Lễ hội “chạy lợn” làng Duyên Yết

QUỲNH QUY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lễ hội làng Diền -Duyên Yết diễn ra trong 3 ngày: Mùng 6, mùng 7, mùng 8 tháng Giêng hàng năm. 5 năm tổ chức đại đám một lần nhằm vào các năm chẵn, có thi “chạy lợn”, còn hàng năm chỉ tổ chức hội lệ.

Làng Diền, trại Diền nay là làng Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên là một ngôi làng cổ, nằm bên hữu ngạn sông Hồng, có vị trí đặc biệt quan trọng: Cạnh đường thủy, lại tiếp giáp với 2 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên. Dân Duyên Yết lấy nghề nông làm sản xuất chính. Làng Duyên Yết là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc. Như sự kiện vị tướng Cao Sơn khao quân trước khi đánh giặc, trận Trại Diền anh dũng năm 1952 chống quân Pháp xâm lược trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tây (cũ)… Từ sự kiện vị tướng Cao Sơn khao quân trước khi đánh giặc đã hình thành lễ hội “chạy lợn”. Lễ hội “chạy lợn” diễn ra tại đình làng. Đình có tên là đình Thượng, được xây dựng trên lưng con rùa ẩm thủy. Đình thờ Thành hoàng là Cao Sơn Đại vương, một vị thần có công chống giặc ngoại xâm và là em họ của Tản Viên Sơn Thánh.

Cao Sơn tên húy là Nguyễn Hiển, con của ông Nguyễn Cao Ban và bà Trương Thị Hoan, quê ở động Lăng Xương, huyện Thanh Thủy, phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa, xứ Sơn Tây. Truyền thuyết về sự ra đời của Cao Sơn và người em sinh đôi Nguyễn Sùng gắn liền với giấc mơ của người mẹ già 50 tuổi Trương Thị Hoan nuốt 2 ngôi sao do con rồng vàng trao. Khi 1 tuổi, cặp anh em này mồ côi mẹ, được cha gửi nuôi ở nhà Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh. Sau 3 năm cha Nguyễn Tuấn mất, mình bà Đinh Thị Đen nuôi họ lớn lên. Bà Ma Thị, Cao Sơn Thần Nữ nhận Nguyễn Tùng làm con nuôi và đưa 2 anh em Nguyễn Hiển đến nhà em trai mình là Ma Lôi ở động Lăng Sơn sinh sống. Mẹ nuôi Nguyễn Tuấn qua đời để lại vùng đất do bà cai quản cho Nguyễn Tuấn. Tuấn liền gọi 2 người em họ cùng về đất đó và lập làm tả hữu khiên thần phụ tá. Giao Tả Doanh ở Lăng Sơn cho Nguyễn Hiển cai quản, Hữu Doanh ở Nôn Sơn cho Nguyễn Sùng trông coi. Tản Lĩnh linh sơn ở giữa do ông Tùng cai quản. Vì vậy đời sau mới gọi 3 ông là Tản Viên Tam Vị. Sau đó Nguyễn Tuấn kết hôn với Ngọc Hoa Công chúa, con vua Hùng Vương.

Lễ hội “chạy lợn” làng Duyên Yết - ảnh 1

Các “Ông lợn” chờ trước cửa đình

Khi quân Thục đến xâm lược, Viên Sơn Thánh chỉ huy đã chia làm nhiều đạo để đánh giặc. Đạo thứ 2 ông giao cho Tả khiên thần Hiển Công (Nguyễn Hiển) chỉ huy. Với tài trí và sự dũng cảm, quân đội của anh em Tản Viên đã đánh bại quân Thục. Trong buổi khao quân, phong thưởng, mừng chiến thắng, Hiển Công được vua Hùng phong làm Cao Sơn Hiển Khánh Đại Vương, em Nguyễn Sùng được phong làm Quý Minh Đại Vương. Trong khi hành quân, dẹp giặc, Cao Sơn Đại Vương có ghé qua làng Diền tuyển lính và khao quân. Thời gian có hạn, cỗ lại muốn thịnh soạn nên buộc mọi người phải nhanh tay, nhanh mắt, nhanh ý mới xong. Tương truyền tục thi mổ lợn nhanh có từ thuở ấy.

Xưa kia, làng phân cho các giáp nuôi lợn. Làng có 5 giáp. Nay làng Duyên Yết chia làm 3 xóm, là các xóm: Trên, Dưới, Trại. Mỗi giáp lại phân công gia đình nuôi lợn, tiêu chí gia đình được giáp giao nuôi lợn gần giống với tiêu chí gia đình văn hóa hiện nay, tuy nhiên thêm một điều là gia đình ấy phải có con cái đủ bề và không vướng tang chế. Vào mùa hội, 3 xóm dâng lên 3 con lợn thờ của xóm mình. Xưa kia lợn dâng cúng được nuôi dưỡng, chăm sóc rất kỳ công, không cho ăn tạp, không để lợn bị bệnh. Lợn được các giáp nuôi thờ phải là lợn đen tuyền, giống đực, không hoen mũi, xấu tướng. Lợn được nuôi bằng thóc gạo, lấy từ ruộng công của làng và được tắm sạch sẽ mỗi ngày. Được giao nuôi lợn thờ là vinh dự của gia đình nên họ rất chăm chút. Lợn được nuôi trong một năm, từ sau mùa hội năm trước đến mùa hội năm sau. 10-15 ngày trước lễ hội, người ta cho lợn ăn hoàn toàn bằng cháo gạo nếp, mỗi ngày tắm rửa lợn bằng nước lá thơm. Duyên Yết ngày nay quy định lợn thờ bắt buộc không to quá, thịt săn chắc, trọng lượng không quá 60 kg, không quy định màu sắc lợn. Lễ hội làng Diền -Duyên Yết diễn ra trong 3 ngày: Mùng 6, mùng 7, mùng 8 tháng Giêng hàng năm. 5 năm tổ chức đại đám một lần nhằm vào các năm chẵn, có thi “ chạy lợn”, còn hàng năm chỉ tổ chức hội lệ. Chiều 30 Tết, Nhân dân tiến hành làm lễ mở cửa đình với các nghi lễ chuẩn bị cho ngày hội gồm: Mộc dục, dâng hương, mặc áo Thánh, treo cờ hội, tống cựu nghinh tân…

Sáng ngày 6 tháng Giêng, sau khi tắm táp sạch sẽ, lợn thờ (lúc này được gọi là Ông Lợn) sẽ được đưa vào một chiếc cũi gỗ đóng rất đẹp gọi là kiệu cũi, trên phủ khăn đỏ, do 4 người (chủ yếu là thanh niên) khiêng 4 góc mang ra đình. Người khiêng lợn quần áo chỉnh tề, thắt lưng đỏ. Đoàn rước ông Lợn đi từ đình chợ Diền về đình Thượng, hay đình Duyên Yết. Hai đình cách nhau khoảng 800 mét để cáo yết thành hoàng. Trên mỗi kiệu cũi bày một mâm xôi, một chai rượu, một đĩa trầu, muối, một con gà trống thiến. Đến chiều mùng 6 thì làm lễ dâng hương xin phép mở hội tại đình.

Sáng mùng 7 tháng Giêng là ngày chính hội, dân làng Duyên Yết tổ chức lễ rước. Đi đầu đoàn rước là ông Tổng cờ dẹp đường, tiếp đến là đội múa lân sư tử, đội trống, thanh la, bát âm, múa sênh tiền, rồi đội cờ phướn, cờ thần, đội bát bửu, xà mâu, đồ tế khí, đội tàn, lọng, đội rước kiệu long đình, đội kiệu bát cống, đội tế và các đoàn dâng hương của các cụ lão bà, tiếp đến là kiệu cũi lợn, cuối cùng là khách thập phương. Trên mỗi kiệu cũi lợn có cắm hương và được che lọng cẩn thận. Theo quy định, trong buổi rước này, cỗ bày trên các kiệu rước là cỗ chay. Trong tiếng nhạc, tiếng nhị tiếng sáo và những điệu múa sênh tiền, đoàn rước sẽ đi từ bến sông, qua đền Tiên Nương (nay là nhà văn hóa thôn), rồi chợ Diền, đình Trung rồi về đình Thượng. Lúc này chỉ còn hai người khiêng lợn. Họ khiêng lợn đến trước cửa đình và quỳ ở đó.

Về đến đình Thượng, trước khi tổ chức hội thi mổ lợn, hay thi “chạy lợn” làng cho rải chiếu ở sân đình và cử ra 2 cụ cao niên trên 60 tuổi là đô vật làm một vài động tác mang tính hình thức gọi là Vật lão. Hai cụ già được làng chọn cử phải là người toàn diện, gia đình êm ấm, không dính “bụi”. 2 cụ ra sân, áo the, khăn sếp đỏ, lưng thắt dải lụa đỏ bỏ múi cạnh sườn, chân cuốn xà cạp gọn gàng cùng nhau đấu vật. Cụ nào ôm được cụ kia là thắng. Cụ nào thua vật thì phải nằm xuống. Tiếng là hình thức và tượng trưng, nhưng các cụ đô vật đã thể hiện những miếng võ đẹp mắt, những đường quyền hiểm hóc, những miếng lựa khôn ngoan khiến người xem phải thán phục.

Lễ hội “chạy lợn” làng Duyên Yết - ảnh 2
Mâm cỗ chờ dâng Thánh

Hiệp đấu võ của 2 bô lão là biểu tượng của tinh thần thượng võ và ý chí quyết tâm thắng giặc ngoại xâm của đức Thành hoàng Cao Sơn và dân làng. Xưa kia, trước khi vật lão, làng bưng ra một chiếc mâm trên có nậm rượu, đĩa trầu, hai cái chén và 2 bọc tiền trinh. Sau khi lễ thánh ở chiếu đình, rót chén rượu chạm cốc và ăn một miếng trầu, giữa tiếng trống của cụ Tiên chỉ, tiếng hò reo của dân làng, 2 cụ ra sân đấu vật. Hết keo 2 bô lão đứng lên lễ tạ thánh, rồi tay bưng 2 đĩa tiền xu đã được làng chuẩn bị trước tung ra tứ phía. Đám đông ào vào cướp xu. Ai cướp được đồng xu sẽ là người may mắn trong suốt cả năm. Cũng có khi người ta thay tiền xu bằng 2 bọc kẹo. Hành động tung tiền hoặc kẹo gọi là Khao quân. Tiếp đó, Ban tổ chức tiến hành thi thi mổ lợn hay “chạy lợn”. Chữ “chạy lợn” ở đây có nghĩa là chạy thật nhanh, làm thật nhanh. Diễn trình lễ hội “chạy lợn’ như sau: Mỗi giáp được phân một khoảng đất, ở đó đã bày sẵn một tấm phản to, trên có một cái bàn để mâm trên có lọng che, bày sẵn một đĩa xôi, một đĩa trầu, một chai rượu và 9 đĩa sứ để không. Cạnh đó là 2 cái nồi cực to, đầy nước sôi.

Trong đình, sau khi khấn xong, cụ Tiên chỉ đánh 3 tiếng trống lệnh, tức thì lợn được khênh ngay về địa điểm giết mổ. Đội làm lợn gồm 10 -15 người (thanh niên là chủ yếu) phục vụ, ngoài những người làm các động tác trên thủ (sỏ) lợn vừa kể trên thì 6 người khác được phân công làm những công việc chủ yếu gồm: 1 người lấy gầu o (ức), 1 người lấy một miếng thịt ở vai, 1 người lấy một miếng thịt ở bụng. Tất cả các miếng thịt này được quy định là phải vuông vức, 10 phân. Trong khi đó có một người được phân công lấy ra 1 cánh gan, 1 quả tim, 1 lá lách, 1 quả thận trong bụng lợn. Người này phải bóc làm sao được lớp màng bọc của dạ dày gọi là bàn tha để nhúng vào nước sôi, màng đó sẽ được phủ lên thủ lợn. Trong nháy mắt, lợn đã được là sạch. Thủ lợn sau khi nhúng vào nước sôi sẽ được tỉa tai, mũi, lưỡi cho sạch sẽ. Đuôi con lợn được cắt ra, nhúng vào nước sôi, rồi cho miệng lợn ngậm ngang.

Trong lúc đó đĩa tiết được để vào 1 cái quang nhỏ, thả vào nước sôi sao cho chín rồi nhấc ra. Tất cả con lợn và lục phủ ngũ tạng của nó đều được nhúng nước sôi cho chín. Và mọi động tác của nhóm mổ lợn rất nhanh, rất thuần thục, loáng cái, tất cả đã được bày lên 9 đĩa sứ, sạch đẹp, có lá mỡ chài phủ lên thủ lợn để trang trí và cũng hàm ý như câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gươm. Thời gian làm, bày cỗ chỉ trong vòng 3-5 phút là xong. Thậm chí có giáp chỉ trong 2 phút đã làm hoàn chỉnh. Lễ hội năm 2009, có xóm đã đạt kỷ lục về mổ lợn, bày cỗ dâng Thánh trong vòng 1 phút 50 giây.

Khi mâm cỗ được bày xong và mang lại đình sẽ có một ban giám khảo gồm từ 3 – 5 cụ cao niên đi chấm điểm. Ban giám khảo có nhiệm vụ kiểm tra các mâm cỗ theo tiêu chuẩn: Đủ, đúng, đẹp, tức tinh thục và đủ vị theo quy định. Xong mâm cỗ sẽ kiểm tra con lợn sau giết mổ. Nếu lợn nào bị thủng ruột, giáp đó sẽ không được mang lễ vào đình và bị phạt, vì như thế là uế tạp. Các vết mổ trên mình lợn yêu cầu phải nhỏ gọn, kín đáo, trông như còn nguyên vẹn, trừ cái đầu bị chặt. Thế nên việc thi mổ lợn của các giáp không chỉ nhanh, đẹp mà còn phải chuẩn, thể hiện hết tài khéo và lòng tôn kính với đức Thành hoàng của những người làm. Và hầu như mọi dịp thi mổ lợn nhanh đều hiếm xảy ra sơ suất. Mọi người đều phấn khởi vì đã trọn lòng và cho đó là điềm lành, là sự linh ứng của Đức Thành hoàng. Kiểm tra xong, các giáp mới được đem cỗ vào lễ Thành hoàng.

Cuộc thi “chạy lợn” tiếp tục, giáp nào mang cỗ vào trước, giáp đó được Nhất, lần lượt sẽ có giải Nhì, Ba. Bởi tiêu chí chấm giải cỗ lúc này là đủ và kịp. Giáp được nhận giải phần thưởng chỉ là chai rượu, cơi trầu và một quan tiền, song đã đem lại niềm vinh dự to lớn cho giáp được giải. Bởi nó phản ánh tài khéo của giáp đó và sự khỏe mạnh, thông minh, vẹn toàn, phối hợp ăn ý…của cả giáp. Ngày mùng 8 làm lễ bình thường và có nhiều trò chơi dân gian, sau đó làm lễ giã hội. Ở lễ hội làng Diền, việc tế thần Cao Sơn Đại Vương với các trò: Vật lão, khao quân, “chạy lợn” chính là những trò diễn diễn lại sự tích đức Thành hoàng Cao Sơn khao quân đi đánh giặc.

Lễ hội “chạy lợn” làng Diền (Duyên Yết) là một lễ hội lớn trong vùng, trước hết nó gắn với nông nghiệp, đề cao chăn nuôi, khuyến khích chăn nuôi giỏi. Nó thể hiện và phản ánh, rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo tay của người nông dân vùng ven sông Hồng. Nó còn thể hiện sự yêu kính tổ tiên, ghi nhớ công lao của những bậc anh hùng, có công trong công với nước, với dân. Lễ hội đã được Sở VHTT Hà Nội đầu tư nghiên cứu, nhân kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Năm 2023 này, sau 3 năm ngừng tổ chức do dịch bệnh COVID-19, lễ hội “chạy lợn” làng Diền sẽ được tổ chức lại. Tuy vậy, quy mô lễ hội sẽ được tổ chức gọn, nhẹ, đơn giản, tiết kiệm và đảm bảo an toàn, trật tự.

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.