Quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long

GS.TS ĐẶNG CẢNH KHANH (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đã hơn một nghìn năm trôi qua rôì, kể từ khi tổ tiên chúng ta chọn Thăng Long làm Thủ đô của đất nước. Sự phát triển của Thăng Long cũng là biêủ trưng cho sự phát triển của đất nước. Thăng Long cũng chính là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo của Việt Nam, là kết tinh của văn hiến Việt Nam. Bởi vậy, chúng ta phải quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long

Nếu Nguyễn Trãi đã khái quát những truyền thống tốt đẹp tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt của dân tộc ta, thì có thể hiểu rằng, sức mạnh ấy cũng tập trung ở văn hiến Thăng Long. Văn hiến Thăng Long chính là sự kết tinh, sự thu nhỏ của văn hiến dân tộc và là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hiến dân tộc ấy. Chính vì vậy, nói tới văn hiến Thăng Long là nói tới văn hóa Thăng Long kết hợp với kẻ sĩ Thăng Long, những hiền tài của đất Thăng Long vậy. 

Quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long  - ảnh 1
Văn hiến Thăng Long-Hà Nội là sự hợp lưu của con người ở nhiều vùng miền là tinh hoa góp lại mà có

Nằm trên một vùng đất đai phì nhiêu, trung tâm của châu thổ Sông Hồng, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội đã mang trong mình tính quy tụ tự nhiên về cả địa lý và nhân học, về chính trị kinh tế và văn hóa con người. 

Ngay từ xa xưa, Thăng Long đã là một điểm đến lý tưởng cho cộng đồng các cư dân từ mọi vùng xung quanh. Sự tụ hội của các dòng cư dân về mảnh đất này diễn ra cùng với sư phát triển của lịch sử dân tộc, đặc biệt là từ phía Tây, nơi vùng đồi núi hiểm trở ven sông Đà và núi Ba Vì cũng như ở phía Bắc nơi các triền núi Sóc Sơn, Tam Đảo chuyển đến. Cho đến thế kỷ thứ XX, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra 275 di tích văn hóa Đông Sơn trên một vùng lãnh thổ từ biên giới Việt Trung đến đèo Ngang, trong đó vùng Thăng Long-Hà Nội trước đây luôn là tâm điểm của các di tích này đã có tới 20 điểm. Ngay từ những ngày dựng nước đầu tiên, với đặc điểm tự nhiên của mình Thăng Long-Hà Nội đã là mảnh đất trung tâm. Có những thời điểm mà vùng đất này, dù không phải là Thủ đô nhưng vị trí trung tâm và tính tụ hội quan trọng của nó thì không bao giờ thay đổi. 

Trong “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ, chúng ta có thể thấy, một trong những lý do quan trọng nhất được nhà vua đưa ra là “muốn đóng đô ở nơi trung tâm mưu đồ nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”. Ông đã nhận xét hết sức chính xác về vị trí quan trọng của vùng đất Thăng Long-Hà Nội là nó đã: “Ở vào nơi trung tâm trời đất, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đúng với vị trí giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, thuận theo chiều hướng núi sông quay vào, ngoảnh ra, đất rộng và bằng, cao và thoáng... Xem khắp đất Việt, chỉ có đây là nơi thắng địa. Thật là nơi hội tụ quan trọng của bốn phương, nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. 

Giáo sư Đinh Gia Khánh khi viết phần Tổng luận cho cuốn sách “Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội” đã miêu tả rõ ràng hơn về những đặc điểm địa lý, đặc biệt là về tính trung tâm và hội tụ của mảnh đất, con người Thăng Long - Hà Nội mà vua Lý Thái Tổ đã nêu ở trên. “Thăng Long - Kẻ Chợ ở sát sông Hồng. Vị trí ở ven con sông lớn nhất miền Bắc nước ta như thế là một điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của một thành thị lớn. Nhưng cần chú ý tới một yếu tố địa lý khác của Hà Nội, đó là vị trí ở gần ngã ba sông Hồng và sông Đuống, nối liền hệ thống sông Hồng với hệ thống sông Thái Bình, tức là nối liền phần Tây, phần Tây nam và phần giữa của tam giác châu Bắc bộ với với phần Đông bắc và phần Đông của tam giác châu ấy”. Chính điều này, theo giáo sư Đinh Gia Khánh đã tạo nên tính hội tụ và tính trung tâm của văn hóa Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội, cuốn hút các vùng văn hóa khác. 

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, người có nhiều công trình nghiên cứu về Hà Nội đã cho rằng Hà Nội chính là trung tâm, “là chốn hội tụ của hầu hết các đầu mối giao thông ở đồng bằng Bắc Bộ”... Nhưng cũng theo ông, điều quan trọng hơn là Hà Nội trở thành một trung tâm tôi luyện những nhân tài cho đất nước. “Qua sông nước và qua các nẻo đường, Hà Nội nhận nhân tài, vật lực từ bốn phương về, rồi đào luyện, nâng cao gửi lại cho bốn phương”5. 

Như phân tích của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, tính trung tâm và tụ hội của Thăng Long - Hà Nội tạo nên một trong những đặc trưng xuyên suốt lịch sử của mảnh đất này là nó không chỉ đón những người từ các vùng lân cận tới sinh sống mà còn tiếp thu văn hóa, văn minh của các vùng khác nhau. Thăng Long - Hà Nội không chỉ là điểm đến nhiều hứa hẹn, cuốn hút đối với những cư dân có năng lực và tài năng trong khắp đất nước mà còn cả tinh hoa văn hóa của quê hương họ. 

Thăng Long bách nghệ, Thăng Long văn minh là còn nhờ ở sự góp sức của người dân tứ phương. Họ còn là đại diện cho con người của toàn quốc. Văn hóa, lối sống nhân cách của Thăng Long - Hà Nội là biểu trưng cho văn hóa, lối sống nhân cách từ các vùng khác. Về điểm này những nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội đã cho thấy bản thân văn hóa Thăng Long - Hà Nội không phải chỉ là sự phản ánh lại những đặc điểm chung trong cuộc sống, lao động sinh hoạt của vùng này mà còn chính là tinh hoa của văn minh chung. 

Quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long  - ảnh 2
GS.TS Đặng Cảnh Khanh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên

Thăng Long- Hà Nội có điều kiện giao lưu vừa rộng rãi vừa mật thiết với tất cả các vùng văn hóa khác trong cả nước, là nơi “bốn phương hội tụ” của văn hóa. Xem xét tình hình cư dân của Thủ đô có thể thấy ngay sự hội tụ ấy. Vì là Thủ đô cho nên Thăng Long- Hà Nội thường xuyên tiếp nhận những thành phần dân cư mới từ các nơi khác đến lập nghiệp. Đó là những người vì các nhiệm vụ khác nhau của Nhà nước mà đến Thủ đô. Đó là thợ thuyền bách nghệ được thu hút về Thủ đô, nơi có điều kiện hành nghề thuận lợi. Trong hai loại người trên đây, có nhiều người đã định cư ở Thủ đô. Tất nhiên, không phải tất cả những người vĩnh viễn gia nhập vào cư dân Thủ đô ấy đều là tinh hoa của bốn phương. Nhưng để có thể vững chân ở Thủ đô, họ đã phải nỗ lực nhiều và không ít người đã tạo dựng được sự nghiệp lớn cho mình. Lại có thể nói rằng ngày trước, rất nhiều nhân tài thường đạt thành tựu lớn hơn cả khi họ hoạt động ở Thăng Long - Hà Nội, vì ở Thủ đô, họ có điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi hơn các nơi khác, vì ở Thủ đô, những thành tựu về mọi mặt dễ có điều kiện vươn lên tầm cỡ toàn quốc, toàn dân tộc”. 

Thăng Long-Hà Nội, một mặt là nơi tiếp thu, chắt lọc, lưu giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của các vùng khác, nhưng một mặt khác lại ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa của toàn khu vực. 

Người Tràng An sở dĩ thanh lịch cũng chính là bởi họ đã tiếp thu được sự thanh lịch từ rất nhiều hướng và hun đúc thành cái thanh lịch của riêng mình. Về điểm này, giáo sư Đinh Gia Khánh cũng đã nhận xét rất đúng rằng: “Khi tiếp thu tinh hoa của bốn phương, văn hóa dân gian Thủ đô làm cho tinh hoa của từng địa phương hòa nhập với tinh hoa của các địa phương khác, theo mô thức văn hóa đã hình hành từ lâu đời ở vùng văn hóa cổ này. Và nhìn chung Thăng Long-Hà Nội là cái lò chung đúc nhân tài, chung đúc giá trị văn hóa từ những con người và những thành tựu văn hóa của bốn phương hội tụ lại”7.

Tính chất hội tụ, tiếp biến và sáng tạo văn hóa cũng khiến cho văn hóa Thăng Long- Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Với những ưu thế của một khu vực kinh đô, nơi tập trung những cơ quan quản lý và điều hành đất nước, Thăng Long-Hà Nội cũng là nơi sản sinh và phát triển xu hướng hàn lâm, bác học trong văn hóa. Nó thực sự là mảnh đất đào tạo và tôi luyện ra những nhân tài cho đất nước. Về phương diện này, chính môi trường Thăng Long- Hà Nội cũng tạo cho con người sống tại Thăng Long -Hà Nội có điều kiện thuận lợi hơn những khu vực khác trong học tập và sáng tạo. 

Điều này cũng hoàn toàn đúng nếu ta so sánh về tính cách giữa hai ông vua của triều Lê là Lê Thái Tổ và Lê Thánh Tông. Ông vua anh hùng Lê Thái Tổ sinh ra từ đất Thanh Hóa, là một trong những ông vua tài giỏi nhất trong lịch sử của dân tộc, điều này là không còn bàn cãi, nhưng nếu coi Lê Thái Tổ là ông vua thanh lịch theo kiểu dân Thăng Long- Hà Nội thì chắc sẽ có nhiều người chưa đồng tình. Nhưng đến đời Lê Thánh Tông, cháu nội ông thì lại khác. Lê Thánh Tông đã hoàn toàn xứng đáng là một cư dân Thăng Long- Hà Nội, từ sự uyên thâm trong tri thức văn hóa đến phong cách hào hoa tao nhã trong luận bàn văn chương và xử thế với giới học giả tri thức. Ông là mẫu người điển hình của sự thanh lịch Thăng Long khi đó. Chính mảnh đất Thăng Long đã tạo cho một ông vua nguồn gốc Thanh Hóa nhưng sinh ra và lớn lên ở kinh thành có điều kiện để trở thành một ông vua mang đầy đủ những đặc tính của cư dân Thăng Long. 

Chúng ta cũng có thể nêu thêm một dẫn chứng về tuổi trẻ của đại thi hào Nguyễn Du. Ông vốn người Hà Tĩnh, là con cháu của một trong những gia đình trí thức khoa bảng danh giá bậc nhất đất nước, sinh ra, lớn lên và học hành tại Kinh Kỳ trong dinh của cha và anh đều là quan đại thần trong triều đình, mẹ là người Kinh Bắc. Tài hoa của ông là sự hội tụ của ba nếp đất, vừa là của truyền thống tổ tiên với sự uyên thâm trong học vấn của dân Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, vừa là sự kết tinh thứ văn hóa bác học, văn hóa dân gian, quan họ phóng khoáng của quê mẹ Bắc Ninh, và sau cùng là tinh hoa văn hóa của dân Kinh Kỳ, Kẻ Chợ, nơi ông lớn lên. Thơ văn thiên tài của ông có đầy đủ tính chất của môi trường sống mà ông đã nếm trải. Tuổi trẻ của ông, chính là đặc trưng cho tuổi trẻ Thăng Long- Hà Nội thời đó. 

Với tính chất trung tâm và hội tụ của mình, chúng ta cũng không nên nhìn nhận văn hiến Thăng Long- Hà Nội, con người Hà Nội bằng con mắt tĩnh mà cần phải hiểu nó như một khái niệm động. Văn hiến Thăng Long-Hà Nội là sự hợp lưu của con người ở nhiều vùng miền là tinh hoa góp lại mà có. Nhà Lý quê ở Kinh Bắc, đã đưa văn hóa phật giáo về góp mặt với Thăng Long. Nhà Trần quê ở Tức Mặc đã góp thiên tài về tổ chức quân sự ở đất Thiên Trường cho Thăng Long...Tất cả đã bổ sung cho Thăng Long, góp phần làm nên thành tựu đa dạng của văn hóa Thăng Long Hà Nội trong văn hóa Việt Nam. 

GS. Nguyễn Huệ Chi cũng cho rằng, chính môi trường văn hóa Thăng Long -Hà Nội “đã có một ưu thế riêng vừa cải biến nhanh chóng cốt cách của những con người nhập cư, biến họ thành người Hà Nội, vừa chưng cất, tinh lọc mọi sản phẩm mà họ sáng tạo để sớm trở thành những giá trị mới mẻ, khác xa với văn hóa gốc rễ nơi họ ra đời”8. Ông cũng nhắc lại lời của sử gia Ngô Thì Sĩ khi nói về trường hợp của Lê Quý Đôn đã cho rằng phải thông qua môi trường học vấn của Kinh đô Thăng Long thì Lê Quý Đôn mới có thể trở thành một ông Bảng nhãn uyên bác đến như vậy, mà “nếu chỉ ở Thái Bình thôi thì quyết không bao giờ có được”. 

Chính từ đặc điểm mang tính chất trung tâm và tụ hội của Thăng Long- Hà Nội mà chúng ta có thể thấy, dường như trong lịch sử phát triển của dân tộc, tất cả những thánh hiền, anh hùng, nghệ sĩ, danh nhân nổi tiếng của dân tộc đều ít nhiều có quan hệ tới mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Hoặc sinh ra lớn lên tại đây, hoặc học hành đỗ đạt tại đây, hoặc lập nghiệp, công thành danh toại tại đây, thậm chí hy sinh thân mình vì mảnh đất này. 

Đã hơn một nghìn năm trôi qua rồi, kể từ khi tổ tiên chúng ta chọn Thăng Long làm Thủ đô của đất nước. Sự phát triển của Thăng Long cũng là biểu trưng cho sự phát triển của đất nước. Thăng Long cũng chính là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo của Việt Nam, là kết tinh của văn hiến Việt Nam. Văn hóa và con người ấy thể hiện trong sự nghiệp đoàn kết, sản xuất và chiến đấu. Văn hiến Thăng Long là nền tảng tinh thần cho sự phát triển của xã hội con người Thăng Long và rộng ra là của cả nước. Con người Thăng Long phát huy truyền thống tinh hoa văn hóa từ xa xưa của dân tộc và thành tựu về mọi mặt của cả nước để cùng cả nước xây dựng nền văn hiến của dân tộc Việt Nam và Thủ đô Thăng Long-Hà Nội. 

Chúng ta hôm nay đang đi vào công cuộc xây dựng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tạo nên những thay đổi mới trên mảnh đất Thủ đô cũng như trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tổ tiên ta từ xa xưa đã dồn toàn bộ tâm huyết, trí tuệ và tài năng để tồn tại trên mảnh đất này, để mưu cầu sự phồn vinh, hạnh phúc và truyền lại cho muôn đời con cháu những di sản quý báu về văn hiến Việt Nam và văn hiến Thăng Long. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm nghiên cứu, tìm hiểu những di sản quý báu đó, trước hết là tìm thấy nền tảng cơ bản của những di sản ấy, phân tích những yếu tố cấu thành, những nguyên nhân lịch sử đã tạo nên văn hiến Việt Nam và văn hiến Thăng Long. 

Chính việc dời đô của Lý Công Uẩn đã mở đầu cho một thời kỳ ổn định về chính trị, củng cố và phát triển kinh tế - xã hội, là sự mở đầu cho việc xây dựng nền móng cho văn hiến của dân tộc ta và đặc biệt là văn hiến Thăng Long. Lịch sử đã trao cho mảnh đất Thăng Long-Hà Nội sứ mệnh làm trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của cả nước. Đó là vinh dự của mảnh đất và con người Thủ đô. 

Chúng ta, những người Hà Nội sẽ quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long không phải chỉ cho các thế hệ tương lại của Thủ đô mà còn cho cả đất nước./. 

Tin cùng chuyên mục