Bảo tồn, phát huy giá trị “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ” tại Tây Hồ, Hà Nội
(PNTĐ) - Tại tọa đàm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ” (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội), do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kết hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức ngày 15/3, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử kiến nghị cần sớm xây dựng hồ sơ trình Bộ VHTT&DL đưa “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Nét văn hóa đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội
Đền Đồng Cổ ngự tại số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là di tích được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử tại Quyết định số 138/QĐ ngày 31 tháng 01 năm 1992.
Xưa kia, Hội thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ là một trong những lễ hội lớn và quan trọng của Triều đại Lý, bắt đầu từ năm 1028, khi Vua Lý Thái Tông cho dựng đàn thề, khởi xướng lễ thề với mục đích răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ. Ngày nay, cứ tới ngày mùng 4 tháng Tư âm lịch hằng năm, chính quyền và Nhân dân làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ lại nô nức mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết: Mặc dù đây không phải là nơi gốc tích thờ Thần Đồng Cổ, bởi vốn nơi Đền thờ Thần Đồng Cổ ở Núi Đồng Cổ, xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, chỉ ở Đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ mới có Hội thề Trung hiếu. Một lễ hội duy nhất, độc đáo và có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ tính cách Việt Nam, truyền thống Việt Nam.
Khẳng định giá trị của lễ hội, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thông tin thêm: Năm Nhâm Ngọ (1042), cùng với việc ban hành bộ “Hình thư” và đúc tiền “Minh Đạo” khai mở truyền thống luật pháp thân dân của quốc gia văn hiến, vua Lý Thái Tông ra lệnh “phạt đánh 50 trượng những người vắng mặt trong buổi hội thề”.
Trừ một số ít quan lại vì lý do riêng tìm cách trốn tránh hội thề đã bị phạt đánh 50 trượng, còn hầu hết tôn thất, quan lại trong triều và mọi người dân ở trong và ngoài kinh thành Thăng Long đều về dự hội thề với tinh thần tận trung, tận hiếu, cầu mong cho quốc thái dân an.
“Hội thề đền Đồng Cổ thực sự là một hội thề non nước, một đại lễ hội của kinh thành Thăng Long, không chỉ đời Lý và các đời Trần, Lê, mà cho đến ngày nay cũng vẫn được duy trì, tiếp nối. Nét đặc sắc của hội thề đền Đồng Cổ chính là sự hòa hợp, kết quyện giữa nghi thức cung đình và dân gian, mượn oai thần linh để tạo nên sự thăng hoa, hết mình của toàn thể cộng đồng, vì sự trường tồn của triều đình, đất nước” - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.
Xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
Chia sẻ tại hội thảo, các nhà sử học, nghiên cứu văn hóa khẳng định: Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ có giá trị lịch sử của riêng nó, là một hiện tượng văn hóa độc đáo, nên được bảo tồn, phát huy và khôi phục.
Cụ thể theo GS Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam: Đây là lễ hội rất độc đáo, nếu được tổ chức tốt và biết khai thác thì sẽ là một điểm du lịch thu hút khách thập phương đến thăm ngày một đông hơn. Vì vậy, nên chăng cần có sự sưu tầm, nghiên cứu, khai thác thêm những tư liệu, đồng thời có kế hoạch lập đề án xây dựng lễ hội này ở quy mô lớn hơn trong thời gian tới, tạo thành một điểm nhấn của văn hóa Hà Nội nói chung, của quận Tây Hồ nói riêng.
Muốn làm được như vậy cần có sự vào cuộc của UBND Quận, các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa, các cấp, các ngành trong quận và của thành phố cùng góp sức để lễ hội ngày một khang trang hơn, phong phú hơn phản ánh đúng thực chất giá trị của nó.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị chính quyền địa phương và Sở Văn hóa & Thể thao sớm hoàn thiện hồ sơ để xét duyệt, công nhận Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Trong đó, hồ sơ cần nhận rõ giá trị khác biệt, độc đáo của Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ.
Theo TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, hồ sơ cần tập trung nêu rõ 6 giá trị, 3 giải pháp. Giá trị đầu tiên cần nhấn mạnh là trong gần 500 di sản văn hóa phi vật thể, Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ là hội đầu tiên có chủ thể, thời gian sử liệu ra đời rõ ràng. Điều đó chứng tỏ, Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ là sự sáng tạo đã tồn tại, lưu truyền gần 1.000 năm của một vị vua, trở thành tập quán truyền thống, sống trong đời sống đương đại.
Từ giá trị đặc biệt kể trên, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND quận Tây Hồ cần làm hồ sơ một cách “bình thường” để di sản được sống trong đời sống đương đại. Bởi, di sản văn hóa phi vật thể không thể quay ngược trở lại, thực hiện như trong quá khứ.
Cùng với đó, quá trình bảo tồn, phát huy cần xác định rõ các cấu phần cần bảo vệ, gắn với phát huy như thể nào để hội thề đi vào đời sống cộng đồng.