Kỳ 2: Sân khấu truyền thống có thể trở thành "con gà đẻ trứng vàng"

Chia sẻ

Mặc dù đang bị “phủ bụi” bởi rất nhiều lý do khiến hoạt động của các nhà hát, đời sống nghệ sĩ sân khấu nghệ thuật truyền thống còn nhiều khó khăn, chật vật, nhưng, trong ký ức của không ít nghệ sĩ, khán giả, thời kỳ “bảo vật” của dân tộc đã từng toả sáng vẫn còn nguyên vẹn.

Vậy, liệu trong đời sống giải trí phát triển mạnh mẽ, lấn át sự phát triển của sân khấu nghệ thuật truyền thống, “bảo vật” này còn có thể “hái” ra tiền như xưa?

Đã từng có những tháng năm rực rỡ như thế…

Ngồi tâm sự trong một buổi chiều ngày cuối tháng Ba, trước khi các nhà hát nghệ thuật truyền thống nói riêng và lĩnh vực sân khấu nói chung náo nức đón tháng Tư “sáng đèn”, ánh mắt NSƯT tuồng Kiều Oanh tâm sự, cả cuộc đời đã trải qua quá nhiều vất vả để theo nghề, cũng đã rất buồn, rất chông chênh khi chứng kiến sự thoái trào của sân khấu nghệ thuật truyền thống, đã từng có những lúc đứng trên sân khấu mà trái tim buồn tê tái vì bên dưới quá ít khán giả… nhưng chị chưa bao giờ hết niềm tin vào tương lai tuồng cũng như các môn kịch hát dần tộc sẽ hồi sinh và phát triển trở lại. Niềm tin ấy chị có được từ những ngày đầu tiên đi theo nghệ thuật tuồng, khi tuồng còn hưng thịnh, và giờ đây, chị đem điều đó “thắp lửa” trong thế hệ nghệ sĩ trẻ.

Ngày xưa, NSƯT Kiều Oanh đến với tuồng một cách rất… ngẫu nhiên. Mơ ước, dự định của Kiều Oanh là trở thành ca sĩ chứ không phải nghệ sĩ tuồng. Nhà chị ở khu văn công Mai Dịch, ngay đối diện nhà hát tuồng Việt Nam.

Từ nhỏ, chị đã theo chúng bạn đu cửa sổ xem các nghệ sĩ tuồng tập luyện, biểu diễn. Chứng kiến những đêm diễn đông chật khán giả, thấy cách khán giả yêu thương, mến mộ nghệ sĩ hết lòng, thấy cả một thế hệ nghệ sĩ như NSND Đàm Liên, Mẫn Thu, Minh Gái, Hương Thơm, Xuân Quý… rực rỡ trên sân khấu, chị cứ thích mê đi.

Vì thế, khi nhà hát tuồng thông báo tuyển diễn viên, chị đã về xin phép mẹ tham gia. Mẹ chị là diễn viên của đoàn ca kịch Trị Thiên Huế, bảo chị cứ thử xem. Không ngờ, chị được tuyển chọn ngay. Khi chị quyết định vào tuồng, bạn bè đã “mắng” không tiếc lời là tại sao lại chọn cái môn nghệ thuật “cổ lỗ sĩ” này, nhưng, chị vẫn kiên định. Sự rực rỡ của sân khấu tuồng những năm ấy đã trở thành thứ ma lực đối với chị, hoá thành tình yêu, niềm tin không thể thay thế.

Sân khấu nghệ thuật truyền thống Hà Nội đã từng có một thời vàng son rực rỡ, trở thành vẻ đẹp văn hoá đặc trưng và tiêu biểu của Hà Nội như vậy. Chuyện đó không phải ngày xửa ngày xưa, mà là mới mấy chục năm trước đây thôi, nhiều thế hệ khán giả vẫn đang lưu giữ trong ký ức.

Là nhà nghiên cứu văn hoá nhưng cũng là một khán giả say mê sân khấu nghệ thuật truyền thống, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chia sẻ: “Tôi sinh ra trong một giai đoạn giao thời. Lứa chúng tôi được gọi là thế hệ sinh ra sau chiến tranh.

Nhưng những cảm giác luyến tiếc quá khứ thì vẫn còn nguyên. Thế hệ tôi vẫn còn được chứng kiến những vở chèo thuộc bộ 3 bài ca giữ nước của Tào Mạt, tuồng Sơn Hậu, cả những vở mới như “Đôi dòng sữa mẹ” hay “Nàng Sita”... Là người nghiên cứu say mê với truyền thống dân tộc, tôi cũng đã đi đến nhiều làng quê để xem những chiếng chèo, vở rối nước, rối cạn...

Những ký ức của một thời nghệ thuật truyền thống vẫn còn vàng son ấy luôn là những kỷ niệm đẹp theo tôi trong suốt cả cuộc đời. Đó cũng là lý do tôi luôn đau đáu tìm cách chấn hưng nền nghệ thuật truyền thống chứa đầy triết lý cao đẹp của tổ tiên”.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý, người luôn đau đáu khảo cứu các giá trị văn hoá Hà Nội, là thế hệ khán giả sau PGS.TS Bùi Hoài Sơn, cũng đầy luyến nhớ quá khứ rực rỡ ấy: “Giai đoạn thập niên 1980, tôi được chứng kiến sự yêu thích cải lương, cả ngoài sân khấu, trong các hội trường xí nghiệp phục vụ công nhân và trên màn hình TV.

Những vở cải lương như “Tiếng trống Mê Linh”, “Đôi dòng sữa mẹ”, “Cây sầu riêng trổ bông”… vô cùng được hâm mộ. Có một sự phục hưng nhất định đối với chèo khi các vở như: “Bài ca giữ nước”, “Nàng Sita”, “Ngọc Hân công chúa”… cũng có lúc “cháy vé”. Những diễn viên cải lương và chèo giai đoạn này cũng nổi tiếng không kém diễn viên điện ảnh hay ca sĩ tân nhạc.”.

Chính sự hưng thịnh của sân khấu nghệ thuật truyền thống một thời đó đã góp phần tạo nên nhiều nghệ sĩ tài năng sau này nhờ sự quyến rũ đầy “vàng son” của nó. NSND Thuý Mùi kể, chị đã giữ được ngọn lửa nghề cháy bỏng, tình yêu nghề thuần khiết cho đến tận bây giờ cũng từ việc đã từng được sống trong không khí kín lịch diễn, “cả ngày không kịp tẩy trang”. Thập niên 80, NSND Thuý Mùi mới ra trường, được về đoàn chèo Hà Nội làm việc. Một ngày các nghệ sĩ chèo diễn miết từ sáng đến tối, người dân chen nhau mua vé vào xem. Ai mua được vé là niềm hãnh diện, tự hào. Phe vé hoạt động tấp nập hơn chợ phiên.

“Trước giờ diễn, khán giả kìn kìn mua quà đến, khi thì gói xôi, khi thì cái bánh mì, rồi bát phở, có người tặng hẳn cả chỉ vàng… cho nghệ sĩ. Mỗi lần ra vở mới là khán giả chờ đợi háo hức, có vở diễn hàng năm vẫn đông khách. Những lần đoàn diễn ở sân vận động Hàng Đẫy, khán giả chen lấn đông không kém đi xem ca nhạc thời nay”- NSND Thuý Mùi nhớ lại.

Chính những năm tháng đó đã hun đúc trong trái tim cô học sinh chèo Thuý Mùi khát vọng phải thành công trong sự nghiệp, và ươm lên một tình yêu nghề say đắm đến tận bây giờ. Thuý Mùi nói, chị luôn nỗ lực từng chút để góp sức đưa sân khấu nghệ thuật truyền thống bừng sáng trở lại trong vai trò giám đốc nhà hát Chèo Hà Nội trước đây hay Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam bây giờ cũng một phần bởi những ký ức tuyệt đẹp một thời ấy.

Khán giả vây kín NSƯT Kim Tử Long trong đêm diễn tại Hà Nội năm 2019, cho thấy tình yêu sân khấu nghệ thuật truyền thống vẫn còn đó	Ảnh: Thành DanhKhán giả vây kín NSƯT Kim Tử Long trong đêm diễn tại Hà Nội năm 2019, cho thấy tình yêu sân khấu nghệ thuật truyền thống vẫn còn đó   Ảnh: Thành Danh

Sân khấu nghệ thuật truyền thống có thể “hái” ra tiền như xưa?

Từ những ký ức vàng son đã qua mà các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn hoá đều có một niềm tin rằng sân khấu nghệ thuật truyền thống Hà Nội có đủ nền tảng, cơ hội để trở thành một mũi nhọn, một lĩnh vực giàu tiềm năng, “hái ra tiền” khi phát triển công nghiệp văn hoá.

Trước thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, nữ đạo diễn sân khấu âm nhạc Đoàn Thuý Phương đã từng khiến rất nhiều người vị nể vì thành công với 9 chương trình “Ngôi sao phương Nam” đưa cải lương miền Nam ra Hà Nội. Vốn đắm đuối với cải lương từ nhỏ, từng được tuyển thẳng vào đoàn cải lương Chuông Vàng nhưng vì mẹ không cho theo nghệ thuật nên chị Đoàn Thuý Phương đành ngậm ngùi từ giã giấc mơ.

Sau này, khi duyên đến, chị lại làm nghệ thuật theo một cách khác là tổ chức sản xuất và đạo diễn ca nhạc, Đoàn Thuý Phương đã lập tức nối tiếp tình yêu cải lương từ thuở nhỏ bằng cách đầu tư đưa cải lương từ Nam ra Bắc, tái hiện lại những huy hoàng ngày cũ sau hàng chục năm vắng bóng với niềm tin mãnh liệt là công chúng vẫn còn yêu, còn thương nghệ thuật truyền thống và những người nghệ sĩ vang bóng một thời. “Ngôi sao Phương Nam” ra đời, mỗi số một chủ đề khác nhau, mỗi năm 1 số, tuy vất vả nhọc nhằn để thu hút khán giả nhưng nhờ sự bền bỉ cũng như cách làm chuyên nghiệp, chị đã dần đưa được khán giả đến rạp. Các số “Ngôi sao phương Nam” đều kín khán phòng, số gần nhất là về NSƯT Kim Tử Long, nhiều khán giả muốn xem phải… đứng.

Mấy năm qua, trên thị trường biểu diễn Hà Nội, sân khấu tư nhân Lệ Ngọc bỗng trở thành một cái tên nổi bật bởi những đêm diễn cháy vé. Nhiều người cho rằng, đó là bởi bà chủ của sân khấu - NSND Lệ Ngọc có tài… bán vé, làm thị trường. Rõ ràng, dù với bất cứ lý do gì thì đó cũng là điều đáng mừng cho sân khấu, cho thấy sân khấu vẫn có khán giả, chứ không phải bị “ghẻ lạnh” như vẫn nghĩ.

Với các nhà hát nghệ thuật truyền thống, nhà hát Múa rối nước Thăng Long luôn được coi là một “huyền thoại”, là niềm ước ao đối với tất cả các nhà hát nghệ thuật truyền thống khác vì khách nối khách, xe nối xe đến xem thời dịch Covid-19 chưa hoành hành. Mỗi ngày Nhà hát diễn vài suất, cao điểm diễn đến 9 suất/ngày, chưa kể nhà hát còn đem rối đi diễn hợp đồng ở khắp nơi trong và ngoài nước. Phạm Dũng, nghệ sĩ trẻ của nhà hát tiết lộ nhờ vậy mà đời sống của nghệ sĩ nhà hát khấm khá hơn hẳn so với các sân khấu nghệ thuật truyền thống khác.

Với quá khứ vàng son, với những sôi động vẫn có được trong đời sống hôm nay, có thể thấy sân khấu nghệ thuật truyền thống hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi để có thể “hái ra tiền” trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hoá nếu biết làm đúng, làm tốt, được quan tâm đúng mức, bài bản và thấu đáo. Rối nước, chèo, tuồng hay cải lương đều là những bộ môn kịch hát dân tộc tiêu biểu của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, vậy, cơ hội để các bộ môn khác tưng bừng được như rối nước không phải là không thể.

Biết là không phải là không thể, nhưng để chấn hưng sân khấu nghệ thuật truyền thống, biến nó thành đặc sản văn hoá của Thủ đô, thành một lĩnh vực “hái ra tiền” khi tiến lên công nghiệp văn hoá lại là một bài toán không dễ có lời giải. Bởi vậy, vị giám đốc nhà hát kia mới thở dài nói: “Chuyện này, chúng tôi nói mãi rồi, nói đến chán rồi nhưng mấy chục năm nay có thay đổi được gì đâu?”.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý cũng nói: “Tiến hành bảo tồn và phát triển bây giờ cũng đã là quá muộn”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều hy vọng từ sự nỗ lực không mệt mỏi của những người đã, đang và vẫn luôn đắm đuối với sân khấu truyền thống…

Kỳ 3: Những nỗ lực không mệt mỏi tìm tương lai cho sân khấu nghệ thuật truyền thống

LƯƠNG KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.