Hàng vạn người dân, du khách về dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tại đình Nội, thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, vừa diễn ra khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn 2024 trong không khí thiêng liêng, rộn ràng, náo nức.

Tới tham dự Lễ hội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây Khuất Hữu Sơn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Phú Thọ...

Hàng vạn người dân, du khách về dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn  - ảnh 1
Các đồng chí đại biểu trung ương và địa phương cùng nhân dân, du khách tham dự Lễ khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn 

Đồng chí Lê Kim Anh, Thành Uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đại diện Hội LHPN Hà Nội tham dự chúc mừng Lễ hội. 

Đặc biệt, hàng vạn người dân, du khách từ khắp nơi đổ về tham dự lễ hội tạo nên không khí tưng bừng, phấn khởi khắp nơi nơi. 

Trước khai mạc Lễ hội, Đoàn đại biểu do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã thành kính dâng hương kính lễ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân tại đình Nội.

Hàng vạn người dân, du khách về dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn  - ảnh 2
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến dâng hương tại Khu di tích đình Nội trước giờ khai mạc 

Lễ hội Bình Đà là lễ hội cổ truyền, mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt, nhằm ôn lại ký ức của buổi đầu khai sinh, lập địa, tưởng nhớ công ơn của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội gắn với giá trị độc đáo của di tích Đình Nội, ngày 1/4/2014, Lễ hội Bình Đà đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội. Năm nay, Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày (từ 12 đến 14/4, tức từ mùng 4 đến hết mùng 6 tháng Ba năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động phong phú.

Hàng vạn người dân, du khách về dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn  - ảnh 3
Các đồng chí lãnh đạo trung ương, Hà Nội cùng tham gia nghi thức dâng hương tại Khu di tích đình Nội, xã Bình Minh (huyện Thanh Oai)

Phát biểu khai mạc Lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng nhấn mạnh: “Vinh dự cho quê hương Thanh Oai nói riêng và cả nước nói chung, hàng nghìn năm nay vẫn bảo tồn được di tích lịch sử Đình thờ “Quốc Tổ Lạc Long Quân”, người anh hùng cái thế từ thủa ban đầu. Tại ngôi Đình còn lưu giữ được nhiều các cổ vật quý như: Tấm Bia thời Lý, thời Lê Trung Hưng; nhiều thần phả và các sắc phong, chuông đồng, đồ tế tự, hoành phi câu đối, đặc biệt trong đình còn lưu giữ bức Phù điêu (giá tượng Lạc Long Quân độc nhất vô nhị) của Việt Nam, cùng với kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi Đình. Do vậy, năm 1985 Đình đã được Bộ văn hóa công nhận di tích lịch sử và nghệ thuật. Và năm 1990, Đình Nội Bình Đà tiếp tục được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia”.

Hàng vạn người dân, du khách về dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn  - ảnh 4
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng phát biểu khai mạc Lễ hội Bình Đà 

Đình Nội gắn liền với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha. Đến đất Bảo Đà nay là Bình Đà, cách biển không xa, truyền cho các con dừng chân dựng trại, thấy thế đất lục long chiêu hội, lưỡng phương giao phi màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều thềm đất cao mang dáng rồng chầu, hổ phục, bèn chọn làm nơi xây dựng cơ nghiệp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, lấn biển, làm nhà, đuổi diệt thú dữ, khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi. Chẳng bao lâu, cả vùng Cổ Nõi được coi là đất quý trở nên trù phú, người dân khắp nơi đổ về đất linh bái yết Long Quân, hình thành những làng xóm đầu tiên vùng châu thổ sông Hồng. Vào một ngày cuối tháng Hai lịch trăng, Lạc Long Quân hóa trong đêm. Để tri ân công đức của Quốc tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà lập ngôi Đình Nội cùng bức đại tự “Vi Bách Việt tổ” (Tổ dân Bách Việt). Kể từ đó, hàng năm, cứ vào đầu tháng Ba Âm lịch, người dân Bình Đà lại cùng nhau mở hội làng với hình thức tôn nghiêm nhất để tưởng nhớ và tri ân Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.

Hàng vạn người dân, du khách về dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn  - ảnh 5
Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan đánh trống khai hội

Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, có lúc bị gián đoạn do chiến tranh, nhưng đến nay, lễ hội truyền thống Bình Đà vẫn được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ với đầy đủ các lễ nghi nghiêm cẩn theo luật tục xưa. Cùng với thời gian, lễ hội ngày càng lan tỏa, phát triển thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội gắn với giá trị độc đáo của di tích Đình Nội; ngày 01/04/2014, Lễ hội Bình Đà đã được Nhà nước ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể văn hóa cấp quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, bức Phù điêu (Bức giá tượng) được lưu giữ trong Đình Nội được chạm nổi hình tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng với các lạc tướng, lạc hầu, tái hiện sống động cảnh sinh hoạt thời đại Hùng Vương đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.

Hàng vạn người dân, du khách về dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn  - ảnh 6
Khai mạc Lễ hội thu hút hàng vạn người đân và du khách tham dự 

Ông Sáng cũng cho biết, Lễ hội Bình Đà là lễ hội cổ truyền từ xa xưa, là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt nhằm ôn lại ký ức của buổi đầu khai sinh, lập địa, tưởng nhớ công ơn của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, người là “Tổ dân bách Việt” đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi, dựng xây cơ nghiệp.Các nội dung của lễ hội từ nghi lễ, đến các phẩm vật cúng tế đều thể hiện lòng tôn kính hướng về Quốc Tổ và phản ánh nội dung của truyền thuyết liên quan đến sự tích của Ngài và 100 người con (100 oản, 100 quả chuối, 100 ghế chéo, thả bánh vía...). Đã thành lệ, vào dịp lễ hội, đều có đoàn đại biểu Ban Quản lý di tích Đền Hùng (Phú Thọ) về dâng hương Quốc Tổ và xin rước chân nhang ở hương án Đệ nhất của Đền Nội về thờ, với ý nghĩa cung kính đón Quốc Tổ về dự hội Đền Hùng vào ngày mồng mười tháng ba Âm lịch cùng con cháu.

Hàng vạn người dân, du khách về dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn  - ảnh 7
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội thực hiện nghi thức khai trương tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”

Cùng với lễ hội Bình Đà, huyện Thanh Oai còn sở hữu nhiều tiềm năng du lịch phong phú. Toàn huyện Thanh Oai hiện có 266 di tích, trong đó có 146 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, với 70 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, 76 di tích được xếp hạng cấp thành phố. Các di tích tiêu biểu và đặc sắc như: Đình Nội, Đình Ngoại Bình Đà, xã Bình Minh; chùa Bối Khê, xã Tam Hưng; Đình Sàn Tảo Dương, xã Hồng Dương; nhà thờ lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực...); 80 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: lễ hội chùa Bối Khê, xã Tam Hưng; lễ hội làng Chuông, xã Phương Trung; lễ hội chùa Sổ, xã Tân Ước; lễ hội chùa Bốn thôn (xã Bình Minh – xã Tam Hưng); 51 làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: nón làng Chuông, giò chả Tân Ước, kim khí, điêu khắc Thanh Thùy; lồng chim Dân Hòa; tương miến Cự Đà; nhiều sản vật nông nghiệp có thương hiệu như: nếp cái hoa vàng Tam Hưng, gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn,... Đặc biệt, Thanh Oai là huyện vinh dự được đón Bác Hồ 6 lần về ở, thăm và làm việc. Thanh Oai còn được mệnh danh là mảnh đất địa linh nhân kiệt: có đến 46 nhà khoa bảng được ghi danh tại Văn miếu Quốc Tử giám qua các triều đại, tiêu biểu như: Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực, Nguyễn Đức Lượng... Thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy và Chương trình 04 của Huyện ủy về phát triển văn hóa, du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Thanh Oai – Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn để khai thác các tiềm năng du lịch của huyện, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hàng vạn người dân, du khách về dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn  - ảnh 8
Đồng chí Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội (người phía trong) và đồng chí Dương Thị Lý Anh – Trưởng Ban Chính sách Luật Pháp- Hội LHPN Hà Nội thăm gian hàng nón làng Chuông tại Lễ hội Bình Đà 

Chính vì vậy, năm 2024, Sở Du lịch Thành phố Hà Nội phối hợp cùng các chuyên gia lĩnh vực du lịch, UBND huyện Thanh Oai - Ứng Hòa – Mỹ Đức nghiên cứu, xây dựng tuyến du lịch “Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai - Ứng Hòa – Mỹ Đức” với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội” được khai trương ngay tại Lễ khai mạc Lễ hội Bình Đà.

Hàng vạn người dân, du khách về dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn  - ảnh 9
Nam ca sĩ Tùng Dương biểu diễn tại Lễ khai mạc Lễ hội Bình Đà 

Năm nay, ngoài các nghi thức tế lễ, rước kiệu; các dòng họ, thôn tổ chức dâng lễ tại Đình Nội và Đình Ngoại; Thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ; Lễ tế Thiên quan; Lễ rước, thả bánh Thánh xuống giếng Ngọc, …, chương trình Khai mạc Lễ hội với màn nghệ thuật khai hội đặc sắc, ấn tượng, Lễ hội Bình Đà còn diễn ra chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao phong phú: Giải Bóng đá thanh niên huyện Thanh OaiTriển lãm sinh vật cảnh Thanh OaiHội chợ trưng bày và giới thiệu, trình diễn sản phẩm làng nghềTriển lãm ảnh Nét đẹp văn hóa Thanh OaiLiên hoan biểu diễn trống hộiLiên hoan lân sư rồng huyện Thanh Oai mở rộngtrình diễn Thư pháp, đốt pháo hoa, hát quan họ trên hồ Thủy đình và các trò chơi dân gian đặc sắc.

Hàng vạn người dân, du khách về dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn  - ảnh 10
Phần biểu diễn văn nghệ hoành tráng, công phu thu hút sự theo dõi của đông đảo người dân, du khách 
Hàng vạn người dân, du khách về dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn  - ảnh 11
Hàng vạn người dân và du khách muôn nơi đổ về Lễ khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn 

Tin cùng chuyên mục

Tùng Dương cảm ơn vợ trên sân khấu liveshow thứ 14

Tùng Dương cảm ơn vợ trên sân khấu liveshow thứ 14

(PNTĐ) - Tùng Dương đã dành lời cảm ơn “mẹ Voi” trong sự xúc động trên sân khấu Liveshow "Người đàn ông hát" diễn ra tối 23/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội với sự theo dõi của 4 nghìn khán giả. Tùng Dương thường gọi vợ một cách trìu mến là “mẹ Voi”. Và dù hiếm khi xuất hiện, nhưng “mẹ Voi” cũng là người âm thầm đứng sau thành công trong sự nghiệp của Tùng Dương.