Đừng để “bún mắng”, “cháo chửi” làm hỏng ẩm thực Hà Nội

Chia sẻ

PNTĐ-Hiện nay, văn hóa phục vụ trong các ngành dịch vụ của Hà Nội rất đáng báo động, nhất là trong lĩnh vực ẩm thực.

 
Đừng để “bún mắng”, “cháo chửi” làm hỏng ẩm thực Hà Nội - ảnh 1
Xếp hàng ăn phở
 
Người ta đã nói nhiều đến bún mắng, cháo quát ở Hà Nội và nói có phần hơi quá lên về những trường hợp hy hữu này. Tuy nhiên, nó lại rất đúng, với ý nghĩa là phần nhô lên của tảng băng chìm về văn hóa ứng xử trong các một số ngành nghề dịch vụ của Hà Nội.
 
Tuy không đến nỗi quát mắng bởi chính chủ quán khi đi ăn, đi uống, nhưng khá thường xuyên gặp cảnh, thượng đế chống đũa dài cổ ngồi chờ, trong khi trên bàn ăn chỉ còn sót một hai món khai vị đã nguội ngắt hoặc đã được ăn hết nhẵn. Và thế là một vài vị khách khó tính bắt đầu lớn tiếng gọi phục vụ mang đồ lên, đương nhiên, càng gọi phục vụ càng mất hút. Và một tình huống rất dễ xảy ra là:
 
- Đồ của bọn anh đâu, em ơi, bọn anh đợi từ nãy đến giờ, làm gì mà lâu thế… - thực khách phàn nàn
 
- Các anh không biết là chúng em đang chạy cuống lên thế này à - cô nhân viên trả lời giọng giận dỗi.
 
Quan sát gương mặt của những thực khách Hà Nội khi bị trả lời như thế, tôi bắt gặp một vài sự tẽn tò, một số khác thì tỏ ra thông cảm. Riêng anh chàng vừa phàn nàn thì tức há mồm ra nhưng không biết nói thế nào.
 
Đúng là các cô nhân viên đang bận thật, chạy cuống chân lên mà không kịp phục vụ hết bàn này đến bàn khác. Mà bàn nhậu nào cũng lắm người say, và khi đã say thì họ đòi nhân viên phải hâm cả nước mắm cho họ. Cô nhân viên trả lời như vậy cũng hợp lý lắm, phải thông cảm cho các cô chứ, ai cũng là con người…
 
Những suy nghĩ dạng như trên đã phản ánh rất rõ bức tranh văn hóa phục vụ của Hà Nội: Người bán hàng lấy chính mình làm trung tâm, chứ không lấy Thượng đế làm trung tâm. Trong trường hợp trên, cô nhân viên đúng là không thể nào bưng ngay đồ ăn lên cho tất cả các bàn. Nhưng đó không thể là lý do để phản bác lại đòi hỏi của thực khách, bởi quán phải có trách nhiệm cung ứng dịch vụ đầy đủ cho thực khách khi họ bước chân vào. Nếu phục vụ không tốt, dù bất kỳ lý do gì thì lỗi cũng là ở quán đó; còn thực khách, người bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ thì cần được phục vụ một cách chu đáo nhất, thậm chí hơn thế, cần được làm cho hài lòng, kể cả những thực khách đã say xỉn.
 
Rất nhiều thực khách phía Nam ra Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đã rất sốc trước thái độ phục vụ của nhân viên nhiều quán hàng nơi đây. Nếu như ở trong Nam, một quán bình dân thôi cũng có thể có một đội ngũ nhân viên phục vụ rất đông đảo (mỗi bàn nhậu có khi có hẳn một hai nhân viên đứng chầu chực để “coi sóc”, phục vụ rất tận tụy (như dắt xe, rót bia..), rất lễ phép (như chào hỏi, mời mọc…). Thì ở Hà Nội, hầu như quán nào cũng rất ít nhân viên, và có một điều lạ lùng là quán càng đông khách thì hình như nhân viên càng ít, và thái độ phục vụ càng dở tệ. Đơn giản là bởi vì mặc dù quán làm ăn ngày càng khấm khá, lượng khách tăng lên gấp đôi gấp ba nhưng chủ quán luôn có tâm lý tận dụng tối đa đội ngũ nhân viên sẵn có, không chịu tăng lên theo tỉ lệ tương ứng, kết quả là đội ngũ nhân viên cũ quá tải, sinh ra cục cằn, thô lỗ với khách.
 
Có quán phở, cũng vì thiếu nhân viên coi bàn hoặc thu tiền nên đã yêu cầu khách phải trả tiền trước để chắc ăn từ đầu vào, hay đứng xếp hàng rồi tự… bê bát phở về bàn ăn. Điều ngang trái hơn là vị khách mới nào chưa biết được thông lệ đó thì bị mắng cho tới tấp hoặc bị gọi giật lại, yêu cầu phải thế nọ thế kia, vì quy định của nhà hàng tôi là như vậy…
 
Văn hóa phục vụ trong các ngành dịch vụ của Hà Nội rất đáng báo động, nhất là trong lĩnh vực ẩm thực. Thường thì khách rất hiếm thấy nụ cười của các nhân viên trong các quán xá (tất nhiên là trừ ở các khách sạn, nhà hàng cao cấp). Nhân viên khi bưng đồ ăn ra cho khách thì đặt phịch xuống bàn, rồi quay đi không một lời mời mọc… Nhiều quán thì ông chủ tăng cường ra làm nhiệm vụ bưng bê cùng với nhân viên, và trong quá trình bưng bê, ông tiếp tục quát tháo, chỉ đạo công việc của các nhân viên khác. Và ông luôn tỏ rõ uy thế, ta đây là ông chủ, chứ không phải là một tay bồi bàn.
 
Thực ra, khách hàng bao giờ cũng là thượng đế và hơn thế còn là thượng đế rất khó tính, cho nên nói họ chịu chấp nhận bị “mắng”, “quát” để mua được bát bún ngon, tô cháo ngon… là điều rất phi lý. Song nó phản ánh một sự thực khác, đó là nhiều thực khách Hà Nội, do sống lâu với những điều phi lý tương tự trong văn hóa phục vụ, nên họ coi đó là rất bình thường, đúng như câu “ở gần chợ lâu ngày không biết cá tanh”. Khi cúi xuống ăn bún mắng, cháo chửi, hẳn họ đã nghĩ không có việc gì phải ầm ĩ hay tự ái nếu bà già bán hàng nọ hay cáu bẳn và thích ra oai quát tháo với tất cả mọi người. Ừ thì bà ấy nấu giỏi, đông khách, “thương hiệu” lớn thì “kiêu” là đúng thôi. Vả lại, kiêu như thế lại có vẻ thật, chứ bán hàng khéo quá lại có cảm giác… điêu điêu.
 
Từ cả hai phía đều như vậy, cho nên văn hóa phục vụ của Hà Nội gần như là một con số không tròn trĩnh. Cứ như thế thì hẳn là sẽ làm khó chịu ít nhiều du khách ghé tới thăm…
 
    Nguyễn Mỹ

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Giải Pickleball Công an nhân dân mở rộng lần I

Khai mạc Giải Pickleball Công an nhân dân mở rộng lần I

(PNTĐ) - Tối 18/7, Giải Pickleball Công an nhân dân khu vực phía Bắc mở rộng lần thứ nhất năm 2025 đã khai mạc tại Hà Nội. Giải được tổ chức vào dịp hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025), đồng thời hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Sao mai Thu Hằng nhiều lần muốn rơi nước mắt khi  hát tại tri ân Nghĩa trang Đường 9 Quảng Trị

Sao mai Thu Hằng nhiều lần muốn rơi nước mắt khi hát tại tri ân Nghĩa trang Đường 9 Quảng Trị

(PNTĐ) - Nữ nghệ sĩ nói về cảm xúc khi hát tri ân Anh hùng, Liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị): "Cảm giác đứng giữa nơi đây hát luôn rất đặc biệt, khó diễn tả. Tôi thấy mình không phải hát cho những khán giả đang ngồi dưới khán đài, mà là đang hát cho gần 11.000 anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây. Rất nhiều khi khóe mắt muốn cay, lồng ngực như nghẹn lại".
Vĩnh biệt họa sĩ tài danh Lê Thiết Cương

Vĩnh biệt họa sĩ tài danh Lê Thiết Cương

(PNTĐ) - Lê Thiết Cương - họa sĩ, nhà giám tuyển và phê bình mỹ thuật gạo cội - qua đời ở tuổi 63 sau thời gian mắc trọng bệnh. Tin từ gia đình cho biết, họa sĩ qua đời vào 18h55 tối 17/7 tại nhà riêng. Tin buồn khiến nhiều người bất ngờ bởi cách đây chưa lâu, họa sĩ còn có buổi giao lưu ra mắt cuốn sách mới của ông mang tên Trò chuyện với hội họa.