Khai thác, sử dụng hiệu quả các giá trị, nguồn lực văn hóa của Hà Đông
(PNTĐ) -Hà Đông là quận có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; có nhiêù làng nghề truyền thống nôỉ tiếng như: Lụa Vạn Phúc, the La Khê, mộc Thượng Mạo, rèn Đa Sỹ; có vị trí địa lý thuận lợi nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 11 km, có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm là điều kiện để giao thương phát triển... Trong những năm qua, công tác đâù tư cho phát triển du lịch trên địa bàn quận đã được quan tâm và tập trung.
*Mảnh đất giàu bản sắc truyền thống, nguồn lực văn hóa dồi dào

Trong những năm qua, quận đã bố trí hàng trăm tỷ đồng để đầu tư vào các hạng mục: nâng cấp cơ sở hạ tầng, tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa; xây dựng điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề rèn Đa Sỹ; chú trọng công tác vệ sinh môi trường nhằm phát triển bền vững.
Với quan điểm tăng cường giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm để tổ chức các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn, quận Hà Đông đã triển khai nhiều hoạt động nhằm quảng bá, tuyên truyền về con người và vùng đất Hà Đông đối với bạn bè trong và ngoài nước như: xây dựng và xuất bản các ấn phẩm về “Du lịch Hà Đông” (sách, tờ gấp, bản đồ, đĩa DVD, 360 độ). Các sản phẩm lụa Vạn Phúc còn có mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm tại Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt mẫu sản phẩm “lụa Long Vân” với hoa văn Rồng chầu Khuê Văn Các đã được chọn làm quà tặng của Thủ đô cho các đại biểu khách trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sản phẩm lụa “Sa tanh đa màu nghìn năm Thăng Long” đã đạt giải Ba tại Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam cúp Thăng Long 1.000 năm. Thường xuyên khuyến khích, động viên các nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tích cực mang sản phẩm tham gia các hội thi, cuộc thi do các Sở, ban, ngành của Thành phố, các Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tổ chức và đạt nhiều giải thưởng như: nghệ nhân Nguyễn Anh Sơn và Trần Thị Ngọc Lan (Cơ sở Lan Sơn silk) có 02 giải: Sản phẩm khăn lụa, cà vạt - Hà Nội thân yêu đạt giải Nhất và 01 sản phẩm lụa Lá dâu đạt giải Khuyến khích; nghệ nhân Phạm Khắc Hà (Công ty TNHH Phúc Hưng) có 01 Sản phẩm lụa - Hoài niệm Sen Việt đạt giải Nhì; nghệ nhân Nghiêm Thị Thu Hương (Công ty TNHH Đông Hương) có 01 Sản phẩm khăn lụa Vỹ hoa trắng đạt giải Nhì; của nghệ nhân Đỗ Quang Hùng có 03 Sản phẩm khăn lụa tơ tằm đạt giải Ba và HTX Vụn Art có 01 sản phẩm đạt giải Ba tại cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2022 trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2022 (Hanoi Gift Show 2022); 01 sản phẩm tranh ghép lụa của HTX Vụn Art đạt giải ba tại cuộc thi tranh về bình đẳng giới do Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức, Chương trình hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích có sản phẩm Khăn lụa Sóng nước của Cơ sở Lan Sơn Silk vào Top 2, mẫu Áo dài lụa thêu hoa của Công ty TNHH Phúc Hưng vào Top 4. Bằng khen của Bộ Nông nghiệp cho tập thể Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc....và nhiều giải thưởng khác.
Cùng với lụa Vạn Phúc, sản phẩm rèn Đa Sỹ và mộc Thượng Mạo cũng đã có mặt ở nhiều hội chợ, triển lãm và được đặt hàng đi Châu Âu và nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, quận Hà Đông còn phối kết hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Sở Du lịch tổ chức khảo sát làng nghề dệt lụa Vạn Phúc hình thành xây dựng tour du lịch tới các điểm di tích lịch sử-văn hóa và làng nghề, hoàn chỉnh bộ chuẩn thuyết minh cho các hướng dẫn viên khi đưa khách tới tham quan Vạn Phúc. Tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm các làng nghề trong cả nước; Tăng cường phối hợp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ cho nghệ nhân và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, quận đã tổ chức rất nhiều Hội nghị “Xây dựng và phát triển sản phẩm Du lịch quận Hà Đông” nhằm khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của địa phương, thúc đẩy tăng trưởng du lịch của quận Hà Đông nói riêng và của cả nước.

Hiện nay, trên địa bàn quận Hà Đông có 141 di tích có trong danh mục kiểm kê, trong đó có 92 di tích đã được xếp hạng (Quốc gia: 50, cấp tỉnh: 42...), gồm: 37 đình, 26 chùa, 10 nhà thờ họ, 8 miếu, 3 đền, 1 phủ, 2 nhà lưu niệm Bác Hồ, 01 khu mộ Tổ. 48 lễ hội trên địa bàn quận đều được tổ chức vào những ngày đầu xuân, mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, luôn hướng tới một một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn như những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế... Với tư tưởng uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, ngày hội diễn ra sôi động bằng những sự tích, công trạng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Đặc biệt, lễ hội ở Hà Đông gắn bó với làng xã, địa danh như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng nhân dân khu vực nói chung và nhân dân địa phương nói riêng. Một số lễ hội tiêu biểu được nhiều người biết đến như Lễ hội Giã La (phường Dương Nội), Lễ hội La Khê (cụm di tích Bia Bà - phường La Khê), Lễ hội Đa Sỹ (phường Kiến Hưng), lễ hội Vạn Phúc (phường Vạn Phúc)...
Trong những năm qua, các lễ hội xuân trên địa bàn đều được tổ chức khá thành công đảm bảo tính truyền thống, sự tham gia đông đảo của cộng đồng nhân dân địa phương và các vấn đề kèm theo như: An ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường khu vực diễn ra lễ hội... Để đạt được những thành công ấy phải kể đến sự kết hợp hài hòa giữa chính quyền, nhân dân địa phương và có sự tham gia của du khách mới giúp cho việc tổ chức lễ hội được thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất, thiết thực góp phần vào công cuộc bảo vệ và phát huy kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin đều tổ chức lớp tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ văn hóa và các thành viên ban quản lý di tích phường phổ biến các văn bản pháp quy và cung cấp các thông tin về kinh nghiệm trong việc bảo vệ di sản nhằm giúp họ được tiếp cận với những quan niệm mới về bảo tồn di sản, từ đó đưa ra những quyết định bảo tồn đúng đắn các di sản vật thể và phi vật thể của địa phương mình, đồng thời giúp người dân hiểu đúng giá trị văn hóa, hướng tới những mục tiêu, hành vi đúng đắn trong các hoạt động lễ hội.
Trong công tác tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương tham gia theo dõi, giám sát công tác tổ chức và lên các phương án đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Trong khi đó, vai trò chính của nhân dân địa phương là chủ thể của các lễ hội, chủ động tổ chức các hoạt động lễ và hội trong suốt thời gian lễ hội diễn ra. Muốn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong lễ hội cần tôn trọng sự tham gia của cộng đồng và Hà Đông đã làm tốt công tác này. Tại mỗi địa phương nơi diễn ra lễ hội nhân dân là người dọn dẹp Đình, Miếu, lau dọn long ngai, kiệu, các đồ thờ, trang trí khu vực diễn ra lễ hội tưng bừng, náo nhiệt nhưng vẫn đảm bảo sự tôn nghiêm nơi thờ tự. Cũng chính họ là người tham gia các nghi lễ trịnh trọng như rước kiệu, tế lễ, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; các trò chơi dân gian như: trọi gà, bắt vịt, đập niêu, kéo co, cờ người, cờ tướng... Từ đóng góp công sức đến đóng góp của cải vật chất để tổ chức thành công lễ hội ở đâu cũng thấy sự tham gia nhiệt tình và tấm lòng thành kính biết ơn của nhân dân với các bậc thánh thần được phụng thờ nơi đình, miếu. Trải qua sự thăng trầm của thời gian, lịch sử và các yếu tố khách quan khác một số lễ hội địa phương bị phai nhạt tuy nhiên cùng với sự góp sức của cộng đồng nhiều lễ hội được khôi phục tổ chức như lễ hội Làng La (phường Dương Nội) trong đó nổi tiếng với đêm hội Giã La và tục đánh biệt hổ. Ở đó có sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương, mỗi người một vai trò, một nhiệm vụ mà không ai khác có thể thay thế nhân dân địa phương được. Tất cả những điều đó tạo nên một đêm hội: “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy/Vui thì vui vậy chẳng tầy Giã La”. Một đêm hội mà mọi người dân đều thức cả đêm để tham gia thưởng lãm và ấn tượng mà nó để lại thì chẳng thể nào nhạt phai trong tâm trí người xem.
*Nỗ lực bảo vệ, phát huy giá trị của di sản, di tích
Tuy nhiên, trong công tác giữ gìn và phát huy vai trò của cộng đồng trong việc tôn tạo các di tích và tổ chức lễ hội địa phương vẫn còn một số hạn chế như: tình trạng một số hộ dân lấn chiếm di tích làm nơi ở, lợi dụng lễ hội để cờ bạc dưới hình thức cá độ chọi gà, tôm bầu cua cá hay đốt quá nhiều vàng mã trong khu vực lễ hội...

Tăng cường công tác quản lý các lễ hội truyền thống; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa; tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng là những giải pháp cơ bản góp phần hạn chế những tiêu cực trong những ngày tổ chức lễ hội.
Để phát huy và bảo tồn các di tích thì quận Hà Đông đã: Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận nghề dệt lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn phường về ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc lập hồ sơ khoa học Nghề dệt lụa Vạn Phúc đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vận động để đông đảo nhân dân làng nghề cùng đồng lòng hưởng ứng, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị nghề truyền thống của cha ông; chỉ đạo các bộ phận, cá nhân tham gia phối hợp cùng khảo sát điền dã, thu thập thông tin, ghi âm, ghi hình, phỏng vấn nghệ nhân thực hành di sản; cung cấp một số tư liệu về làng nghề truyền thống dệt lụa Vạn Phúc; cung cấp danh sách người đại diện cho cộng đồng nắm giữ di sản nghề dệt lụa Vạn phúc đứng tên trong hồ sơ di sản, đây là những người có uy tín, nắm giữ tri thức và kỹ năng thực hành nghề; cung cấp danh sách các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, tổ chức đang thực hành nghề, các tài liệu liên quan tới hoạt động của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc...Hiện hồ sơ khoa học do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì đã hoàn thành, chuẩn bị tổ chức hội nghị thẩm định hồ sơ khoa học để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Phòng Văn hóa - Thông tin đã chủ động và phối hợp với các phòng, ban, UBND các phường có liên quan rà soát, kiểm tra hệ thống di tích nhằm đánh giá mức độ xuống cấp để đề xuất HĐND, UBND quận cho phép tu bổ,tôn tạo bằng nguồn vốn đầu tư công. Các dự án di tích khác sẽ tiếp tục được đề xuất các cấp có thẩm quyền quan tâm để tiếp tục được đầu tư trong thời gian tới. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo được thực hiện theo đúng quy định, các công trình đầu tư được HĐND quận thông qua, đưa vào nghị quyết và phê duyệt chủ trương để thực hiện theo từng giai đoạn, được các cấp có thẩm quyền về văn hóa thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai thi công,
Có thể nói, về cơ bản hệ thống di tích trên địa bàn quận đã được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo đối với các hạng mục chính, hạng mục gốc, tôn tạo và xây dựng nhiều hạng mục phụ trợ, qua đó đã phát huy được tối đa các giá trị di tích. Việc đầu tư cho công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quận đã đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cho nhân dân địa phương đồng thời góp phần thu hút được nhiều khách du lịch đến với Hà Đông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của quận.
Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra đối với các hoạt động liên quan đến công tác quản lý di tích tại các địa phương, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất tại di tích, đối chiếu diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích, kiểm tra cảnh quan môi trường và kiến trúc truyền thống của di tích, công tác quản lý hiện vật, đồ thờ, hòm công đức... có tại di tích nhằm bảo vệ di tích, kịp thời phát hiện và xử lý, phòng tránh sự xâm hại và xuống cấp của hệ thống di tích trên địa bàn quận. Không tự ý di dời, tháo dỡ hiện vật; không tự ý mua bán, vứt bỏ hiện vật, di vật có trong di tích; không tự ý tu sửa, làm thay đổi màu sắc, kiểu dáng hiện vật là yếu tố gốc cấu thành di tích; không tự ý đưa các hiện vật, kiến trúc trang trí, đồ thờ, tượng thờ không phù hợp vào di tích.
Trên đây là một số giải pháp của quận Hà Đông đã và đang thực hiện để khai thác, sử dụng có hiệu quả cũng như phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa để xây dựng quận Hà Đông nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.