Từ ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam:

Động lực thúc đẩy văn hóa nghệ thuật phát triển

Mai Thư
Chia sẻ

(PNTĐ) -Dưới ánh sáng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam và đường lối văn hóa văn nghệ đúng đắn của Đảng, nền văn hóa nghệ thuật của nước ta đã có nhiều khởi sắc, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

Động lực thúc đẩy văn hóa nghệ thuật phát triển - ảnh 1
Tổng Bí thư Trường Chinh với những người làm công tác điện ảnh (Ảnh Tư liệu)

Kết nối kế thừa dòng tư tưởng chủ đạo 
Đề cương về Văn hóa Việt Nam ngay từ khi ra đời đã khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, soi rọi động viên, thức tỉnh, dẫn đường giới trí thức, văn nghệ sĩ. Theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, dưới ánh sáng của Đề cương, văn học nghệ thuật đã tiếp tục kết nối dòng tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước dân tộc, dân chủ, văn minh, phản ánh chân thật đời sống của nhân dân, đấu tranh lên án đẩy lùi cái xấu, cái ác, ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống lịch sử dân tộc, những thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận xét, với tư tưởng chủ đạo yêu nước, âm nhạc thời chiến luôn đồng hành cùng dân tộc, cổ vũ toàn dân đoàn kết một lòng vừa kiến quốc, vừa vệ quốc. Thời bình, âm nhạc cũng góp phần đáng kể trong công cuộc xây dựng văn hóa và con người mới.

Theo Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của công tác lý luận phê bình, phát huy sức mạnh của âm nhạc trong xây dựng văn hóa thời kỳ mới, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã thúc đẩy công tác lý luận phê bình âm nhạc tiến lên một bước. Hội đã kết nối với nhiều địa phương tổ chức nhiều hội thảo khoa học với các chủ đề như: Tính dân tộc và tính hiện đại trong âm nhạc; âm nhạc Việt Nam - truyền thống và đương đại... Qua đó kết nối nhiều nhạc sĩ, ca sĩ và các nhà lý luận âm nhạc tham gia, góp phần khẳng định giá trị Đề cương, định hướng, hướng dẫn cho công chúng về thưởng thức và đánh giá tác phẩm âm nhạc theo tinh thần Đề cương về Văn hóa Việt Nam. 

Suy nghĩ về sự kết nối dòng tư tưởng chủ đạo của Đề cương về Văn hóa Việt Nam vào lĩnh vực hoạt động điện ảnh, PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh khai sinh “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”, là tiền thân điện ảnh cách mạng Việt Nam ngày nay, nhiều bộ phim tài liệu mang đậm tính dân tộc và tính đại chúng đã ra đời và cuốn hút nhiều thế hệ người xem, như: Cây tre Việt Nam, Hà Nội Thủ đô của phẩm giá con người... Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, những bộ phim về quân dân miền Bắc vừa sản xuất, vừa kiên cường chiến đấu, vừa tích cực chi viện cho miền Nam cũng mang đậm tính dân tộc. Bên cạnh đó, việc tổ chức nhiều đội chiếu bóng lưu động chiếu phim Việt Nam miễn phí phục vụ bà con công nhân, nông dân, chiến sĩ khắp vùng sâu, vùng xa đã thể hiện rõ tính đại chúng trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Đất nước thống nhất cũng là lúc các nghệ sĩ điện ảnh hai miền Bắc - Nam cùng bắt tay đồng lòng xây dựng nền điện ảnh mới thấm đẫm bản sắc dân tộc - đại chúng và không ngừng thay đổi trong quá trình hội nhập. Qua đó có thể xem Đề cương là tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam và giá trị kết nối, kế thừa của Đề cương vẫn mãi trường tồn.
 
Kiến tạo văn hóa nghệ thuật theo đường lối của Đảng
Chia sẻ về vai trò của Đề cương về Văn hóa Việt Nam đối với việc bảo tồn, phát huy nền âm nhạc Việt Nam truyền thống, TS. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Lâm (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, từ quan điểm của Đảng ta mà đội ngũ những người làm âm nhạc đã thực hiện một cuộc bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa âm nhạc truyền thống một cách mạnh mẽ. Bên cạnh những quan điểm phối hợp Đông - Tây trong trình diễn nhạc truyền thống dân tộc, nhiều nhạc sĩ đã chú ý đến cách viết để làm sao một bản nhạc mang được hơi thở Việt, nhạc tính Việt. Có thể nói, đây là kết quả của sự hội ngộ giữa quan điểm trực tiếp của những người làm nghệ thuật âm nhạc, đồng thời có sự thống nhất tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta khi nhìn nhận văn hóa truyền thống dân tộc và những tinh hoa văn hóa nhân loại. 

Nói về tình trạng sân khấu trước và sau khi Đề cương về Văn hóa ra đời, PGS Nguyễn Tất Thắng (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) chia sẻ: Sân khấu Việt Nam, mà cụ thể là Kịch hát dân tộc, nhất là Cải lương trước khi có Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời đã sa vào giai đoạn pha tạp, tha hóa và có thể nói là suy thoái. Nghệ thuật Tuồng giai đoạn đó cũng không nằm ngoài tình trạng trên. Tuồng cổ phát triển thành Tuồng tiểu thuyết, Tuồng sơn nữ... Ngay sau khi Đề cương ra đời thì Hội Văn hóa cứu quốc đã được thành lập để thực hiện chủ trương của Đảng là hoạt động mạnh trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Từ đó, một thời kỳ mới đã đến với sự phát triển tiến bộ của sân khấu nói chung và sân khấu kịch hát dân tộc nói riêng. Một số tác phẩm đánh dấu sự phục hồi phát triển tinh hoa kịch hát dân tộc dưới ánh sáng của Đề cương là các vở: Chị Ngộ (tuồng), Chị Trầm (chèo), Hai bó rơm (cải lương)...

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã khẳng định, sau khi cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định hai nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa: Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt; hai là phải giáo dục tinh thần cho nhân dân. Chính vì vậy, đầu năm 1946 Ban Trung ương vận động đời sống mới được thành lập với sự tham gia của nhiều nhân vật có uy tín trong giới trí thức văn nghệ sĩ như: Trần Huy Liệu, Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Huy Tưởng... 

Năm 1948, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập là sự tiếp nối tốt đẹp của Hội Văn hóa cứu quốc (được thành lập năm 1943). Trong thời gian này cũng như về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn có những chỉ đạo mang tính chiến lược về đường lối văn hóa văn nghệ.

Dưới tác động tích cực của Đề cương, nhiều tổ, nhóm văn hóa cứu quốc đã được thành lập nhằm thu hút các nhân sĩ, văn nghệ sĩ yêu nước phục vụ cách mạng. Theo chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện (Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam), sau khi Đề cương ra đời năm 1943, Đảng ta xúc tiến việc thành lập các tổ, nhóm văn hóa cứu quốc, tập hợp các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước có cảm tình với cách mạng. Tích cực tham gia vào tổ chức Hội văn hóa cứu quốc hoặc là có cảm tình với Hội chính là các văn nghệ sĩ, trí thức tên tuổi. Hoạt động nổi bật của Hội Văn hóa cứu quốc giai đoạn này là ủng hộ, cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với Hội truyền bá chữ quốc ngữ để xóa bỏ tình trạng mù chữ, thất học, chống lại những thủ đoạn ngu dân thâm độc. 

Giai đoạn này đã xuất hiện những tác phẩm có giá trị lâu bền như: Sống mòn (Nam Cao); Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi); Du kích ca (Đỗ Nhuận)... Trên văn đàn công khai văn học khái luận là công trình lý luận văn học chịu ảnh hưởng của Đề cương, viết theo lập trường của quan điểm văn học mác-xít.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đề cương là ngọn cờ tập hợp được đông đảo văn nghệ sĩ của cả nước tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặt nền móng xây dựng nền văn hóa mới. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những quan điểm cơ bản trong Đề cương được Đảng ta tiếp tục bổ sung, phát triển trong đường lối xây dựng nền văn hóa dân tộc và dân chủ tiên tiến, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Có thể thấy, dưới ánh sáng soi chiếu của Đề cương về Văn hóa, văn hóa nghệ thuật đã có sự phát triển tích cực. Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng đã đem tài năng, cùng chung sức, chung lòng, kiến tạo văn hóa nghệ thuật theo đường lối của Đảng. Phổ cập, quảng bá những tác phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới lành mạnh và đề cao phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục