Chương trình nghệ thuật “Khát vọng thống nhất” - Thiêng liêng và xúc động
(PNTĐ) - Tối ngày 28/4, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Khát vọng thống nhất” nhân kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023); 50 năm thực hiện Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2023) về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Tới dự chương trình có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Chương trình được thực hiện tại các điểm cầu: Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Hầm chỉ huy tác chiến T1 (Hà Nội), cầu Hiền Lương (Quảng Trị), Cột cờ giới tuyến (Quảng Trị), Trại Davis (thành phố Hồ Chí Minh).

"Khát vọng thống nhất" là câu chuyện về hành trình dặm dài đi tìm độc lập, tự do của cả một dân tộc với bao xương máu của đồng bào, chiến sỹ, điểm nhấn là giai đoạn 1973 - 1975, chặng đường đấu tranh cuối cùng để đi tới ngày thống nhất, đất nước trọn niềm vui. Khát vọng lớn lao và thiêng liêng đó đã được khắc họa thông qua các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, như: bản "Tình ca" bất hủ của nhạc sĩ Hoàng Việt đã đi cùng năm tháng, kể câu chuyện về cây cầu Hiền Lương - một ranh giới giữa 2 miền Nam Bắc nhưng mang trên mình sứ mệnh lịch sử. Sau Hiệp đinh Geneve 1954, cây cầu Hiền Lương chia đôi dòng sông Bến Hải. Và ở hai bờ giới tuyến đó, vô vàn lời yêu thương muốn gửi trao mà không thể nói thành lời đã được gửi qua ngàn trùng xa cách với những lời ca tha thiết, lạc quan và hi vọng của ca khúc “Tình ca”. Tại điểm cầu Cột cờ giới tuyến, ca khúc "Xa khơi" được ca sĩ Trần Tùng Anh thể hiện đầy sâu lắng; ca khúc "Ta đã thấy gì trong đêm nay" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được vang lên tại điểm cầu Trại Davis như nói thay tiếng lòng của nhạc sĩ về giấc mơ một ngày đất nước thanh bình, Nam Bắc sum họp một nhà, non sông thống nhất...

Điểm nhấn đáng chú ý của chương trình chính luận nghệ thuật này là những nhân chứng lịch sử xuất hiện qua các phóng sự, phim tư liệu. Mỗi thước phim tư liệu cùng những câu chuyện của các nhân vật lịch sử xuất hiện trong chương trình giúp khán giả nhìn lại nỗi đau chia cắt tưởng như nghẹn lại ở hai bờ giới tuyến. Đó là những cán bộ trong Trại Davis luôn xác định tinh thần, dẫu phải hy sinh vẫn phải tiếp tục bám trụ để giành chiến thắng. Những chứng nhân của thời đại, trực tiếp chiến đấu đã kể về tình tiết của cuộc đấu tranh của cán bộ ta trên mặt trận chính trị, ngoại giao, buộc Mỹ thực hiện đúng cam kết trong Hiệp định Paris năm 1973.
Hay câu chuyện được kể ở Hầm Chỉ huy tác chiến T1 (tại Hoàng thành Thăng Long), nơi ghi dấu những thời khắc quyết liệt, khẩn trương, cam go và tập trung cao độ của cơ quan đầu não Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong những ngày tháng cam go nhất của cuộc chiến, “ngọn lửa” hy vọng vẫn luôn được nung nấu, gìn giữ và lan tỏa tới mọi mặt trận từ chính căn hầm này, để từ đó cháy lên khát vọng thống nhất Tổ quốc trong mỗi người Việt Nam.

Với sự quyết tâm, vững vàng về lý trí, suốt 823 ngày đêm đấu tranh, các cán bộ ngoại giao của ta đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng. Sự xuất hiện của hình ảnh tư liệu từng đoàn quân “ào ào như thác lũ” tiến về Sài Gòn vào thời khắc lịch sử, chiếc xe tăng 390 húc thẳng vào cổng Dinh Độc Lập và chiến sỹ Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập đã mang đến cảm xúc khâm phục và tự hào cho người xem. Khoảnh khắc đó là dấu mốc vĩ đại trong lịch sử dân tộc: Tổ quốc thống nhất, Bắc Nam sum họp, đất nước trọn niềm vui.

Đan xen các thước phim tư liệu đầy cảm động và hào hùng là chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với những ca khúc đi cùng năm tháng về tình yêu đất nước và khát vọng hòa bình, như: “Bài ca hy vọng", "Tình ca", "Xa khơi", ”Bài ca thống nhất”, “Tổ quốc yêu thương”, “Mùa xuân trên quê hương”, “Mùa xuân đầu tiên”, “Đất nước trọn niềm vui”...
Chương trình quy tụ các giọng ca: NSƯT Hoàng Tùng, Lô Thủy, Nhật Thảo, Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan… với các ca khúc đi cùng năm tháng như: Tình ca (Hoàng Việt), Bài ca thống nhất (Võ Văn Di ); Tổ quốc yêu thương; Huế - Sài Gòn - Hà Nội (Trịnh Công Sơn); Mùa xuân quê hương, Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Bài ca hy vọng (Văn Ký)... và Dàn nhạc thính phòng Hà Nội.

Âm nhạc là sợi dây kết nối xuyên suốt, chuyển tải toàn bộ nội dung và thông điệp chương trình. Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng thống nhất” mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả bằng những câu chuyện chân thực, xúc động và các tiết mục nghệ thuật chất lượng. Truyền tải thông điệp, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân Việt Nam luôn khát vọng hòa bình, thống nhất và khát vọng đó luôn tỏa sáng tiếp nối giá trị cho đến hôm nay.