Bài học thành công từ ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc

NAM PHONG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sự kiện nhóm nhạc nữ BlackPink đến Hà Nội biểu diễn trong lộ trình tour diễn “Born Pink” vòng quanh thế giới gây xôn xao người hâm mộ Việt và khu vực. Nhìn cảnh người hâm mộ háo hức chờ đợi, canh giờ săn vé đêm diễn từng giây từng phút, những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí Việt đều cảm thấy thèm khát một ngày không xa, Việt Nam cũng sẽ có cảnh tương tự như vậy…

Có thể nói, Hàn Quốc là một trong những nước đứng đầu về công nghiệp văn hóa của khu vực Châu Á, nổi bật nhất là Kpop và điện ảnh, truyền hình. Phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ đem đến những nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Hàn Quốc mà đây còn là phương tiện quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước vô cùng hiệu quả, khiến thế giới phải nể phục.

Nếu chỉ tính riêng về Kpop, vị thế của Kpop đáng mơ ước với nền công nghiệp giải trí toàn cầu chứ không riêng gì Châu Á. Năm 2021, tờ Billboard công bố nhóm nhạc BTS là một trong 5 ngôi sao âm nhạc kiếm nhiều tiền nhất thế giới với doanh thu khoảng 30 triệu USD. Trong nửa năm 2022, nhóm BTS tiêu thụ hơn 4,26 triệu bản album, trong đó album Proof chiếm 2,59 triệu bản. Bên cạnh doanh thu từ việc phát hành album, nhóm nhạc còn thu lợi nhuận khổng lồ từ việc tổ chức các đêm diễn trên khắp thế giới. Viện Văn hóa và du lịch Hàn Quốc ước tính, nhóm nhạc BTS có thể thu về lợi nhuận từ 700 tỷ won (hơn 12 nghìn tỷ đồng) đến hơn 1.000 tỷ won (17 nghìn tỷ đồng) với mỗi buổi hòa nhạc được tổ chức sau đại dịch.

Bài học thành công từ ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc  - ảnh 1
Nhóm nhạc BTS

Cũng theo thống kê, chuyến lưu diễn toàn cầu của BTS mang tên "BTS World Tour: Love Yourself" bắt đầu vào tháng 8/2018 tại Hàn Quốc và kết thúc vào tháng 10/2019, gồm 62 buổi diễn ở 14 quốc gia được coi là tour diễn lớn nhất mọi thời đại của ngành công nghiệp Kpop.

Còn truyền thông quốc tế cũng đã ghi nhận, tour lưu diễn vòng quanh thế giới "Born Pink" của nhóm BlackPink trở thành chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất của một nhóm nữ trong lịch sử, vượt qua các nhóm nhạc nữ huyền thoại như Spice Girls, TLC và Destiny's Child. Theo thống kê ở thời điểm hiện tại, tuy nhóm chưa kết thúc tour diễn nhưng nhóm đã mang về doanh thu hơn 78 triệu USD. Theo ước tính, giá trị tài sản ròng của BlackPink khoảng 24 triệu USD/năm. Các thành viên BlackPink có tổng tài sản khoảng 62 triệu USD.

Bài học thành công từ ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc  - ảnh 2
Nhóm nhạc nữ BlackPink 

Cùng với BTS, BlackPink, các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc khác cũng đang cùng đem về nguồn doanh thu khổng lồ cho nền kinh tế Hàn Quốc. Các chuyên gia kinh tế ước tính, ngành công nghiệp Kpop tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho Hàn Quốc mỗi năm. Riêng nhóm BTS đóng góp hơn 3,6 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm, con số tương đương 26 công ty tầm trung gộp lại.  

Sự phát triển mạnh mẽ trở thành làn sóng của Kpop đã đem lại những giá trị đặc biệt bên ngoài kinh tế, đó là sự quan tâm của khán giả toàn cầu đối với văn hóa và đất nước Hàn Quốc, có sức mạnh lớn hơn bất kỳ một phương tiện truyền thông nào.

Cùng với Kpop, công nghiệp điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc cũng “hái ra tiền” cho đất nước Kim Chi với những bước đi khôn ngoan, quyết liệt. Các tác phẩm điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc phù hợp thị hiếu của người xem, bắt mắt về mặt hình ảnh, trang phục, nhan sắc diễn viên, nội dung gần với nội tâm số đông công chúng... nên rất nhanh chóng được đón nhận. Khoảng 20 năm trước, khán giả toàn Châu Á bị cơn sốt của làn sóng thần tượng Hallyu “nhấn chìm” với những "Trái tim mùa thu", "Bản tình ca mùa đông"..., khiến khán giả khắp nơi quan tâm đến Hàn Quốc. Hallyu là một thuật ngữ bắt nguồn từ các nhà báo ở Trung Quốc, dịch theo nghĩa đen thì có nghĩa là sóng Hàn (Hàn lưu). Thuật ngữ này dùng để thể hiện sự phát triển phi thường của văn hóa Hàn Quốc.

Bài học thành công từ ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc  - ảnh 3
Bộ phim "Ký sinh trùng" đem đến nấc thang mới cho điện ảnh Hàn Quốc 

Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc Park Ki Yong chia sẻ tại Hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc” trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội năm 2022 rằng: "Với kinh nghiệm làm phim trên 30 năm, chính tôi cũng không ngờ đến ngày điện ảnh Hàn Quốc lại phát triển rực rỡ như hiện nay”.  

Theo công ty nghiên cứu Media Partners Asia, Hàn Quốc hiện là nhà sản xuất các chương trình thành công lớn nhất ở châu Á. Đây cũng là nhà sản xuất loạt phim ăn khách lớn nhất trên toàn cầu cho nền tảng phim trực tuyến Netflix. Tính ở thời điểm gần nhất, bộ phim “The Glory - Vinh quang trong thù hận” dài 16 tập kể về một người phụ nữ tìm cách trả thù những kẻ hành hạ mình từ thời thơ ấu, trở thành bộ phim được xem nhiều nhất trên Netflix, với số lượt xem bằng hai loại phim tiếng Anh đình đám cộng lại. Đây cũng là một trong 10 loạt phim nổi tiếng nhất của Netflix tại hơn 90 quốc gia. Hồi năm ngoái, series “Trò chơi con mực” của Hàn phát trên Netflix cũng trở thành hiện tượng toàn cầu. Một số bộ phim Hàn Quốc cũng đã được bước lên bục vinh quang của giải thưởng điện ảnh danh giá  Oscar như "Ký sinh trùng". 

Trên thực tế, điện ảnh Hàn cũng từng trải qua thời kỳ người Hàn Quốc cũng không xem phim Hàn Quốc mà chuộng phim nước ngoài. Đến thời gian phát triển nhất định, họ mới yêu thích phim Hàn. Tuy nhiên, như Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc Park Ki Yong nói, thành công của phim Hàn cũng nhờ những kinh nghiệm đã được tích lũy trong nhiều năm của đội ngũ sáng tạo. Hàn Quốc đã có một thời gian dài là thuộc địa, từ một nước thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, hiện nay, Hàn Quốc đã thuộc nhóm giàu nhất. Để đạt được điều đó, Hàn Quốc đã có sự cố gắng hết sức mình.

Ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc đã trở thành một mắt xích quan trọng để thúc đẩy kinh tế, văn hóa, thời trang, du lịch của Hàn Quốc… Nếu như nhìn thấy lượng du khách thế giới đổ về thăm đảo Nami, bối cảnh của bộ phim “Bản tình ca mùa đông” sẽ thấy rằng phim ảnh đã có sức hấp dẫn, thúc đẩy sự phát triển du lịch đến mức nào. Chưa kể, lĩnh vực thời trang Hàn Quốc cũng vươn lên trở thành top đầu khu vực khi khán giả trẻ châu Á chuộng phong cách thời trang Hàn.

Bài học thành công từ ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc  - ảnh 4
20 năm trước bộ phim "Bản tình ca mùa đông" đã thu hút du khách nườm nượp tới Hàn Quốc để thăm đảo Nami- bối cảnh chính của bộ phim. 

Theo bài nghiên cứu về “Công nghiệp văn hóa Hàn Quốc và Nhật Bản” đăng trên tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 8 năm 2016 đã nhận định rằng: “Sự yêu thích đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Hàn Quốc ra nước ngoài, đặc biệt ra các khu vực có Hàn lưu phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á. Từ các sản phẩm văn hóa, Hàn Quốc có thể nâng cao uy tín của thương hiệu quốc gia “Made in Korea” cho tất cả các sản phẩm trên thị trường quốc tế”.

Bài học thành công từ ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc  - ảnh 5
Bộ phim "Trò chơi con mực" gây sốt toàn cầu hồi năm ngoái của Hàn Quốc 

Có thể nói, những thành công trong công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc là bài học sâu sắc rõ ràng nhất cho Việt Nam khi phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta hiện đang có một ngành giải trí còn non trẻ, hiếm dấu ấn quốc tế, nhưng điều đó không ngăn chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai gần.

Hiện nay, chúng ta cũng đã có những nghệ sĩ giải trí ví như Sơn Tùng MTP, Đen Vâu hay Hà Anh Tuấn… luôn tạo nên những cơn sốt vé khi họ mở bán đêm nhạc, đã có những bộ phim khiến khán giả Việt yêu thích, bàn tán khắp nơi như “Về nhà đi con”, “Thương ngày nắng về”… Nhà nước ta cũng đang nỗ lực ở mọi khía cạnh để tôn vinh văn hóa, di sản, hình ảnh Việt Nam thông qua các sự kiện văn hóa quốc tế. Tuy nhiên, như bài học công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, chúng ta cũng cần tập trung vào những mũi nhọn là ngành công nghiệp giải trí để đến được nhanh nhất với công chúng Việt Nam, khu vực và thế giới. Ở thời điểm này, khi nội lực của ngành công nghiệp giải trí của chúng ta chưa đủ mạnh, chưa có những “cỗ máy” sản xuất sản phẩm công nghiệp giải trí chuyên nghiệp để vươn ra thế giới, thì chính sách biến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành một điểm đến của các sự kiện văn hóa, giải trí quốc tế được xem là bước đi nhạy bén, xác đáng, là con đường ngắn nhất để hòa nhập với văn hóa, giải trí thế giới, thúc đẩy du lịch, tăng cường lan tỏa hình ảnh đất nước.

Tin cùng chuyên mục

Giới thiệu sách “Điện phố” tại Thủ đô

Giới thiệu sách “Điện phố” tại Thủ đô

(PNTĐ) - Tối 6/12, tại Nhà Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, (Hoàn Kiếm), Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức Triển lãm nghệ thuật và ra mắt ấn phẩm “Điện phố”. Sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Các “Anh trai say hi” thăm báo Nhân Dân, tìm hiểu về báo chí Cách mạng Việt Nam

Các “Anh trai say hi” thăm báo Nhân Dân, tìm hiểu về báo chí Cách mạng Việt Nam

(PNTĐ) - Trưa 6/12, các nghệ sĩ chương trình “Anh trai say hi” đã đến thăm Báo Nhân Dân, tìm hiểu về báo chí cách mạng Việt Nam và giao lưu với bạn đọc trẻ của Báo Nhân Dân tại Trụ sở 71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước sự chào đón nồng nhiệt của các khán giả trẻ đối với các “Anh trai say hi”, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết đây là lần đầu tiên Báo Nhân Dân có một sự kiện tràn ngập không khí trẻ trung, tưng bừng như vậy.