Hầu đồng bị lợi dụng, Chầu văn trước nguy cơ biến dạng
Lâu nay, nghệ thuật hát chầu văn vẫn tồn tại chủ yếu qua dạng “cha truyền con nối”, hoạt động rời rạc theo các đền phủ và theo diễn xướng của cung văn tại các buổi lễ hầu đồng.
Sự phát triển không định hướng đó khiến cho nghệ thuật chầu văn cũng đứng trước nguy cơ bị biến dạng và lợi dụng. CLB Bảo tồn nghệ thuật hát chầu văn Việt Nam ra đời, đưa bộ môn nghệ thuật này vào một “tổ chức” để phát triển theo quỹ đạo hợp lý nhất.
Các cung văn tung hoành tại lễ hầu đồng
Những năm gần đây, tín ngưỡng Tứ phủ hồi sinh mạnh mẽ, phong trào học Chầu văn cấp tốc cũng có mặt ở khắp nơi. Một số ông đồng, bà đồng chưa được qua đào tạo, chỉ mới có chút căn đồng (theo quan niệm), chưa nắm chắc quy trình nhập đồng và biểu diễn trên các giá đồng đã lợi dụng hầu đồng vào kinh doanh, trục lợi cá nhân… khiến cho hầu đồng bị nghi ngờ như một hình thức phi văn hóa, tín ngưỡng.
![]() |
Biểu diễn Chầu văn tại buổi ra mắt Chi hội CLB Bảo tồn nghệ thuật hát Chầu văn VN tại Nam Định |
Đội ngũ cung văn (hát chầu văn tại các buổi hầu đồng) chủ yếu xuất thân “nghiệp dư”, có chút chất giọng. Để đáp ứng nhu cầu “mưu sinh” tại các buổi hầu đồng, người ta chỉ cần học lỏm một vài làn điệu cơ bản qua băng đĩa, hay ở các buổi hầu đồng khác rồi thả sức “hành nghề”. Họ dễ dãi “chiếu” theo nguyện vọng của các ông đồng, thay hoặc làm mới lời hát, mở nhạc lớn để lấp liếm phần diễn xướng không đạt của mình, không nắm được bản chất của hát chầu văn, những làn điệu cổ ngày xưa. Sự dễ dãi về văn hóa đó khiến cho vốn chầu văn cổ đang bị mai một.
Hiện nay, lực lượng cung văn còn là một số sinh viên các trường ca múa nhạc, nghệ sỹ tại các đoàn nghệ thuật cũng tham gia hát chầu văn, hình thành các nhóm hát tại đền phủ. Chính những hoạt động tự phát đó khiến hát chầu văn trở nên biến dạng. Không hiếm các cung văn đàn không theo thứ tự cung bậc vẫn rục rịch hành nghề. Nguy cơ trượt dài giá trị chầu văn kinh điển theo thị hiếu thời đại của nhiều ông đồng bà cốt đang xảy ra nghiêm trọng.
GS. TS Ngô Đức Thịnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn Nghệ thuật hát chầu văn Việt Nam cho biết, những hành vi lợi dụng tín ngưỡng hầu đồng và hát chầu văn để trục lợi đang diễn ra khiến nhiều người lo ngại về sự biến dạng các giá trị văn hóa kinh điển của tín ngưỡng thờ Mẫu, biểu hiện một sự dễ dãi trong văn hóa. Việc tổ chức lại, có định hướng và nguyện vọng của những người chầu văn, đưa cho họ kiến thức để họ tự điều chỉnh hành vi của mình, đồng thời đưa hát chầu văn vào bộ môn cần được cộng đồng bảo tồn và phát triển.
Ra đời trên nền tảng CLB bảo tồn và phát triển đạo Mẫu Việt Nam, CLB Bảo tồn Nghệ thuật hát chầu văn mang mong muốn đưa những cung văn – lực lượng bảo tồn hát chầu văn vào một tổ chức để quản lý, truyền nghề và giúp nghề giảm bớt tiêu cực.
GS Thịnh cho biết, chầu văn là linh hồn của hầu đồng nhưng cũng đang bị biến dạng sau một thời gian dài bị đứt gãy văn hóa. Đưa những cung văn và những người yêu thích chầu văn vào CLB là hình thức sắp xếp lại văn hóa tín ngưỡng hầu đồng của dân tộc đang được trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. CLB sẽ truyền dạy kỹ năng hát, nhạc bằng hình thức truyền miệng cho các thế hệ kế cận. “Vừa qua, chúng tôi đã khảo sát và tìm được 5 nghệ nhân hát văn lão thành. Chúng tôi đã tôn vinh các cụ là những nghệ nhân dân gian hát chầu văn đầu tiên của Việt Nam, đồng thời tổ chức để các nghệ nhân này dạy nhạc, điệu, ca hát, góp phần quy chuẩn lại lề lối hát chầu văn đang bị lạm dụng, khắc phục tình trạng lợi dụng, biến dạng. Cung văn cũng đưa vào quỹ đạo, giữ cốt cách truyền thống”.
Hát chầu văn có những phong cách riêng, nhiều làn điệu phong phú, kết hợp cả âm nhạc trong môi trường và nghi lễ tín ngưỡng nên được nhiều người ưa chuộng. Hình thức đưa văn hóa chầu văn vào đời sống, phục vụ du lịch văn hóa và hướng tới để cộng đồng hiểu rõ hơn về di sản văn hóa của nhân loại cũng đang là một hướng đi của CLB bảo tồn nghệ thuật hát Chầu văn. “Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ bạn trẻ thích hát chầu văn để thỏa mãn đam mê sở thích riêng. CLB sẽ tổ chức các lớp học dành cho các bạn trẻ yêu thích bộ môn nghệ thuật này, đưa chầu văn phát triển rộng rãi ra cộng đồng” - GS Thịnh chia sẻ.
Quỳnh Mai