Lê Lựu “sóng ở đáy sông” còn cuộn chảy!

TRẦN THU HẰNG (nguyên TBT Báo Phụ nữ Thủ đô)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tin nhà văn Lê Lựu qua đời ngày 9/11 sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh đột quỵ, đã để lại niềm thương tiếc cho độc giả cả nước cũng như giới văn học nghệ thuật. “Lê Lựu là một nhà văn đặc biệt của văn học Việt Nam sau 1975” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ niềm tiếc thương.

Lê Lựu “sóng ở đáy sông” còn cuộn chảy! - ảnh 1
Nhà văn Lê Lựu lúc sinh thời Ảnh: Eva

Lê Lựu - “người nông dân” có kiến văn rộng, hiểu đời sống sâu sắc
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nhận định về Lê Lựu như vậy đối với văn đàn Việt Nam thời hiện đại. Nhà văn Lê Lựu rời làng quê Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, Hưng Yên để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đây là thử thách để Lê Lựu trở thành "người cầm súng", đồng thời cũng mở ra cho ông cơ hội cầm bút. Đại tá - nhà văn quân đội Lê Lựu có nhiều tác phẩm văn học ghi dấu ấn với bạn đọc nhiều thế hệ. Như “Người về đồng cói”, "Mở rừng", "Đại tá không biết đùa", "Sóng ở đáy sông", "Chuyện làng Cuội", "Một thời lầm lạc", "Thời xa vắng"... Đặc biệt, các tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim truyền hình và điện ảnh vô cùng thành công, được khán giả biết đến rộng rãi là: “Người về đồng cói”, "Sóng ở đáy sông", "Thời xa vắng"... 

Đánh giá về tài văn của Lê Lựu, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: “Nhà văn Lê Lựu là một cây bút rất vạm vỡ, ông đi trước cả công cuộc đổi mới. Ông là một ngòi bút rất đặc sắc viết về nông thôn. Chúng ta có nhiều nhà văn viết về nông thôn như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Kim Lân…, nhưng tác phẩm của Lê Lựu thì khác. Ông trực tiếp viết về chính mình, người nông dân từ trong bản chất nên lời văn của Lê Lựu rất sống động, chân thực và sinh động với góc nhìn của người trong cuộc”.

Bày tỏ sự trân trọng và tiếc thương với nhà văn đàn anh thân thiết vừa ra đi, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái cho biết, Lê Lựu là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ cùng với nhà văn Ngụy Ngữ năm 1988. Sau một chuyến thăm Việt Nam năm trước khi bỏ cấm vận, Thượng nghị sĩ (sau này là Ngoại trưởng) Mỹ John Kerry nhận Lê Lựu làm anh em kết nghĩa và Lê Lựu đã cưỡi ngựa đi sóng đôi trong trang trại của John Kerry ở Mỹ. 

“Điều đó chứng tỏ người Mỹ đọc văn ông, hiểu con người ông, đánh giá cao ông vì trong ông có thông điệp mang tầm nhân loại. Đó là điều khác lạ đặc biệt làm nên sự hấp dẫn của nhà văn Lê Lựu”- Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái đánh giá.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nói đến nhà văn Lê Lựu với "4 cái nhất". Đầu tiên là tiểu thuyết "Thời xa vắng" được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại. Tiếp theo là chuyến đi Mỹ đầu tiên của một nhà văn cựu chiến binh Việt Nam (1988). "Cái nhất" thứ ba là Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tại Hà Nội do nhà văn Lê Lựu thành lập, như để khẳng định rằng kinh tế không thể tách rời văn hóa. "Cái nhất" thứ tư nhưng là "cái nhất" xuyên suốt là chất nông dân với tất cả mọi sắc thái ý nghĩa của từ này. 

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Lê Lựu nhìn đã biết là người của nông thôn, làng quê từ dáng vẻ, thân hình, lời ăn, tiếng nói, cho đến quần áo trang phục, cách nghĩ, cách cảm. Một chất quê vừa là đặc sản vừa là đặc trưng.

“Lê Lựu rất yêu thương mọi người, luôn tự trào để sống vui”
Tôi có may mắn công tác tại báo Phụ nữ Thủ đô từ thời kỳ đầu, khi trụ sở của báo ở ngay phố Quán Sứ, giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, nên được chào đón rất nhiều các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa thường xuyên ghé thăm. Lúc thì đưa bài cộng tác, nhưng cũng có lúc chỉ là ghé uống chén trà, nói dăm ba câu chuyện văn chương, thời thế, chuyện phiếm vui vẻ. Họ đến, chủ yếu bởi người “cầm quân” của Phụ nữ Thủ đô khi ấy là nhà văn Lý Thị Trung - một trong không nhiều các nhà văn nữ của Hội Nhà văn Việt Nam thời đó. Lê Lựu là một trong số các nhà văn hay ghé thăm Phụ nữ Thủ đô với giọng nói rổn rảng, tiếng cười vang, vui và khỏe khoắn.

Một dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, tôi cử một phóng viên trẻ đến gặp phỏng vấn nhà văn Lê Lựu. Bài viết xong, tôi yêu cầu phóng viên đưa đến nhờ nhà văn đọc lại, bác đồng ý thì mới đăng. Phóng viên đem bản thảo đến, sau đó đem về một bản thảo “khủng”: Nhà văn Lê Lựu gạch xóa viết lại từ câu hỏi của phóng viên đến câu trả lời của nhân vật, ông viết lại đến 90%. Nhưng trên góc cao bên trái, nhà văn Lê Lựu bút phê: “Bài viết rất tốt! Cảm ơn cháu!”. Một biên tập viên như tôi lúc đó thực sự ngỡ ngàng về một tinh thần chan chứa nhân văn, không chê bôi người trẻ, đã bỏ bao thời gian ra để sửa bài, lại vẫn động viên! Tôi càng trân quý nhà văn Lê Lựu từ dạo đó.

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái khẳng định: "Nhà văn Lê Lựu là một người rất yêu thương mọi người và quan tâm con cái. Ông còn là người hài hước và tự trào để làm vui cho cuộc sống”. Thế nên, dù bệnh tật kéo dài, mỗi lần chúng tôi đến thăm, ông vẫn vui vẻ, tự trào, đem niềm vui lại cho mọi người. Cảm giác cuộc sống với ông lúc nào cũng thật nhẹ nhõm, như là ông không có bệnh tật gì, không phải là ông vẫn đang bám vào ống sắt được bắt vít vào tường mà chân thấp chân cao tập tễnh tập đi sau mấy lần bị đột quỵ.

Nhà văn Hồng Thái cũng cho biết, khi còn sống, Lê Lựu đã “vắt kiệt” mình để cống hiến cho đời những trang văn đầy ánh sáng. Ông được quý mến bởi tài văn và cá tính vô tư, chân thành, hồn nhiên của một lão nông điển hình. Lê Lựu là một “sứ giả văn hoá” của người nông dân Bắc Bộ.

Hôm về quê Lê Lựu tiễn biệt ông vào một ngày thu se lạnh, chứng kiến rất đông các đoàn xe nối nhau về để tiễn ông, Trung tướng-Nhà văn Hữu Ước bùi ngùi bảo tôi: “Lê Lựu là một nhà văn tài hoa với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Văn của ông sẽ không bao giờ cũ. Ông không chỉ là một người đổi mới, ông còn là một nhà văn với khát vọng muốn làm thật nhiều việc có ích cho đời. Nhưng tiếc rằng ông ấp ủ nhiều, nhưng rồi nhiều việc ông không kịp làm hoặc không thể làm”. 

Có lẽ thế, nên tôi nghĩ, nhà văn Lê Lựu mất đi, nhưng “sóng ở đáy sông” trong từng trang văn của ông, trong nhiều những khát vọng cống hiến ông để lại, chắc chắn còn cuộn chảy mãi…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục