các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và mới nhất là Việt Nam (từ năm 2023). Đây là giải thưởng nghệ thuật lâu đời nhất tại Singapore và hiện là một trong những cuộc thi danh tiếng nhất khu vực. Với hơn 1.100 nghệ sĩ từng được vinh danh, UOB POY được ví như "bệ phóng" cho nghệ thuật Đông Nam Á vươn ra thế giới.

Tại Việt Nam, chỉ sau hai năm tổ chức, UOB POY đã thu hút hàng nghìn tác phẩm gửi về từ khắp mọi miền đất nước. Năm 2024, giải thưởng cao nhất đã thuộc về họa sĩ Nguyễn Việt Cường với tác phẩm "Dòng Chảy", còn họa sĩ Phan Tú Trân giành giải "Nghệ sĩ triển vọng nhất" với tác phẩm "Doraeco". Các tác phẩm này đã góp phần khẳng định sức sáng tạo và bản sắc riêng biệt của nghệ sĩ Việt trong dòng chảy chung của mỹ thuật đương đại khu vực.

Bệ phóng cho mỹ thuật Việt - ảnh 2
Tác phẩm “Xâm Thực” của hoạ sĩ Ngô Văn Sắc

Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ nghệ thuật đương đại

Điểm đáng chú ý tại triển lãm UOB POY 2024 là các tác phẩm trưng bày đều thể hiện được sự kết hợp hài hòa giữa di sản truyền thống và tinh thần nghệ thuật đương đại. Những tác phẩm này không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn chứa đựng chiều sâu văn hóa và thông điệp thời đại.

Bệ phóng cho mỹ thuật Việt - ảnh 3
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Trưởng ban giám khảo UOB POY Việt Nam 2024-2025 (ngoài cùng bên phải).

Tại Tọa đàm "Đương đại trên nền di sản", họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Trưởng ban giám khảo UOB POY Việt Nam 2024-2025 nhận định: "Việt Nam luôn có chỗ đứng xứng đáng không hề thua kém khu vực về cả số lượng nghệ sĩ và chất lượng tác phẩm. Điều quan trọng là tác phẩm phải toát ra được vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của thẩm mỹ và vẻ đẹp của thời đại". Ông cũng nhấn mạnh: "Cuộc thi đã tạo nên một cú hích để nghệ sĩ bước ra ánh sáng, được ghi nhận xứng đáng ở cấp quốc gia và khu vực".

Trong khi một số nền mỹ thuật trong khu vực đang có xu hướng "công thức hóa", thiếu sự đột phá thì nghệ sĩ Việt lại cho thấy sự đa dạng trong cách thể hiện và chiều sâu tâm hồn. Đây chính là yếu tố khiến mỹ thuật Việt trở nên khác biệt, đầy cảm xúc và khó bị trộn lẫn.

Cơ hội phát triển bền vững cho nghệ sĩ

Không dừng lại ở mức giải thưởng, UOB POY còn mở ra cánh cửa phát triển dài hạn cho các nghệ sĩ Việt. Người chiến thắng cao nhất tại Việt Nam không chỉ nhận được 500 triệu đồng mà còn có cơ hội tranh tài ở vòng khu vực tại Singapore với giải thưởng lên tới 13.000 đô la Singapore, cũng như cơ hội tham gia chương trình lưu trú nghệ thuật quốc tế.

Bệ phóng cho mỹ thuật Việt - ảnh 4

Các tác phẩm thắng giải còn được trưng bày tại Phòng trưng bày Quốc gia Singapore, tham gia các sự kiện như Art Jakarta, Art Central Hồng Kông - nơi quy tụ những tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật quốc tế. Ngoài ra, các nghệ sĩ còn có cơ hội tham gia mạng lưới UOB Art Alumni Network, nơi họ được hỗ trợ triển lãm, đấu giá, kết nối khách hàng và tham dự các hội thảo nghệ thuật khu vực.

Theo họa sĩ Ngô Văn Sắc, người đạt giải Bạc hạng mục "Nghệ sĩ thành danh" UOB POY 2024: "Tham gia các triển lãm quốc tế là cơ hội quý giá để đưa tác phẩm ra thế giới, đồng thời tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp duy trì hoạt động sáng tạo. Tuy gọi là 'sân chơi', nhưng nó đòi hỏi sự đầu tư bài bản từ ý tưởng đến hậu cần, để nghệ sĩ có thể khẳng định mình trên thị trường quốc tế".

Đưa mỹ thuật Việt vào dòng chảy quốc tế

Bà Dương Thu Hằng, Giám đốc Hanoi Studio Gallery cho rằng: "Mỹ thuật Việt Nam sau Đổi mới vẫn còn non trẻ, thiếu nền tảng vững chắc để hỗ trợ nghệ sĩ phát triển lâu dài. Cả nước hiện chỉ có một Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia và vài bảo tàng tư nhân mới hình thành, chưa đủ nguồn lực để đồng hành bền vững với nghệ sĩ".

Chính vì vậy, bà Hằng cho rằng những cuộc thi như UOB POY là "cú hích" cần thiết, giúp nghệ sĩ Việt tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để đi xa, mỹ thuật Việt cần một hệ sinh thái nội địa vững mạnh, từ dữ liệu, thị trường đến các quỹ hỗ trợ. Khi nền móng này đủ mạnh, các nguồn lực từ bên ngoài như UOB sẽ có thể phát huy hiệu quả tối đa.

Bệ phóng cho mỹ thuật Việt - ảnh 5
Không gian triển lãm

Cuộc thi UOB POY không chỉ là một sự kiện văn hóa - nghệ thuật. Đó còn là cánh cửa để nghệ sĩ Việt bước vào sân khấu quốc tế. Với việc UOB tổ chức các chuỗi tọa đàm tại Hà Nội, Huế và TP. HCM, kết nối các thế hệ nghệ sĩ và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác, giải thưởng này đang từng bước xây dựng một cộng đồng nghệ thuật Việt Nam gắn kết, chuyên nghiệp và có tầm nhìn quốc tế. Họa sĩ Đặng Xuân Hòa chia sẻ: "Tôi hy vọng cuộc thi năm nay sẽ đón nhận thêm những làn gió mới từ lớp nghệ sĩ trẻ, mang đến nhiều tác phẩm phong phú hơn về cả cách nhìn lẫn phong cách sáng tạo để đóng góp cho mỹ thuật nước nhà".

Trong bối cảnh nghệ thuật ngày càng mang tính toàn cầu hóa, UOB Painting of the Year đã và đang đóng vai trò như một cầu nối vững chắc giữa nghệ sĩ Việt và cộng đồng quốc tế. Giải thưởng không chỉ phát hiện tài năng, mà còn hỗ trợ nghệ sĩ phát triển bền vững, khuyến khích tinh thần sáng tạo gắn với bản sắc dân tộc.

Sự đồng hành của UOB với mỹ thuật Việt Nam, thông qua các hoạt động như triển lãm, tọa đàm, đào tạo và kết nối quốc tế, là minh chứng rõ ràng cho một chiến lược phát triển văn hóa dài hơi và bền vững. Mỹ thuật Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, nơi mà những tài năng không còn bị bó hẹp trong biên giới quốc gia, mà đang dần định hình vị thế trong bản đồ nghệ thuật đương đại khu vực và thế giới.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Truyền thuyết dân gian rùng rợn được đưa lên màn ảnh rộng trong “Út Lan- Oán linh giữ của”

Truyền thuyết dân gian rùng rợn được đưa lên màn ảnh rộng trong “Út Lan- Oán linh giữ của”

(PNTĐ) - Bộ phim kinh dị Việt mùa hè năm nay Út Lan: Oán linh giữ của vừa tung đoạn teaser poster và teaser trailer khiến khán giả rùng mình. Đạo diễn Trần Trọng Dần và ê-kíp đã có một hướng tiếp cận đặc biệt cho câu chuyện dân gian bí ẩn về loại “bùa ngải” khét tiếng này.
Khi nghệ sĩ “bán mình” vì lợi nhuận

Khi nghệ sĩ “bán mình” vì lợi nhuận

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ Việt đối mặt với làn sóng chỉ trích vì quảng cáo sản phẩm thổi phồng công dụng, thậm chí sai sự thật. Từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đến thuốc giảm cân, chữa bệnh không rõ nguồn gốc... hình ảnh các nghệ sĩ vốn được công chúng tin tưởng đã bị lợi dụng, khiến nhiều người mất danh tiếng, sự nghiệp chỉ vì tham lợi từ quảng cáo.
Tùng Dương khuyên người trẻ: “Đừng buồn phiền nữa”

Tùng Dương khuyên người trẻ: “Đừng buồn phiền nữa”

(PNTĐ) - Khi ca khúc Tái sinh vẫn còn đang “cháy” trong lòng người hâm mộ, và Lời nói dối của cha vừa gây được ấn tượng mạnh, Tùng Dương tiếp tục tung ra một sản phẩm âm nhạc mới với cái tên đầy cảm xúc: Đừng buồn phiền nữa. Theo chia sẻ của nam ca sĩ, đây là lời nhắn nhủ đầy chân thành anh muốn gửi đến những người trẻ đang sống trong một thế giới đầy áp lực và biến động.
Trình diễn áo dài qua những miền di sản

Trình diễn áo dài qua những miền di sản

(PNTĐ) - Hơn 40 phụ nữ từ 18 đến 70 tuổi đã tham gia hành trình trình diễn áo dài “Hồn Việt trong phong thái - hành trình nữ tính qua văn hoá và làng nghề” tại tỉnh Thái Bình. Chương trình nhằm lan tỏa phong thái nữ tính Việt Nam thông qua phục trang, hành xử, nghề truyền thống và trải nghiệm du lịch bản địa.